GN - Nhân lễ Tưởng niệm 40 năm ngày 4 vị sư liệt sĩ: Lâm Hùng, Danh Hom, Danh Hoi, Danh Tấp bị sát hại trong cuộc biểu tình đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước (10-6-1974) tại Rạch Giá (Kiên Giang), lần đầu tiên từ khi thành lập Hệ phái Nam tông Khmer đến nay, Hệ phái mới tổ chức một cuộc hội thảo quy mô tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Kiên Giang (số 659 Nguyễn Trung Trực, TP.Rạch Giá)
Trước thềm hội thảo khoa học này, phóng viên Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với TT.Danh Lung (ảnh), UVTT HĐTS, Phó ban Thường trực Ban Tổ chức, Thượng tọa cho biết:
- Có thể nói đây là lần đầu tiên kể từ khi thành lập đến nay, Hệ phái Nam tông Khmer mới tổ chức được một cuộc hội thảo khoa học quy mô với chủ đề Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc diễn ra vào ngày 11-6-2014.
Hội thảo khoa học do Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN phối hợp với Viện Nghiên cứu Phật học VN và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức.
Dự kiến sẽ có trên 600 đại biểu tham dự, gồm các thành phần: chư tôn đức Tăng, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia các học viện Phật giáo, viện nghiên cứu, cán bộ các trường đại học, cán bộ lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu Khmer… sẽ tham gia đóng góp tham luận tại hội thảo. Ngoài ra, Ban Tổ chức hội thảo còn mời đại diện Ban Tôn giáo, BTS GHPGVN, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước, Ủy ban MTTQVN tỉnh Kiên Giang; BTS GHPGVN, Ủy ban MTTQVN, Ban Tôn giáo, Ban Dân tộc, Hội Đoàn kết Sư sãi Yêu nước thuộc tỉnh, thành tham dự.
Thượng tọa có thể nói rõ hơn về nội dung chủ đề của hội thảo lần đầu tiên này?
- Hội thảo khoa học lần này có chủ đề chính Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc và sẽ được chia làm 3 nhóm chủ đề phụ để thảo luận tại hội thảo:
Nhóm chủ đề thứ nhất: Nguồn gốc, lịch sử và truyền thừa của Phật giáo Nam tông Khmer: trong đó sẽ đề cập đến Quá trình hình thành của Phật giáo Nam tông Khmer ở VN; Những sự kiện của Phật giáo Nam tông Khmer trong lịch sử; Quá trình truyền thừa của Phật giáo Nam tông Khmer ở VN; Tinh thần sự kiện ngày 10-6-1974 bốn vị sư Khmer đã anh dũng hy sinh; Sự tham gia của Phật giáo Nam tông Khmer trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Nhóm nội dung thứ hai: Những vấn đề Triết học và Phật học trong kinh điển Phật giáo Nam tông Khmer, với các nội dung: Vũ trụ và con người; Hạnh phúc và tự do; Văn hóa và đạo đức; Giới Định Tuệ (triết lý nhân sinh) và đạo đức; Giáo dục và mỹ học.
Nhóm nội dung thứ ba: Phật giáo Nam tông Khmer hội nhập và phát triển: Phật giáo Nam tông Khmer và văn hóa vùng Nam Bộ; Phật giáo Nam tông Khmer với Phật giáo VN, Phật giáo Nam tông Khmer trên con đường hội nhập và phát triển hiện nay; Giáo dục Phật giáo Nam tông Khmer trên bước đường hội nhập và phát triển; Phật giáo Nam tông Khmer đối với việc bảo vệ môi trường; Phật giáo Nam tông Khmer với việc xây dựng xã hội bền vững.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng sẽ nhằm giáo dục tinh thần đồng hành cùng dân tộc của chư Tăng và Phật tử trẻ người Khmer. Hiện nay, đất nước chúng ta cũng như một số nước trong khu vực đang có những diễn biến không ổn định. Chính vì vậy, thông qua hội thảo, Ban Tổ chức cũng mong muốn nâng cao nhận thức về tinh thần yêu nước, tinh thần phụng sự cho các vị Tăng, Phật tử trẻ người Khmer để họ có những định hướng, tiếp tục tham gia đóng góp cho GHPGVN nói riêng và đóng góp cho lợi ích của đất nước, dân tộc nói chung.
Cho đến hôm nay, Ban Tổ chức đã nhận được gần 100 bài tham luận của chư tôn đức Tăng Ni, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia… gởi về tham dự hội thảo.
Thượng tọa có những lưu ý gì đối với đại biểu tham gia hội thảo?
- Ngoài chư Tăng, các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia… là đại biểu chính thức, các đại biểu là chư Tăng Khmer trẻ muốn tham dự phải được các Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước của các huyện, thị chọn. Họ là những người có tinh thần phục vụ lợi ích cho Giáo hội cũng như phục vụ lợi ích cho đất nước thì có quyền tham dự hội thảo lần này.