Vàng mã & tiền thật

GN - Những ngày tháng Bảy vừa qua hay lễ Tết, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cảnh đốt vàng mã nghi ngút trước mỗi ngôi nhà, hàng quán. Người ta quan niệm “trần sao âm vậy” nên đã gửi hàng chục ngàn tấn vàng mã mỗi năm “xuống dưới” cho người âm sử dụng.

Trong một ngày cuối tháng Bảy, tôi ghé quán cơm chay quen thuộc trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) ăn trưa, cách đó không xa, những người trẻ trong trang phục công sở chạy vào ra khiêng các bao đồ vàng mã ra đốt. Khói bay nghi ngút. Tôi hỏi nhân viên quán chay và được biết, không chỉ công ty đó cúng lớn trong tháng Bảy âm lịch, những người dân xung quanh, các công ty khác cũng theo lệ mà cúng lớn và đốt nhiều vàng mã. Ăn trong 30 phút, tôi rời quán chay, những nhân viên công ty đó vẫn còn hì hục với công việc ngoài chuyên môn nhưng không thể thiếu trong tháng này: đốt vàng mã.

Anh LDL 2.jpg


Nhân viên của một công ty trên đường Điện Biên Phủ
(Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đốt vàng mã trong tháng Bảy này - Ảnh: L.Đ.L

Tôi đem chuyện cúng và đốt vàng mã trao đổi với một số người bạn khác, làm ở nhiều lĩnh vực và được biết, công ty họ cũng có cúng cô hồn tháng Bảy. Thực ra, việc cúng cô hồn, nhất là trong tháng Bảy âm lịch trở thành nét văn hóa, tồn tại trong tâm thức người dân Việt. Thượng tọa Thích Lệ Trang, Trưởng ban Nghi lễ Phật giáo TP.HCM chia sẻ với khán giả kênh truyền hình trực tuyến báo Giác Ngộ - Giác Ngộ TV rằng, việc cúng kính đó là nhân văn, theo quan niệm Phật giáo, có cảnh giới ngạ quỷ, người sinh vào loài đó chịu khổ về đói khát. Người thực hành Phật giáo với tâm lượng từ bi, nghĩ về những loài khổ sở vì đói khát mà phát tâm bố thí, điều này cũng phù hợp với tinh thần “tương thân tương ái” của dân tộc.

Tuy nhiên, trong chia sẻ với Phật tử trong mùa Vu lan vừa rồi, Thượng tọa Thích Lệ Trang lưu ý không nên lạm dụng hình thức: quá phô trương lễ phẩm, đốt nhiều vàng mã mà thiếu tâm lượng thương tưởng, không gia tâm bố thí, sẻ chia.

Trong chia sẻ của thầy, tôi thấy có một điểm đáng lưu ý đó là nét nhân văn của việc cúng cô hồn và việc lạm dụng đốt vàng mã trong văn hóa cúng cô hồn. Do sự lạm dụng của đốt vàng mã mà nhiều người đồng nhất giữa cúng cô hồn với đốt vàng mã là một nên lên án chuyện cúng cô hồn. Thêm một hình ảnh không đẹp khác trong cúng cô hồn là những đám đông giật cô hồn một cách chuyên nghiệp, bát nháo đã làm cho tín ngưỡng này không còn mang ý nghĩa thiện lành như nó vốn có, lúc được sinh ra.

Theo tôi thấy, sự ngộ nhận về may mắn trong những lễ phẩm cúng cô hồn giật được cùng mê tín đốt nhiều vàng mã sẽ được phù trợ cho phát đạt chen vào trong sinh hoạt lẽ ra nhân văn - nuôi dưỡng lòng từ bi của con người mới chính là điều cần điều chỉnh.

Nhờ học Phật một cách kỹ càng hơn, nhất là kể từ khi tìm hiểu, có thực tập thiền, tôi nhận ra rõ hơn lời dạy của Đức Phật không ngoài lý nhân-duyên-quả. Con người cần tin sâu vào đó để hành xử, nói năng, tư duy một cách thiện lành hơn, tránh nghĩ-nói-làm việc dữ, gây hại cho tự thân và người khác. Đó mới là căn cốt của việc thực tập Phật pháp chứ không phải là cúng kính cho nhiều để rồi cầu xin đủ thứ - những thứ mà Đức Phật đã có và từ bỏ để đi tìm con đường an vui bên trong.

