Về thăm lại chùa Pháp Hoa

GN - Chúng tôi trở lại Pháp Hoa (tọa lạc trung tâm thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông) vào một buổi chiều cuối xuân nhạt nắng, trên con đường trải nhựa uốn lượn quanh các sườn đồi với bát ngát cao su và sắc trắng hoa cà phê.

Pháp Hoa hiện lên giữa núi rừng như chứng tích cho lòng sắt son của người con Phật từ gần một thế kỷ trước từ miền xuôi lặn lội lên miền ngược khai hoang, lập ấp mang theo bao khó khăn, bồn bề cuộc sống.

wwwT9 (9).JPG

Chùa Pháp Hoa, trung tâm hoạt động Phật sự của Phật giáo tỉnh Đắk Nông. (ảnh: Bảo Thiên)

Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước lên bậc thềm Pháp Hoa sau thời gian dài xa cách đó chính là sức sống, là niềm tin Chánh pháp được vun bồi sâu đậm dù trải qua bao thăng trầm, đổi thay của lịch sử. Nó được ví như lớp bụi thời gian in hằn trên mái ngói rêu phong mà càng về lâu sự thẩm thấu càng bền chặt.

Dù đã ngót hơn 60 năm kể từ ngày hiện hữu, Pháp Hoa với lối kiến trúc được mô phỏng theo kiểu nhà sàn Tây Nguyên xen lẫn với nhà vườn, vẫn tạo nên khung cảnh thanh tịnh và an lòng của đồng bào Phật tử tha hương cầu thực quy về nương náu. Vẫn ngọn đồi đó, vẫn trục đường chính mà người ta sau này đặt tên Hùng Vương nối miền ngược, miền xuôi phía trước chùa, vẫn thung lũng ngày đêm nghe tiếng chuông từ xa vọng lại mỗi khi chiều buông làm cho tôi có cảm giác thanh bình khôn tả. Thấp thoáng là cây xanh bạt ngàn chìm trong sương chiều tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp và hùng vĩ, trải dài trên những dãy núi nhấp nhô nối tiếp nhau đến tận chân trời.

Và đây, tôn tượng Quan Thế Âm Bồ-tát tọa lạc trong một khoảng không gian rộng rãi, được che phủ bởi hai cây phượng lâu năm nghiêng mình trên mái cổ. Bên kia là ngôi tháp năm tầng an nhiên nhìn dòng người phía dưới tất bật qua lại, như thể mang tâm niệm sẻ chia giữa tình đạo, tình đời. Những đổi thay của thời cuộc và quy luật khắc nghiệt của vô thường cũng không xóa nhòa đi khí tiết thanh tao, nhã nhặn, bình yên của khuôn viên chùa được kiến tạo và sắp xếp hài hòa.

Trong câu chuyện cuối ngày với vị Tăng trẻ trụ trì hiện tại, ĐĐ.Thích Quảng Hiền, được biết, chùa ngày nay đã khang trang và hoàn chỉnh hơn. Ngoài chánh điện, nhà Tăng, tháp Tổ, tượng Phật lộ thiên, đã có thêm hội trường, cổng tam quan, vườn Lâm Tỳ Ni… Sự bổ sung đó vẫn không làm thay đổi dáng vẻ, sinh khí hiền hòa của chốn tòng lâm mà căn bản là cách thức tô bồi niềm tin vào chân lý của người hậu thế, tiếp nối các bậc tiền nhân, làm rạng danh Tông tổ.

Giờ đây, chùa Pháp Hoa đã trở thành trung tâm sinh hoạt của Phật giáo tỉnh Đắk Nông với bao ước mơ về chiến lược hoằng pháp, phát triển văn hóa nhân bản đạo Phật, mở rộng các đạo tràng tu học và nhiều dự tính khác của những người trẻ tuổi giàu nhiệt huyết và sự dấn thân. Bao nhiêu đó cũng đủ làm cho tầm vóc, trách nhiệm mà chốn già lam này phải gách vác trở nên nặng nề. Dù vậy, với tôi, đứng giữa đất trời Pháp Hoa, mọi thứ dường như lắng đọng diệu kỳ, tạo nên một khoảng lặng cần có để tiếp tục cuộc hành trình trong nhịp sống hối hả, hiện đại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày