Ở ta giờ đã ít dân “phe” vé hơn - nhưng mua vé xe lửa về quê vào dịp Tết bao năm nay cũng vẫn còn gian nan lắm. Và cái kết của câu chuyện cứ ám ảnh chúng ta với một nụ cười buồn, thật buồn, bởi lẽ làm người trung thực, trọng danh dự không hề dễ một chút nào.
Năm nào cũng mong đến Tết để được về quê, năm nào cũng vì chuyện về quê mà phát rầu. Vé xe lửa khó mua quá.
Giáp Tết năm ngoái, tôi mua một cái vé giường nằm của dân phe vé, hớn hở lên xe lửa đi Trùng Khánh, nhưng không ngờ vừa đặt hành lý lên giường nằm thì bị người khác xách túi của tôi quẳng xuống. Giường ấy đã có chủ. Vé trùng số à?
Cảnh sát trên tàu tới can thiệp, kết quả chứng minh vé của tôi là vé giả, chẳng những bị tịch thu mà tôi còn phải nộp tiền phạt. Mua bổ sung vé ghế cứng nhưng cũng không có chỗ ngồi, phải đứng cho tới ga cuối cùng, tôi đành chịu số phận hẩm hiu.
Nhưng nếu như thế đã xong thì đơn giản quá, trưởng tàu và bốn cảnh sát trên tàu còn áp giải tôi tới toa ăn để thẩm vấn đến mấy giờ liền mà còn chưa cho tắt còi cảnh báo. Cuối cùng, họ giữ giấy chứng minh của tôi, hết nghỉ Tết còn tới trường trung học 110 là nơi tôi dạy học để điều tra thêm, thật là bẽ mặt. May mà danh hiệu giáo viên gương mẫu mấy năm liền của tôi đã cứu tôi, thế là qua khỏi rắc rối.
Hiệu trưởng sau đó phê bình tôi là ngờ nghệch, giếng nước do mình trông nom mà chịu chết khát. Anh bảo, cha học sinh Từ Biên Phong trong lớp cậu là Trưởng Công an đường sắt, cha học sinh Phòng Tiểu Như lớp cậu là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Thành uỷ, chỉ cần cậu đến gặp hai người ấy thì chẳng những một vé mà cả toa cũng chẳng khó gì.
Tôi im lặng. Phụ huynh lớp tôi có bao nhiêu người là nhân vật tai to mặt lớn, tôi đều thuộc lòng, hiệu trưởng còn phải nhắc tôi hay sao? Ngay từ ngày trở thành thầy giáo, tôi đã thề quyết không khi nào nhờ vả phụ huynh học sinh giúp một việc gì đó. Tôi cảm thấy xấu hổ khi nhờ vả họ, ngượng đến mức không còn có thể ngẩng mặt nhìn học sinh của mình.
Bây giờ Tết đã đến gần. Sau khi tan cuộc họp với phụ huynh học sinh trước kỳ nghỉ đông, tôi quyết định ra ga xếp hàng mua vé. Hiệu trưởng dường như hiểu tâm sự của tôi, không muốn tôi lo lắng quá vì vé tàu nên bảo tôi:
- Da mặt cậu mỏng, không chịu đựng đuợc mất sĩ diện nên tôi đã uốn lưng vì cậu. Một chiếc vé tàu thì đáng kể gì! Mà mình mua chứ có lấy không đâu, phải thế không nào?
Anh nói làm tôi đỏ bừng cả mặt, vội cảm ơn anh và nói dối là đã nhờ người mua hộ rồi. Nhìn thấu tim gan tôi, hiệu trưởng nói huỵch toẹt:
- Cậu muốn nói dối thì gắng học thêm vài năm nữa đã, còn non thế mà đã dám giở trò à? Cậu đừng nói cứng với tôi, cũng đừng làm như năm ngoái, mua phải vé giả là sinh chuyện ra. Năm ngoái tôi phải van vỉ hết cách với người của Cục Công an, rồi còn phải làm chứng nữa chứ. Năm nay tôi không chịu mất mặt vì cậu nữa đâu.
