Về Trà Vinh dự lễ cúng ông bà Pi-thi sene đôn-ta

travinh-6.gif

Chư Tăng tụng kinh và làm lễ thọ giới

1. Mưa không nặng hạt, nhưng cứ ì ầm từng đợt. Mây giăng kín bầu trời, thi thoảng những đợt nắng chợt sáng òa và rồi nhạt nhòa nhường cho những cơn mưa... Lễ cúng ông bà/ Pi-thi sene Đôn-ta của người Khmer diễn ra vào cuối tháng 8 đầu tháng 9 âm lịch. Tuy thời gian chênh lệch với mùa Vu lan thuộc truyền thống Phật giáo Đại thừa là vậy, song cảnh đất trời vẫn cứ y như "Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt" được Nguyễn Du miêu tả trong "Văn tế thập loại chúng sanh"...

travinh-1.gif

Rước ông bà tại nhà

Ông Àcha (thầy lễ) của chùa Ba-xe bảo với tôi rằng: Lễ cúng ông bà xưa bắt đầu từ tuần trăng khuyết của tháng Phô-tro-bót (15 đến 30 tháng 8 âm lịch). Trong khoảng thời gian đó, nếu để ý thì sẽ nghe một tiếng nổ như sấm to đặc biệt. Đó là tiếng Diêm Vương mở cửa địa ngục cho vong hồn người chết được về trần gian thăm nhà. Mười lăm ngày hạ tuần trăng khuyết của tháng này, theo tín lý đó, là khoảng thời gian thiêng. Các vong hồn từ thế giới bên kia sống chung với người dân trong phum sóc, họ lần lượt tìm đến chùa và có tín niệm rằng, khi họ đã tìm đến 7 ngôi chùa mà không thấy con cháu cúng kiếng cho mình thì các vong hồn đó sẽ oán giận, nguyền rủa con cháu... Ấy vậy, nên khắp mọi nhà ai cũng tiến hành việc mang cơm đến chùa cúng để cầu phước cho ông bà và thực hành lễ Đặt cơm vắt quanh hiên chánh điện để thí thực cho vong hồn cô độc. Nay, lễ cúng ông bà, đơn giản hóa, còn lại 3 ngày. Lễ Đôn ta trong cộng đồng Khmer hệt như ba ngày Tết Nguyên đán của người Việt, từ việc cúng đưa rước ông bà, đến việc giao đãi tình thân với bà con hàng xóm, vui chơi thăm viếng...

2. Ngày đầu tiên (30-8 âl) các gia đình tổ chức lễ Đón ông bà. Công việc bắt đầu là dọn dẹp các bàn thờ trong nhà. Người Khmer thờ Phật, bàn thờ chính giữa nhà, 2 bên là bàn thờ tổ tiên và bàn thờ tổ nghề. Công việc kế đó là trải chiếu, gối, mùng, mền mới lên giường và lo làm cổ, trước hết là nấu bánh tét (Nùm som chruốt). Đặc điểm là lễ vật cúng không đặt trên bàn thờ, ở đó chỉ thắp đèn, nhang; mâm cơm cúng, lễ vật, trà, bánh... đều dọn ở trên giường, trước bàn thờ ông bà, tức ở một bên nhà. Buổi sáng, cúng lễ Đón ông bà thì chiều cúng một lần nữa và trong lễ này con cháu mời ông bà đi chùa nghe chư Tăng tụng kinh. Nghi thức cúng lễ tất thảy đều y như thật. Người chủ lễ khấn vái, mời ông bà dự lễ, con cháu ngồi quanh mâm cơm cúng bới cơm, gắp thức ăn bỏ vào chén, bày bánh, rót rượu, nước bưng lên dâng cho ông bà. Ngoài đặc điểm nghi thức không có tính hình thức tượng trưng, lễ vật cũng là vật thực thật. Ở mâm cúng chiều, đặt trên đĩa bồng "chơn piên" là vải áo trắng, sà rông dệt hoa văn đẹp đẽ cùng với gương, lược và kéo. Đó là những lễ vật thật để ông bà sửa soạn tóc, râu cho tươm tất, chưng diện trang phục đẹp xinh... để đi chùa lễ Phật nghe kinh. Nói cách khác, người Khmer không dùng đồ mã và ngay cả tiền để cúng tiễn đặt trên thuyền bè làm bằng bẹ chuối thả ra sông cũng là tiền... thật, chứ không phải giấy tiền, vàng bạc bán hàng bó ngoài chợ! Đây là những khác biệt văn hóa khiến phải suy ngẫm. Lệ cúng ở đây, buộc chủ lễ gắp thức ăn một thứ một ít bỏ vào dĩa, đem ra sân/ góc vườn cúng những binh gia âm phủ - gọi là "Neak Mhắc Bàtranh" để đưa vong hồn ông bà về nhà. Tín niệm truyền thống cho rằng các đối tượng này không được phép vào nhà dự hưởng lễ vật như ông bà tổ tiên.

