GNO - Hồi học lớp 1, trong một lần ngồi vẽ chì và tô màu, tôi đã vẽ và tô màu ngài Quán Thế Âm. Lúc đó, trên tủ thờ nhà tôi có treo một bức vẽ màu của ngài, dạng hộp đèn có hào quang khi cắm điện vào. Tôi nhìn và vẽ.
Bức vẽ khá giống nên ba tôi mang xuống chùa bên kia con lộ 1A hỏi sư cô, cô nói chắc em nó có duyên từ lâu với ngài. Ngôi chùa này, nơi lần đầu tiên tôi thắp đèn, lạy Phật vì sư cô là cô giáo lớp 2 của tôi.
Bồ-tát Quán Thế Âm - Ảnh: Bảo Toàn
Ngày lớn lên, đi học cấp hai vẽ hình mỹ thuật, cấp ba vẽ hình mặt cắt, rồi học môn toán hình hay vật lý tôi đều phải cố gắng rất nhiều vì bản thân mình rất kém về hình ảnh, tư duy hình ảnh hay hội họa. Cho đến giờ vẫn vậy, vẽ là môn sở đoản số một của tôi.
Vậy mà không biết sao ngày xưa vẽ được bức tranh đó nữa.
Năm nhất đại học, chị lần đầu tiên đưa tôi đến chùa là lễ Bồ-tát Quán Âm, trong khuôn viên Tịnh xá Trung Tâm, rồi chị dắt đi quanh tôn tượng ngài và dặn niệm danh hiệu ngài khi đi, cứ như vậy hai chị em đi không biết bao nhiêu vòng, cho đến khi ánh đèn dầu được chong lên...
Hồi còn ở quê, có chuyện buồn hay chuyện học hành thi cử đều lên thắp nhang, nguyện ngài.
Sau này, khi lòng bất an cũng đến lễ ngài, ngồi đó, ngắm ngài thôi. Vì ngài là vị thí vô úy. Và cũng không cần nói ra, vì ngài lắng nghe và thấu hiểu mọi loài.
Người ta hay gọi ngài là "Mẹ" vì ngài từ bi vô ngại. Người ta kính ngưỡng ngài vì cái tâm yêu thương rộng lớn.
Tất cả không ngoài nhân quả, Phật dạy. Nhưng niệm ngài, tưởng nghĩ đến ngài không phải để cầu xin mà để học tập, thực hành hạnh nguyện vĩ đại của ngài. Từ đó, mình chuyển hóa được khổ đau của mình và sẽ có thể giúp đỡ người khác.
Kính lễ ngài, trong tâm bình an của con!
Nam mô Quán Thế Âm Bồ-tát!
Huệ Trần
Nhật ký cuộc sống Là những bài viết từ cuộc sống thường nhật của bạn đọc Giác Ngộ với những ghi chép qua “đôi mắt thương” nhìn đời. Khi đọc, bạn chắc chắn sẽ nhặt được điều gì đó cho mình, như một món quà bình an hay tìm thấy chính mình từ câu chuyện. Bạn cũng có thể viết tiếp câu chuyện như vậy trong sự lắng đọng, bình yên để tặng quà cho nhiều người khác. Với ý niệm đó, trang Tuổi trẻ của báo Giác Ngộ sẽ mở chuyên mục Nhật ký cuộc sống để bạn đọc có đất trải lòng. Bài viết hoan hỷ gửi về: bandocgiacngo@gmail.com. Trân trọng đón chào bài vở của bạn đọc và CTV. PGTT |