Hiệu trưởng chích đúng vào cái nhọt của tôi, tôi không dám khăng khăng như trước nữa. Vì muốn có vé tàu về quê mà tôi đã làm phiền hiệu trưởng, khiến anh phải bận tâm, tôi thầm mắng mình là đồ bị thịt. Có lẽ tôi đúng như lời nhiếc mắng của vợ: “Ngoài việc biết xơi bụi phấn ra, anh chẳng có tài nào cả!”.
Để bảo đảm tuyệt đối, hiệu trưởng đã nhờ cùng lúc hai phụ huynh học sinh mua giúp vé cho tôi, như thế mới không lo lỡ việc. Mặt tôi lại đỏ bừng. Thảo nào trong lúc dặn dò học sinh nghỉ Tết, Từ Biên Phong và Phùng Tiểu Như cứ nhìn tôi rồi ghé tai nhau thì thầm gì đó. Nhất định hiệu trưởng đã thông qua hai học sinh này để “tận dụng” cha của các em.
Chắc là hai đứa đang chế giễu tôi là “quân tử giả hiệu”: “Thầy cứ nói xưng xưng nhờ học trò để mưu lợi cho mình cũng chẳng khác gì tham vàng bỏ ngãi! Thầy chẳng phải treo đầu dê mà bán thịt chó đó sao?”. Tôi thầm trách thầy hiệu trưởng đã tước mất quyền được ăn nói đường hoàng với học sinh của tôi,
Sau ba ngày hồi hộp chờ đợi, hôm ấy tổ giáo viên khối tôi đang thảo luận về phương án cải cách giáo dục tố chất cho học sinh thì hiệu trưởng bước vào. Anh đặt bộp xuống bàn tôi hai chiếc vé giường nằm: “Thấy chưa? Hai vé giường nằm tầng dưới nhé! Bảo đảm đã tuyệt đối chưa? Nhưng cậu cũng phải vất vả tí chút là nghĩ cách trả lại một vé, như thế còn chắc ăn hơn là chỉ nhờ mua một vé!”.
Tôi luôn miệng cảm ơn và vội rút tiền ra trả anh.
Theo lý mà nói, trả vé bao giò cũng dễ hơn mua vé, nhưng sự đời đâu có phải là như thế! Phòng bán vé ngoài ga to đùng, có đến mấy chục cửa bán vé, nhưng cửa trả vé lại chỉ có một. Người xếp hàng trả vé ra tận ngoài cửa, lại còn vòng một vòng rưỡi ra tận sân ga, tôi nhẩm tính phải mất đến vài ba tiếng đồng hồ mới đến được cửa trả vé.
Thấy tôi ngó ngược ngó xuôi ở gần cửa trả vé, mấy người chắc chắn là dân phe vé lập tức bám lấy tôi, hỏi nhỏ: “Thừa vé à? Trả nguyên giá, thêm 20% tiền vất vả nữa, đồng ý thì theo tôi”.
Tôi đâu có chịu mắc lừa? Vị đắng năm ngoái khiến tôi căm ghét dân phe vé, nghĩ tới chúng là răng tôi cứ ngứa lên. Tôi không thèm bắt lời, bỏ ra chỗ khác, nghe thấy chúng chửi sau lưng: “Đồ đạo đức giả, ra cái vẻ!”.
Tôi chợt nghĩ tới tới blog của tôi. Đúng rồi, bỏ không dùng phương tiện giao lưu hiện đại, chạy ra ga chen chúc trong đám đông làm gì?