travinh-2.gif

Lễ vật: y phục và dụng cụ trang điểm để ông bà sửa soạn tươm tất đến chùa nghe kinh

3. Chúng tôi đến chùa vào khoảng bốn giờ sáng ngày thứ hai. Giờ này, đã có người mang lễ vật đến. Họ tụ tập ở sa la, nơi các nhà sư và tín đồ cử hành lễ Đặt cơm vắt Prochum Bôn. Ông Àcha giải thích rằng: "Bôn", gốc từ tiếng Phạn cổ gọi là "Pinđa", có nghĩa đen "cơm vắt thành nắm". Ông Àcha không cắt nghĩa rõ tập tục dùng cơm vắt/ cơm nắm cúng vong hồn người chết hàm chứa ý nghĩa huyền linh gì, song chúng làm tôi liên tưởng đến ba nắm cơm chông đầu cúng Kem trong tang lễ của người Kinh. Có điều với cái nhìn thế tục chúng ta hiểu cơm nắm/ cơm vắt là loại cơm dùng để mang đi ăn dọc đường của những người đi xa... xa bữa cơm gia đình thông thường. Mặt khác, xét ở hình tướng vắt cơm có phần giống với quả trứng hẳn nó hàm nghĩa biểu trưng của sự cầu mong tái sinh/ phục sinh.

Lễ Prochum Bôn được người Việt dịch là lễ Hội linh (Prochum: tụ hội lại; Bôn: cơm vắt), có nghĩa là cùng nhau cúng cơm vắt, thí thực/ làm phước cho các vong linh quá vãng. Theo truyền thống, lễ này được tiến hành trong hạ tuần trăng khuyết của tháng Phôtrobot (16 - 30/8 âl) tại chùa. Nay để giản tiện, được tích hợp vào dịp Pi-thi sene Đôn-ta.

Lễ này luôn được tiến hành vào giấc khuya. Theo giờ đã định, dân chúng trong sóc lũ lượt mang gạo, nếp, bánh, trái và cơm vắt đặt vào khay cúng đến sa-la (hay chính điện Preah Vihear) để cúng Tam bảo và mời sư sãi tụng kinh cầu phước cho tổ tiên mình. Dịp này, các nhà sư cũng có thể làm lễ thọ giới cho tín đồ. Nghi thức gồm việc tuyên đọc Ngũ giới và kế đó là nghi thức phát nguyện giữ đúng các giới này. Cuộc lễ chấm dứt, bằng nghi thức đặt bát và thỉnh mời chư Tăng thọ thực. Tục xưa, các vắt cơm còn được đem đặt ngoài hè, trong vườn chùa, gọi là để cúng các vong hồn không người tế tự, quân lính cõi âm có nhiệm vụ đưa vong linh ông bà về dương thế và trở lại cõi âm.

travinh-3.gif

Chuẩn bị lễ đặt cơm vắt

4. Chiều ngày thứ hai, sau một đêm và một ngày ở chùa, người ta lại rước ông bà về nhà. Đây là lễ cúng cơm và khấn xin ông bà ở thêm với cháu con một đêm nữa.

Sang ngày thứ ba, tất thảy đều làm lễ cúng tiễn ông bà. Bắt đầu là làm cỗ và cử người đến chùa thỉnh các nhà sư về nhà làm lễ trai tăng. Sư sãi dùng bữa xong thì tụng đọc một bài kinh tỏ sự hoan hỷ của mình, tán thán sự cúng dường của gia đình và chúc phúc cho mọi người. Xong đâu đó, là lễ cúng tiễn ông bà. Ở lễ này, người ta bày một chiếc thuyền bằng bẹ chuối, có người chèo mũi, người giữ lái với cờ phướng ngũ sắc và các vật thực: gạo, muối, các món ăn, tiền bạc... Lễ xong, chiếc thuyền này được trẻ con đưa ra sông rạch hay nơi có nước, để thả và sau đó là bữa cơm sum họp gia đình, có mời cả bà con chòm xóm đến dự.