Hiểu điều đó, bình an trong sự thực hành đó, tôi chia sẻ với má mình và bà đã từng bước bỏ qua những thói quen đi chùa khi mới biết đến Phật. Đó là không còn cầu xin mà thay vào đó là làm những việc lành như chia sẻ với ai điều tốt, làm cho ai an vui, buông xả được phiền não, giận hờn nào… đều nỗ lực làm. “Má cũng thấy bình an hơn kể từ khi biết làm những điều như thế, không cầu an mà tự nhiên được an, vì có nhân sẽ có quả tương ứng” - má tôi, một người nông dân chân lấm tay bùn ngộ ra.

Đặc biệt, mỗi ngày mùng 2, 16 âm lịch hay Tết nhất, nhà tôi không còn tốn bộn tiền cho việc mua vàng mã để hóa cho ông bà - chuyện này ngày xưa vẫn thường làm, nhất là giỗ cụ nào cũng có vài bộ đồ (vàng mã) để gửi xuống cho các cụ mặc. Sự thật là, trước đây đốt nhiều vàng mã hơn nhưng nhà tôi lại nghèo vẫn hoàn nghèo, giờ không đốt nhưng đời sống được ổn hơn rất nhiều, cả vật chất lẫn tinh thần.

Tôi đọc thông tin chưa thống kê đầy đủ về số lượng vàng mã đốt hàng năm, nhưng thực sự sửng sốt vì nó quá nhiều. Theo đó, mỗi năm người dân phải tiêu tốn tới 5.000 tỷ đồng để mua gần 50.000 tấn vàng mã đem đốt, riêng Hà Nội chiếm gần 1/10 số đó, với 400 tỷ đồng cho chi phí này. Trong tháng Bảy này, một đài truyền hình đã tìm về ngôi làng có nghề làm vàng mã lâu năm ở Bắc Ninh và ghi nhận từ chính các cơ sở ở đây, là họ vẫn ăn nên làm ra. Điều đó cho thấy, thị trường tiêu thụ vàng mã trong người dân không hề giảm. Nhiều người lý giải điều này, là do càng có điều kiện người ta càng đốt nhiều hơn để cầu đổi nhiều hơn sự thịnh vượng đang có.

Như vậy, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có khuyến cáo không đốt vàng mã, để tiền cho hoạt động đó dùng vào công tác cứu tế, chẩn bần cho người sống - vì ở đâu trên đất nước này cũng còn có người nghèo cần giúp đỡ - vẫn chưa đi vào trong nếp nghĩ, việc làm của đại đa số quần chúng. Ở đâu đó, nỗi sợ trong con người vẫn hiện diện vì thói quen in hằn trong nếp nghĩ, nên cứ đốt cho yên tâm. Tuy nhiên, có một gợi ý mà tôi thấy rất hay từ thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng Phi Lai (Hà Nam) trong tháng Bảy năm nay là, thay vì cúng vàng mã, hãy gói tiền thật để lên đĩa cúng, sau đó vẫn sử dụng bình thường, như thực phẩm mình dâng ông bà rồi lấy xuống cho con cháu dùng vậy.

Nếu lo lắng người thân đã mất thiếu tiền, thiếu đồ mặc có thể “gửi” xuống bằng cách cúng đồ thật, tiền thật rồi phân phối cho con cháu dùng như “lộc” tổ tiên, vừa yên tâm về mặt tâm lý vừa không sa đà vào chuyện vàng mã - hạn chế gây ô nhiễm môi trường (do khói đốt, giấy và nguyên liệu dùng vào việc tạo ra sản phẩm vàng mã). Không tốn tiền đốt vàng mã, giữ lại được tiền thật để làm từ thiện nữa thì hay biết bao nhiêu.

Tôi lại nghĩ về con số tiền thật 5.000 tỷ đồng do đốt vàng mã lại thấy xót xa và mong ước người dân Việt có thể sớm thay đổi nếp nghĩ để tử tế, văn minh hơn trong thực hành tín ngưỡng của mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Vô thường

Lá vàng ắt phải rụng rơi...

GNO - Sớm nay, tôi ghé chùa lễ Đức Quán Âm. Tôi thấy ba vị Tăng cử hành một nghi thức trước đài Quán Âm. Một cỗ quan tài nhỏ, thật gọn, có lẽ bằng ván ép được bốn người khiêng nhẹ nhàng, cúi đầu lễ tôn tượng rồi di chuyển ra khỏi cổng chùa. Ra là một vị cao tuổi ở nhà dưỡng lão của chùa vừa qua đời tối qua.

Thông tin hàng ngày