Thật dễ dàng hơn tôi tưởng tượng rất nhiều. Tin còn thừa một chiếc vé giường nằm vừa đưa lên mạng chưa tới hai giờ đồng hồ thì đã có bốn người đòi mua, lại còn tranh nhau nữa. Tôi chọn một người ở gần trường tôi, hẹn 12 giờ trưa gặp nhau dưới cầu vượt Mã Điện.
Người ấy đến rất đúng giờ, là một cô gái khoảng ngoài hai mươi tuổi, tóc nhuộm thành màu vàng óng. Tuy trời rét đến mười mấy độ dưới 0 độ, nhưng cô ta ăn mặc rất mốt, giày cao cổ, váy đen, bên ngoài là áo măngtô màu trắng đục bằng da dê chính hiệu, chiếc ví cầm tay bằng da cá sấu màu càphê.
Vừa mới trao đổi vài lời, phía sau cô ta đã ùa ra ba cậu thanh niên, ý chừng là vệ sĩ của nàng. Tôi thầm phản cảm, nhưng nghĩ tới những vụ án mà chuyên mục Pháp chế của Đài Truyền hình Trung ương không ngừng đưa tin thì tôi tha thứ cho họ. Tôi đâu phải kẻ lừa đảo trên mạng mượn việc để lại vé mà lừa tiền, lừa sắc?
Tôi chỉ muốn nhanh nhanh bán được vé, đành nén nỗi bực mình, lấy vé tàu đưa cho cô gái xinh đẹp. Cô gái tóc vàng lật đi lật lại chiếc vé mà nhìn rồi đưa vé cho mấy chàng trai đi cùng. Mấy cậu này còn xem kỹ hơn nữa, hết soi ra chỗ sáng, vê bằng ngón tay, lại cầm một góc vé mà phẩy, cứ như cảnh sát hình sự giám định vật chứng để điều tra. Họ xì xào trao đổi với nhau một lúc nhưng vẫn lắc đầu, chưa thật tin tưởng. Trong số đó, một cậu hỏi tôi:
- Không phải vé giả đấy chứ?
Tôi không chịu nổi sự ô nhục này, giơ tay toan giật lấy vé, nói:
- Sợ giả thì đừng mua nữa!
Một cậu giấu tấm vé ra sau lưng, nói như đe:
- Nếu là vé giả, anh tưởng chỉ lấy lại vé là thôi hay sao? Cục Công an đường sắt đang truy quét bọn làm vé giả, coi chừng anh đụng phải miệng súng của họ đấy!
Tôi vừa bực vừa cuống, mặt đỏ bừng, nói cũng hơi lắp bắp. Tôi thật sự giận mình, ngày thường đứng trên bục giảng, miệng nói thao thao, nói đâu ra đấy, bây giờ làm sao lại đụt đến vậy? Tôi bảo vé này là nhờ bạn làm trong ngành đường sắt mua giúp, nhưng mua thừa một vé vì vậy muốn nhường lại. Vé đúng là vé thật. Nếu đã bán vé giả lại còn dám lên mạng báo tin hay sao? Làm như thế chẳng phải đợi công an đến bắt à?
Mấy câu này có tác dụng ngay, cô gái tóc vàng ăn nói mềm mỏng hơn. Cô nhìn chiếc vé rồi lấy tiền trong ví bằng da cá sấu, hỏi tôi muốn trả thêm bao nhiêu tiền nữa. Không còn căng thẳng, tôi thong thả đáp:
- Tôi có phải dân phe vé đâu mà đòi trả thêm? Trên vé ghi bao nhiêu tiền thì cô trả tôi bằng ấy là được rồi.
Vừa nghe thấy thế, thái độ cô gái thay đổi nhanh như trên sân khấu. Tiền kẹp trong hai ngón tay của cô lại bị nhét trả vào ví. Cô nghi hoặc quay lại nhìn đồng bọn của mình. Quả nhiên bọn này lại xem kỹ chiếc vé tàu một lần nữa, lần này soi xét rất cẩn thận rồi thì thầm bàn tán với nhau. Tôi thật sự không chịu đựng nổi sự xét nét và cũng là làm nhục đó, bèn nói:
- Không mua thì thôi, trả vé đây!