Tôi hỏi: - Ông bà đi về cõi âm bằng thuyền? Đáp: - Con cháu chỉ tiễn ông bà một đỗi thôi, như đưa người thân từ nhà ra lộ lớn để đón xe đi xa vậy. Hỏi: - Tại sao đưa bằng ghe? Đáp: - Hồi tôi còn nhỏ, cách nay 60, 70 năm, vào mùa này nước ngập tới sân nhà. Đâu đâu cũng là nước nên phải đưa bằng ghe chứ xe bò, đường bộ đâu có mà đi!

Cách giải thích căn cứ vào lịch sử thủy văn này rất... hiện thực, nhưng khắp nơi, cứ tiễn cô hồn thì ở đâu, dù là vùng cao, có đường sá đàng hoàng thì người ta cũng thả bè, làm ghe tàu chuối mà thả đi. Truy cứu trong kinh tạng thì địa ngục được xác tín là ở dưới chân núi Thiết vi xa tít tắp ngoài vùng biển hàm hải, cách cõi đất của loài người Diêm phù đề/ Nam thiệm bộ châu chúng ta 7 vòng biển hương hải, 7 lớp núi luân vi...

Lẩn thẩn bởi cái "tri kiến" này, tôi tò mò hỏi ông Àcha: - Ghe bẹ chuối ấy trung chuyển ông bà có gồm việc tống ôn hoàng, dịch lệ xấu xa không? Đáp: - Ừ, có gởi theo. Hỏi: - Cụ thể gởi thứ gì? Đáp: - Cái gì mình không muốn thì gởi ông bà đem đi bỏ. Cái bệnh hoạn là mình không muốn, cái xui xẻo thì không ai muốn, cái tai họa cũng vậy... Nhân chuyến đi của ông bà mình gởi đi hết cho sạch sẽ. Cuộc tiễn ông bà coi vậy là nhất cử lưỡng tiện... Thế nên, trên đường đi đâu đâu cũng thấy bè chuối với cờ xanh đỏ tí tẹo phất phơ theo gió, thậm chí một vũng nước đọng trên đường đất, cũng có đến năm bảy chiếc ghe bẹ chuối... mắc cạn, cặp vào bờ rào vườn nhà ai đó.

travinh-4.gif

Lễ Phật tại sa-la

5. Ông Sư cả giải thích với chúng tôi rằng lễ Pi-thi sene Đôn-ta giống như lễ Vu lan của truyền thống Phật giáo Đại thừa. Hỏi kỹ ra, lễ cúng ông bà này không thấy bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên xuống địa ngục thăm mẹ mà từ một Phật thoại kể rằng đây là nghi lễ được chính Phật Thích Ca, khi còn tại thế, đã chỉ dạy cho vua Bimbisara thực hiện việc cúng dường thông qua hình thức trai tăng để hồi hướng cho vong linh thân nhân quá vãng. Ở đây, ngoài nghi thức trai tăng pháp hội, tập tục đặt cơm vắt (Prochum Bôn) còn chỉ ra đây là nghi thức thí thực và có thể hiểu lễ "Prochum Bôn" là "thí ngạ quỉ hội". Nói cách khác, lễ cúng ông bà/ Pi-thi sene Đôn-ta là lễ hội tích hợp tập tục thờ cúng tổ tiên với nghi thức trai tăng pháp hội và nghi lễ Thí ngạ quỷ hội của nhà Phật.

Y cứ vào truyền thống, người Khmer vốn không có tập tục cúng giỗ người chết hàng năm (vào ngày người ấy mãn phần). Tập tục cúng giỗ ông bà, cha mẹ mới xuất hiện trong vài thập niên gần đây trong gia đình Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là do kết quả giao lưu văn hóa với người Việt, người Hoa. Theo truyền thống, người Khmer theo tục hỏa táng, sau đó tro cốt được đặt vào tháp cốt ở sân chùa và từ đó, hàng năm tiến hành lễ cầu siêu Băng skâul tại tháp chùa vào chiều mồng 3 Tết vào năm mới (Chôl Chhnăm Thmây, trung tuần tháng 4 Dl) và lễ Prochum Bôn (16 - 30/8 Âl) – Pi thi sene Đôn ta (30/8 - 1,2/9 Âl) tại nhà và tại chùa. Đối tượng các lễ trên là chung cho tất cả tổ tiên quá vãng, không dành riêng cho một thân nhân quá vãng cụ thể nào.

