Về kỷ lục của nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản

Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản (giữa)
Nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản (giữa)

Ngày 24-5-2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (TTSKLVN) kết hợp Báo Giác  Ngộ đã trao kỷ lục “Người viết ca khúc Phật giáo nhiều nhất Việt Nam” cho nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản. Sau đó một số nhạc sĩ Phật tử đã lên tiếng phản đối quyết định này của TTSKLVN. Ngoài những đơn kiến nghị, tâm thư gửi đến Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thành hội Phật giáo TP.HCM, Báo Giác Ngộ,… các ban ngành liên quan của Phật giáo, còn có một đĩa CD “Ý kiến nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, nhạc sĩ và cư sĩ Phật tử…” về vụ việc Vũ Ngọc Toản do nhóm ảnh Nhất Chi Mai phổ biến đến các chùa, các nơi.

Qua tìm hiểu nội dung các kiến nghị, tâm thư và ý kiến của một số văn nghệ sĩ Phật tử trong đĩa CD này, phần lớn phê phán gay gắt những sáng tác nhạc của nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản là đạo nhạc, nhái nhạc, nhạc tình v.v… Thiết nghĩ đây là điều khá lạ. Vì việc xác lập kỷ lục là trách nhiệm của TTSKLVN. Đơn vị đã quyết định xác lập kỷ lục cho nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản. Giả sử nếu bắt lỗi thì là TTSKLVN chứ không thể là nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản. Chẳng lẽ quýt làm mà cam chịu?

Cũng qua đĩa CD đó đã dẫn lời giảng của ĐĐ.Thích Nhật Từ về việc này. Vì Đại đức là người đề nghị xác lập kỷ lục cho nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản. Thầy cho biết kỷ lục này không có gì là ghê gớm lắm, chẳng qua người ta chỉ lấy tiêu chí cái gì nhất - có thể là tích cực hoặc tiêu cực - không liên hệ đến nội dung hoặc chất lượng của kỷ lục. Chẳng hạn người cao nhất, người mập nhất, người nặng nhất để xác lập kỷ lục mà không nói đến người này có đạo đức hoặc có đạo văn hay không. Một chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam được xác lập kỷ lục, có cần bắt buộc phải là bánh ngon hay không? Dựa theo lời của ĐĐ.Nhật Từ trong đĩa CD này và bài viết “Danh hiệu kỷ lục - Sự phù phiếm không đáng có” của tác giả Lưu Dũng Xuất trong tạp chí Văn Hóa Phật Giáo ra ngày 1-7-2009 thì việc làm của Vietkings chỉ dựa trên tiêu chí thứ nhất. Căn cứ số bài hát cụ thể của nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản so với các nhạc sĩ Phật tử hiện tại thì đúng là nhiều nhất. Còn chất lượng và những vi phạm về nhạc lý, hoặc đạo nhạc, nhái nhạc là việc của cơ quan chức năng có thẩm quyền, không phải trách nhiệm của TTSKLVN.

Thật sự mà nói, vừa qua Báo Giác Ngộ đã đăng một số kỷ lục Phật giáo, bản thân tôi khi xem qua cũng không mấy quan tâm lắm. Ngay như việc xác lập kỷ lục “Người sáng tác cổ nhạc Phật giáo nhiều nhất Việt Nam” cho soạn giả Dương Kinh Thành, tôi đọc để mà biết thôi cũng chẳng tìm hiểu xem soạn giả Dương Kinh Thành là ai, sáng tác bao nhiêu bài, chất lượng ra sao? Vì có thời giờ đâu mà tìm hiểu. Có chăng một số soạn giả cổ nhạc, những người yêu thích cổ nhạc để ý tìm hiểu học tập. Cũng không loại trừ một vài người ganh tỵ tìm tòi để phê phán. Có vậy thôi. Đa số quần chúng ít ai quan tâm đến kỷ lục làm gì.

Đối với nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản, đây cũng là bài học cho việc sáng tác của mình, nên đặt nặng vấn đề chất lượng hơn số lượng. Thất bại là mẹ thành công. Cũng nên cảm ơn mọi người đã đánh thức mình cẩn trọng hơn trong việc sáng tác nhạc.

Đối với các nhạc sĩ Phật tử liên quan đến vấn đề này, chúng ta là con của Phật, là anh em ruột một nhà nên thương yêu nhau, xây dựng nhau. Một vài vị đã cho biết mình là Phật tử hơn 50 năm, thế mà quên đi sự tu học thâm niên của mình. Tuổi đạo càng cao thì ý nghĩ, lời nói, việc làm phải có chánh niệm và chánh định. Đừng để một đốm lửa sân làm cháy mất cả rừng công đức.

Hòa thượng Thiện Siêu có một câu nói rất hay: “Vô ngã là Niết bàn”. Ngã càng to, phiền não càng nhiều, Niết bàn càng xa. Tu mà xa Niết bàn thì sai mục đích, dù có tu 100 năm kết quả cũng chỉ là khổ đau.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày