Về những “chấm đen” giữa đời…

GNO - Chiều qua, bạn gọi điện bảo mình, dạo này lại nổi cộm những vấn đề nghe đau đớn, hoang mang.

Đó là chuyện người ta cướp của, giết người rồi đâm trọng thương công an ngay giữa thanh thiên bạch nhật (vụ việc trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình, TP.HCM vào sáng ngày 17-9-2012), rồi việc rưới xăng đốt người, lại là người thân trong cùng dòng họ ở Phú Thọ làm hai người chết, ba người nguy kịch. Sáng nay 19-9, giở báo, lại đọc tin xông vào nhà dân cướp laptop xảy ra vào tối 18-9 ở Q.2, TP.HCM…

Cái xấu.jpg

Cái xấu, cái ác quanh ta, nếu có một nền tảng nhận thức nhân quả
thì con người sẽ thoát khỏi những sự cám dỗ của nó - Minh họa: P.S

Nói chung, sự vụ tương tự thực ra không khó kiếm, không khó để đọc được nếu chịu khó tìm kiếm những tờ báo chuyên đưa tin về an ninh trật tự, hoặc ở những trang báo “cướp-hiếp-giết” (theo cách gọi vui của bạn đọc, người làm báo). Nhưng, sự vụ táo tợn ngày một đáng để lo, với những thủ đoạn cùng sự quyết liệt, thâm độc của tội phạm làm cho người ta hoang mang về tính an toàn của mình và tài sản.

Nguyên nhân được những nhà khoa học về tâm lý, xã hội cũng như những người thực thi pháp luật đưa ra, đương nhiên không ngoài việc đạo đức xuống cấp, là biểu hiện sự băng hoại do con người ngày càng tiếp xúc với những sản phẩm phi đạo đức, đi ngược lại sự giáo dục nhân cách cao thượng. Có một cô giáo đã băn khoăn trong một bài viết gửi báo Tuổi Trẻ ngày 16-9 rằng, đừng nhổ nước bọt trước gió. Bài viết trình bày những nỗi lo của một sản phẩm truyền thông (đặc biệt là báo mạng) cứ liên tục cổ xúy lối sống hưởng thụ, xa hoa, chăm chăm vào những giá trị bên ngoài (thuộc về vật chất) thay vì đầu tư cho nhân cách, lối sống cao thượng. Và, đó chính là một trong những nguồn cơn dắt dẫn con người đắm mê sắc dục, hưởng thụ (trong nhà Phật gọi là trần cảnh, tác động tới sáu căn tạo ra những thọ cảm, ham thích…).

Tôi nhớ về một bài báo của tác giả Nhụy Nguyên đăng trên Đạo Phật Ngày Nay cách đây không lâu. Tác giả bàn về “ngày tận thế” và có một đoạn, đại ý là, Trái đất là một thực thể nằm trong Tam giới nên có sanh diệt, là đương nhiên. Con người và chúng sinh ngụ cư trên Trái đất nhỡ có bị diệt theo sự hoại diệt của Trái đất thì ngay giờ phút cùng chết ấy những người có nghiệp lành (đã tạo tác trong đời sống thực tại, từ ý-khẩu-thân) sẽ theo nghiệp đó mà giải thoát hoặc tái sanh vào cảnh giới đúng như nghiệp đã tạo, không sai một mảy may nào. Nên, đừng nghĩ tới “ngày tận thế” mà hoang lạc, trác táng, đừng nghĩ là mình không còn sống bao lâu, không còn trẻ mà “xả cửa”, chơi hết mình, hoang phí, vô độ…

Thật vậy, khi mà đâu đâu cũng thấy người ta xưng tôn giá trị bên ngoài để chủ yếu kiếm tiền, kiến tạo danh vị, quyền lực thì biểu làm sao giới trẻ (được ví như tờ giấy trắng, hay một ổ đĩa trống trơn) không ghi lại, lưu lại trong bộ nhớ một cách sống tương tự, cần phải đạt được như thế để “khẳng định giá trị bản thân”?

Âu lo này không phải là thừa, bởi nó thực chứng từ chính cuộc sống mà không ít lần ta vẫn nghe những xót xa, chặc lưỡi: “Bọn trẻ thời nay thiếu niềm tin, không có lý tưởng cao đẹp, vị kỷ, thích phô trương bề ngoài…”. Ta nói như thể bọn trẻ là người chủ động dắt mình đi vậy, ta nói như thể ta đứng ngoài lề “sân chơi” của người trẻ vậy, ta nói như thể ta vô can, ta không có một tí tẹo trách nhiệm nào trong những biểu hiện nơi người trẻ vậy! Thật là đau lòng vì có không ít người đã nghiễm nhiên đổ mọi tội lỗi lên đầu người trẻ như thế; cách hành xử ấy có phải là ta còn ích kỷ và vô tâm hơn cả người trẻ vốn “trẻ người non dạ” đang bấp bênh trước bờ vực của sự băng hoại những giá trị đạo đức cao thượng?

Hẳn, không cần phải kêu réo nhiều, xót xa nhiều thêm nữa, bởi chừng đó tiếng kêu và nỗi xót xa đã đủ để ta nhận diện sự thật từ chính những biểu hiện trong cuộc sống hôm nay, nơi hiện tại có nhiều đau thương bởi những “chấm đen” của cuộc sống (đang dày lên mỗi ngày). Không chỉ dày lên mà còn rút ngắn độ tuổi phạm tội, thống kê của ngành công an đã rút ra điều đó - càng làm cho mọi người lo lắng về “thế hệ tương lai” của đất nước… Lo lắng là không thừa, nhưng như đã nói, lo lắng thôi thì không ích gì, nhất là cuộc sống vốn có quá nhiều lo lắng bởi sự bấp bênh của kinh tế, cũng như những bất ổn chung trên bình diện thế giới, khu vực với biểu hiện là bạo lực lan nhanh, những tranh chấp dẫn tới những đụng độ, chiến tranh… Hơn thế là những bất ổn của thiên nhiên (do chính con người gây ra lâu nay, đã đủ độ “chín” nên biểu hiện) và kết quả là thiên tai, tật bệnh ngày một kinh hoàng, nguy hiểm đã trở thành những mối họa treo ở trên đầu mỗi người.