Tập tục thờ cúng tổ tiên của người Khmer như vậy đã chỉ ra sự gắn kết có tính chất nhất hóa với nghi thức và tín niệm Phật giáo. Lễ Băng skâul là nghi thức cầu siêu của nhà Phật do thân nhân và sư sãi tiến hành tại tháp đựng cốt tại chùa. Cá biệt, một số gia đình, cứ đến khoảng tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch hàng năm, mời sư sãi đến nhà tổ chức lễ "làm phước" Chhak Maha Băng skâul (lễ Đại cầu siêu) kéo dài từ 2 đến 3 ngày.

Lễ Prochum Bôn bao gồm cả nghi thức trai tăng (các gia đình trong cộng đồng được phân phiên mang vật thực đến thực hành việc trai tăng tại chùa), đồng thời tiến hành nghi thức Thí ngạ quỷ: đặt cơm để cúng các vong hồn cô độc, không người tế tự.

travinh-5.gif

Đến chùa làm lễ đặt cơm vắt

Trong 3 ngày tiến hành lễ cúng ông bà Pi-thi sene Đôn-ta, có việc cúng cơm cho tổ tiên, rước ông bà đến chùa thực hành nghi thức trai tăng pháp hội, bao gồm nghi truyền thọ tam quy ngũ giới, nghi đặt bát (dâng thức ăn đến chư Tăng), nghi tụng kinh chúc phước, thuyết pháp và khen ngợi việc bố thí. Nghi thức trai tăng ở dịp lễ này không chỉ thực hiện tại chùa mà tại nhà vào ngày lễ tiễn ông bà: thí chủ đích thân đến chùa cung thỉnh chư Tăng đến nhà thọ thực, tụng kinh chúc phước cho gia đình. Nói chung, nguyên ý của nghi thức trai tăng là biểu lộ sự tín tâm, quy y và trong lịch sử cũng đã bao gồm các mục đích chúc mừng, báo ân và cầu phước. Chính vì vậy, nghi thức trai tăng được phổ biến trong các cộng đồng Phật tử như phum sóc Khmer. Tương tự, việc thực hành nghi thức thí thực cho ngạ quỷ, một mặt biểu thị hạnh bố thí, lòng từ mẫn đối với chúng sinh và mặt khác, nó cũng đặt cơ sở trên sự xác tín là sẽ thu hái được công đức từ việc thí thực đó.

travinh-7.gif

Tiễn ông bà

Nói chung, thế giới bên kia là vấn đề thấp thỏm trong tâm trí của mọi người và điểm chung nhất là đa phần các cộng đồng đều coi thế giới ấy là bộ mặt khác của cuộc sống trần gian. Về dự lễ Phi-thi sene Đôn-ta là một dịp được thấy và hiểu về một cách nhìn nhận riêng của tín đồ Phật giáo Tiểu thừa Khmer Nam Bộ. Ở đó, tất nhiên, mọi nghi thức/ lễ thức rốt ráo đều chủ vào cứu cánh siêu thoát, đồng thời các biện sự của nó được định ra làm phương tiện giáo hóa chúng sanh, hướng vào mục đích khuyến thiện giới ác cho con người trần thế. Lễ hội này không chỉ có ý nghĩa "báo bản tư nguyên" mà còn bao gồm, qua việc thực hành nghi lễ, nghe sư sãi tụng kinh, thuyết pháp về Tam quy, Ngũ giới người ta thụ đắc những bài học luân lý làm nền tảng cho cuộc sống thiện lương.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Tác giả, Phật tử Nguyễn Tường Bách trong khuôn viên vườn nhà - Ảnh: TGCC

Tác giả Nguyễn Tường Bách sẽ nói chuyện và giao lưu về chủ đề Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á

GNO - Nguyễn Tường Bách - tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách được nhiều người đọc yêu thích như Mùi hương trầm, Lưới trời ai dệt, Đêm qua sân trước một cành mai, Đạo của vật lý, Con đường mây trắng ... - sẽ có buổi trò chuyện và giao lưu xoay quanh chủ đề “Sự phát triển của Đạo Phật tại châu Á”.

Thông tin hàng ngày