Lần này cô gái lên tiếng, hỏi tôi với vẻ chân thành:
- Một xu anh cũng không lấy thêm, vậy anh muốn gì? Anh có ấm đầu không đấy?
Hỏi thế mà cũng nói ra lời được sao? Không đợi tôi kịp phản ứng, một cậu trong bọn nói với giọng mỉa mai:
- Đã đến mồng 5 tháng ba đâu! Muốn học gương vì dân của Lôi Phong thì quá sớm đấy!
Cả bọn phá ra cười. Tiếng cười đó khiến tôi nổi sung, tôi chẳng thèm đôi co với chúng nữa, chỉ bước tới giằng lấy vé. Cô gái tóc vàng vội trách đồng bọn:
- Thôi đừng đùa cợt nữa. Tôi thấy anh là người thật thà, chúng tôi cũng không cố ý đùa cợt đâu mà thật lòng muốn mua chiếc vé này, mong anh thông cảm. Nếu anh tăng giá lên vài ba trăm tệ thì chúng tôi đã yên tâm, tuy phải mua đắt nhưng vé chắc chắn là thật. Đằng này anh để lại đúng giá vé, không hề lấy thêm tiền công mua vé, tiền đi xe tới nơi hẹn. Anh thử đổi vị trí mà nghĩ coi, hành động của anh có bị nghi ngờ hay không chứ? Thời buổi này còn có kẻ ngốc như thế hay sao? Chúng tôi có thể tin chiếc vé này là thật được không?
Lâm vào hoàn cảnh cười dở mếu dở, tôi ngao ngán hết sức, chẳng còn muốn phản bác cô ta và thanh minh cho mình, chỉ muốn mau chóng kết thúc trò chơi này. Nghĩ vậy, tôi bèn nói:
- Thôi, không phải nói nhiều. Nếu cô tin chiếc vé này là thật thì mua, không tin thì chẳng cần miễn cưỡng.
Xem ra cô gái tóc vàng thật sự chẳng muốn để mất cơ hội này. Cô thành thật đề nghị tôi chịu phiền thêm một chút là cùng cô tới phòng bán vé ở ga tàu hoả để người ở đó kiểm tra xem có phải vé thật hay không. Có như thế cô mới yên tâm mua vé.
Cô nói thêm, cô mua chiếc vé này không phải cho cô mà cho mẹ cô về quê ở Trùng Khánh. Cô sợ nếu mua phải vé có vấn đề thì chẳng phải đã hại mẹ già không mấy khi được về quê hay sao?
Cảm tạ trời đất, lần này cô không nói là vé giả mà nói một cách uyển chuyển hơn là “vé có vấn đề”. Lòng hiếu thảo của cô gái khiến tôi mềm lòng. Thôi được rồi, chịu phiền phức một chút, vé thật chứ có phải vé giả đâu mà sợ! Nhiều nhất là mất chút thì giờ cùng cô ta tới nhà ga, chứ có gì đâu!
Rất may, cô gái này có ôtô riêng. Tôi ngồi lên chiếc Mazda của cô. Tới nhà ga, chúng tôi chen lấn trong biển người và bị họ xô đi đẩy lại, cuối cùng cũng chen được đến cửa bán vé số 2. Cô gái tóc vàng chìa chiếc vé hỏi to:
- Nhờ chị xem giúp tấm vé này…
Bộ mặt không hề có xuân hạ thu đông của cô bán vé không thèm ngước lên, chỉ đáp:
- Ở đây không nhận trả vé. Người tiếp theo…
Cô gái tóc vàng vội tươi cười giải thích:
- Chị ơi, không phải trả lại vé, chỉ nhờ chị giám định xem vé là thật hay giả thôi mà!