Phải chăng, đó cũng chính là nguyên nhân thúc bách con người ta sống vội, sống cuồng, nhất là khi họ không hề biết một tí tẹo nào về nhân quả, nghiệp báo vốn hiện diện tất yếu giữa cuộc đời sanh tử này. Những mối bất an đi kèm với sự thiếu hiểu biết về nhân quả (kiểu như gieo gió gặt bão, hay ăn mặn khát nước - không chỉ đời này mà còn nhiều đời sau nữa) nên người ta mặc tình mọi thứ, cứ biết ngày hôm nay, và chỉ cho hôm nay thôi.

Nhan sinh.jpg

Bạn trẻ tham gia từ thiện, tình nguyện trên tinh thần Phật dạy - Ảnh: CLB Nhân Sinh

Đạo Phật dạy về “hiện pháp lạc trú” (an trú trong hiện tại) để mỗi người trở lại với hiện tại, chăm sóc thân-tâm mình trên nền tảng quán chiếu nhân quả, vô thường. Từ đó, không phung phí thời gian vào những việc vô bổ, tổn hại phước-đức, và tất nhiên biết đoạn ác, làm lành để… kiến tạo tương lai tươi sáng hơn. Thực tập như thế, dẫu chưa được giải thoát theo kiểu chứng đắc Thánh quả, sanh về Tây phương cực lạc… thì với việc sống với hiện tại một cách không hổ thẹn ấy cũng đã là nghiệp lành để chiêu cảm vào một thế giới lành (có sự hiện diện của Phật pháp cũng như con người thuần thiện để tu tập và tiếp tục lộ trình giải thoát).

Do vậy, có ai đó nói rằng, Phật pháp hàng ngàn năm nay vốn như một liều thuốc và quả thật là một liều thuốc mà Đức Phật chính là “y vương” đã kê đơn trị liệu, ngăn ngừa chúng sanh rơi vào đường khổ. Nếu ai học hỏi, ứng dụng, hành trì vào trong đời sống của tự thân, của xã hội thì sẽ có được niềm an vui, có được hạnh phúc và đồng thời giúp người khác hạnh phúc.

Thực tế là có nhiều bạn trẻ đã và đang bước vào lộ giới của Phật pháp và nương náu trong lời Phật dạy, rồi ứng dụng vào cuộc sống lao chen bằng việc “đoạn ác, làm lành”, đã mang lại nhiều giá trị an vui cho mình, và người. Ta không khó để tìm thấy những hình ảnh đẹp từ chính cuộc sống như thế, và đó đã là những điểm sáng không phải là le lói mà nếu nhìn cho kỹ thì nó đủ để thuyết phục ta tin là cuộc đời không phải chỉ màu đen. Những điểm sáng bên cạnh những chấm đen cuộc đời ấy là dịp để mỗi người, trong đó có những người lớn, những người có tầm nhìn so sánh, quán sát và lựa chọn một phương thức giáo dục (đủ đô) để “giải cứu” những tâm hồn non trẻ vốn cũng chỉ là nạn nhân của thời đại, bị giam hãm vào những lý luận, hình ảnh kích động, hưởng thụ loạn cuồng trong một bầu không khí sặc mùi tiền-quyền-sắc dục.

Bình tâm, dừng lại và suy xét, ta sẽ nhận chân điều đó. Không có “thiết chế” nào đủ sức thuyết phục bằng thiết chế tự thân mỗi người “đốt đuốc lên”, soi vào tâm mình, thấy hạt giống trí-bi, an vui tiềm ẩn, hay lu lấp lâu nay để khơi cho nó nẩy mầm như cái cách mà Phật dạy, ngỡ cũ kỹ (hàng 26 thế kỷ trước) nhưng cứ mới toanh như ngày hôm nay, ngay lúc này vì nó được “truyền thừa” và được chính những “hóa thân Phật” (đệ tử của Ngài) biểu hiện bằng “thân giáo” đó đây, rộng khắp năm châu, nơi thành thị đến hang cùng ngõ hẻm xa xôi.

Những người con Phật gọi đó là “ánh sáng Phật pháp”, còn những người đã từng lầm lạc, bắt gặp ánh sáng đó, rồi thay đổi và thực chứng an lạc, hạnh phúc từ lời Phật dạy gọi là “Phật pháp nhiệm mầu”, hay “Phật pháp cứu đời tôi” (như chính mỗi nhân vật trong những kỳ Phật pháp nhiệm mầu vẫn thường tự sự, sẻ chia)…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Trang nghiêm cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Thích Đạt Thanh an trí tại giới trường chùa Tỉnh Hội (Đồng Nai)

Đại Giới đàn Đạt Thanh: Cung thỉnh di ảnh Tổ sư về giới trường, giáo giới hành nghi các giới tử

GNO - Chiều 25-4, Ban Kiến đàn Đại giới đàn Đạt Thanh đã đến tổ đình Long Thiền cử hành lễ cung thỉnh di ảnh Đại lão Hòa thượng Đạt Thanh và giới bổn về chùa Tỉnh Hội - giới trường Tăng, đồng thời chư Ni trong Ban Kiến đàn cũng đã cung thỉnh di ảnh từ chùa Bửu Phong về chùa Phước Hội - giới trường Ni.

Thông tin hàng ngày