Vé số, ăn xin, chèo kéo, xả rác tùm lum... ở chùa

GNO - Những ngày này nhiều ngôi chùa, trên địa bàn TP.HCM thu hút hàng vạn người đến thắp nhang lễ Phật mỗi ngày. Lợi dụng chốn đông người, nạn chèo kéo gửi xe, mua nhang đèn, bày bán vé số, ăn xin… xuất hiện ngay giữa đường đi.

Khó coi nơi cửa Phật

Theo ghi nhận của PV Giác Ngộ online, những ngày Tết vừa qua, hàng vạn người từ khắp nơi đã đổ về chùa Phật Cô Đơn (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP.HCM) lễ Phật, cũng từ đây, nhiều dịch vụ ăn theo người đi lễ “mọc” lên bát nháo, lộn xộn.

tương phat co dơn (7).jpg

Rác đầy ở chùa Phật Cô Đơn - Ảnh: Vũ Giang

Có mặt tại đây trong ngày 13-2 (tức 14 tháng Giêng), chúng tôi thấy tình trạng bát nháo xung quanh khu vực ngoài chùa với hàng chục dịch vụ ăn theo như bày bán đồ ăn thức uống, đồ lưu niệm, quần áo, giữ xe… khiến người đi lễ chùa khỏi chóng mặt.

Không chỉ bát nháo bởi các dịch vụ ăn theo ở bên ngoài mà khu vực bên trong khu vực còn có những hình ảnh không đẹp như rác từ vỏ bao nhang, trái cây, hoa nằm ngay dưới chân người, rác còn bị vứt bay lung tung khu vực xung quanh trông rất nhếch nhác.

Ngay từ trước cổng vào dường như có hẳn một cái chợ. Khu vực này có quầy hàng bày bán đủ thứ, bên cạnh đó người bán đồ còn mang cả bia rượu vào uống ngay trong khuôn viên tượng.

Rời Phật Cô Đơn, chúng tôi ghé qua tổ đình Long Thạnh (nằm trên tỉnh lộ 10, Q.Bình Tân, TP.HCM) thì hình ảnh đập ngay vào mắt là trước cổng vào, nhiều người bán hàng ngồi chễm chệ dưới nền chùa như ở nhà để mời gọi khách mua hàng.

Vào phía bên trong, khách lại tiếp tục bị chèo kéo mua đủ thứ hàng hóa khác. Trước cảnh này, rất nhiều khách xa đi lễ chùa đều lắc đầu ngao ngán: “Người bán hàng nhiều hơn người đi lễ chùa”.

to dinh long thanh (3).jpg

Bên trong tổ đình Long Thạnh bát nháo như thế này đây - Ảnh: Vũ Giang

Người ăn xin đeo bám, quấy nhiễu khách

Có mặt tại chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi (Q.3), chùa Tuyền Lâm (Q.6, TP.HCM), chúng tôi thấy hơn chục nhóm bán nước giải khát, hoa, chim phóng sinh, nhang đèn... đứng ngồi túm tụm, họ thường đi cả chục người trở lên để mời chào khách...

Nhiều người đành phải mua một thứ gì đó mới được yên thân. Hai bên các con đường trước dãy cầu thang lên chánh điện chùa là những người già, trẻ con bồng bế nhau chờ đợi lòng thương của khách. Vị khách nào dừng lại, họ liền chìa những chiếc ca cũ kỹ để xin tiền.

Ngay trong sân chùa chúng tôi càng ngỡ ngàng khi tiếng chèo kéo mua hoa quả, nhang, đèn... inh ỏi và bát nháo hơn. Mặc dù ở xung quanh khuôn viên chùa treo nhiều tấm biển “cấm hàng rong” nhưng dưới các gốc cây là hàng chục người bán vé số, nhang đèn... đứng ngồi lổm nhổm.

Hai phụ nữ tầm 35 đến 40 tuổi một tay ôm bó nhang, cùi vé số và cuốn sổ dò, tay còn lại giữ chặt liếp hàng rong với hàng chục thứ từ móc chìa khóa đến… sách tử vi. Một người nài nỉ: “Mua nhang đèn, vàng mã vào cúng chùa, cầu may đi em”.

vinh nghiem q3 (6).jpg

Hình ảnh này ở chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3)

chua xa loi q10 (2).jpg

Ở chùa Xá Lợi (Q.3)

chua tuyen lan q6 (1).jpg

Người ăn xin ở chùa Tuyền Lâm - Ảnh: Vũ Giang

Để không bị làm phiền, nhiều khách đành ngậm ngùi mua thêm nhang đèn, vàng mã... dù vừa mua cách đó vài trăm mét. Biện minh cho việc chèo kéo khách, một phụ nữ bán hàng rong liến thắng: “Ở đây có nhiều người bán hàng vậy, không chèo kéo làm sao bán được hàng? Tôi không chèo kéo thì người khác cũng làm à”.

Không chỉ chèo kéo khách mua hàng, nhiều “cò di động” còn tỉ tê khách xin xăm, bói toán. Thỉnh thoảng, một vài người còn văng tục, chửi thề sau một hồi năn nỉ mà khách không mua.

Đây là những hình ảnh không đẹp mà trong dịp đầu xuân năm mới xuất hiện tại nhiều chùa trên địa bàn TP.HCM nhưng vẫn chưa được các ban quản lý các cơ sở xử lý triệt để...

Vũ Giang

----------------------

>>> Giác Ngộ online mời bạn đọc xem chùm ảnh về phóng sự ở trên!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Hòa thượng Thích Huệ Thông: “Muốn đăng ký con dấu mới phải thành lập Ban Quản trị tự viện”

GNO - Liên quan hướng dẫn về con dấu Ban Quản trị tự viện ngày 24-4-2024 của C06 - Bộ Công an và con dấu của tự viện đang lưu hành còn hiệu lực hay không, Báo Giác Ngộ đã có cuộc trao đổi với Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự kiêm Trưởng ban Pháp chế T.Ư GHPGVN, về vấn đề đang được quan tâm này.
Ảnh minh họa

Quan điểm của Phật giáo về tự sát

GNO - Vừa rồi tôi có đọc bài “Cảnh giới của những người tự sát”. Trong sách có luận giải: Khi tự sát sẽ phạm vào 3 tội nặng. 1- Bất hiếu với song thân, 2- Tự hủy hoại hình hài, phụ phúc báu hi hữu có được thân người, 3- Ngu si vô trí. Sau khi tự sát, thần thức sẽ bị chìm trong thống khổ triền miên...

Thông tin hàng ngày