Cô bán vé tỏ vẻ ngạc nhiên, sau đó ném ra một câu khiến người nghe nghẹt cổ:
- Tìm sai cửa rồi! Đến phòng làm việc của Đội chống phe vé mà hỏi. Người tiếp theo…
Mặt đẫm mồ hôi, cô gái tóc vàng lùi ra, ngoảnh sang cười buồn với tôi. Mấy cậu cùng bọn bất bình thay cho cô, chen tới cửa bán vé số 2 làm ầm lên:
- Chỉ được cái làm bộ làm tịch! Nhìn cái mặt kìa, không chừng là đường dây tuồn vé cho bọn phe vé cũng nên!
Tôi không thể chờ cô gái tóc vàng hết do dự được, quyết định bỏ đi ngay. Ở ngoài cửa bán vé, cô và ba người bạn xem chừng rất sành sỏi, họ trao đổi khẩn cấp, cuối cùng ngửa bài, quyết định mua chiếc vé của tôi song lại đưa ra một trò mới, đó là yêu cầu tôi để lại bản photo chứng minh thư của tôi, nếu bị lừa còn có chứng cớ mà kiện.
Kẻ sĩ giết được chứ không làm nhục được! Tôi thà xé chiếc vé ấy, thà mất toi năm trăm tệ chứ không chịu nổi nỗi nhục “luồn khố” đó. Bất thình lình, tôi giật phắt lấy tấm vé từ tay cô ta rồi quay người đi thẳng. Cô đuổi theo mấy bước thì đằng sau có tiếng cậu bạn gọi:
- Đuổi theo làm gì? Vừa định kiểm tra hắn đã đánh bài chuồn. Nếu chiếc vé ấy có trò ma mãnh thì chưa nói đến để lại chứng minh thư, để lại cả giấy chứng nhận kết hôn nữa cũng có ích gì đâu!
Tiếp theo đó là một trận cười ầm ĩ đến điếc cả tai.
Tôi lầm lũi bước đi. Tới cửa ga tàu điện ngầm ở ngoài ga tàu hoả, theo bản năng tôi rút chiếc vé thừa ra xem lại. Thật là đồ bị thịt, ra về mà công toi thế này hay sao? Tức thì tức thật đấy nhưng chiếc vé giá đến 500 tệ, chẳng lẽ chịu mất không?
Mắt bọn phe vé tinh thật, chúng như mèo ngửi thấy hơi cá tanh, lập tức có hai người chạy như bay đến vây lấy tôi. Một người giật lấy vé, hỏi: “Để lại vé à?”. Người kia nhìn giá vé, nói: “Năm trăm hai mươi lăm tệ à? Trả sáu trăm đây, không để thiệt cho anh đâu! ”.
Tôi chưa kịp phản ứng thì tiền đã được nhét vào tay, hai người kia loáng cái đã mất hút. Đúng lúc tôi còn đang ngơ ngẩn thì có hai bàn tay to và chắc như kìm sắt nắm lấy hai đầu vai tôi. Tôi chưa kịp hỏi “Sao thế? ” thì hai tay cảnh sát ấy đã đẩy luôn tôi tới dưới tấm biển quảng cáo, không thèm hỏi cho ra nhẽ.
Ở đấy đã có một dãy kẻ phe vé đứng sẵn, phơi mặt cho mọi người biết. Cảnh sát còn chia nhau đuổi bắt hai kẻ phe vé kia nhưng không đuổi kịp.
Tôi toan phân trần rằng mình không phải… Hai tay cảnh sát đâu có để cho tôi phân trần? Họ nói:
- Bắt anh với nhân chứng, vật chứng đều đủ cả, anh còn định chối tội nữa hay sao?
Thế là tôi đành “thị chúng”, phơi mặt cho bàn dân thiên hạ xem. Tôi gục đầu xuống, lúc này tôi sợ nhất là bị học sinh của tôi bắt gặp.