Vết rạn dấu chân chim

GN - Cái chứng mất ngủ của ta lại hóa hay. Đấy là ông Bổn tự nghiệm thấy như vậy, khi nhìn những bầy chim ríu ran chui vào bay ra trên mấy ngọn cau trước nhà. Hay, là bởi ông được dịp canh những bầy chim trời ông mặc nhiên coi như của mình. Cái gì ở vườn ta là của ta.

Lại nghĩ, tuổi già sống một mình, thiếu đi thiên nhiên chắc buồn tẻ lắm. May mà có những con chim bầu bạn. Tiếng chim kêu làm cho khu vườn của ông bớt vắng vẻ. Nhất là mỗi lúc chiều về và buổi sớm mai.

Tám năm trước vợ ông mất, sau đó anh con trai cũng lấy vợ sinh sống ở tận trong Nam, thành ra ông Bổn sống một mình. Trẻ cậy cha, già cậy con. Nghe người ta bảo như thế ông cũng tủi lòng. Nhưng nghĩ lại cuộc sống bây giờ khác, thanh niên như con ông cần một môi trường làm việc để thành công. Cha chết không bằng hết gạo mà. Cũng phải thông cảm cho con cái. Cứ trói buộc nó ở nhà làm gì.

Nhiều lần anh con trai bảo ông vào Sài Gòn sống, ông không chịu. Ông nói ba còn khỏe mạnh, ở đây có xóm có làng vui vẻ. Với lại vào trong đó không quen đường sá, đi lại phiền hà tụi bây. Cứ yên chí mà làm việc. Hàng năm gắng đưa vợ con về quê ăn Tết là được rồi.

Anh con trai lại bảo hay là ba thu xếp vào chơi với chúng con dăm bữa cũng được. Ông cũng định vào trong đó thăm coi cái chỗ ăn ở của con cái ra sao. Nghe nói chúng nó sống cái phòng có hai chục mét vuông mà tất tần tật mọi sinh hoạt đều gói gọn trong vuông đất đó cả. Ông vào thăm con sẽ đảo lộn hết sinh hoạt của vợ chồng nó mất. Có mỗi hai chục mét vuông, ông nằm ở đâu, vợ con nó nằm ở đâu. Ông không chịu được sự chật chội. Ở quê quen rồi, nhà thoáng vườn rộng. Ông trả lời không đi.

Con trai gọi điện giục bảo ba vào đây chơi, con mới mua được nhà riêng khá rộng, hết phải ở trọ rồi, ba vào có phòng riêng cho ba ngủ, khỏi lo. Ông vội xếp áo quần, ràng nẹp cửa nhà chắc chắn, ngày mai sẽ lên bắt xe vào thăm con. Đêm đó ông trằn trọc thao thức. Tâm trạng trước ngày đi xa ai cũng khó ngủ. Bỗng ông nghe một tiếng vút mạnh như tiếng hòn sỏi lao đi. Lại nghe tiếng kêu bất thường của bầy chim trên ngọn cau. Ông vùng dậy chụp đèn pin ra soi. Hai cậu thanh niên bỏ chạy. Thôi chết, bọn săn chim. Ông soi pin tìm quanh mấy gốc cau xem có con chim nào trúng sạn rớt xuống không. Một lúc ông chỉ nhặt được mấy cái lông chim nhỏ. Tội nghiệp. Liệu có con chim nào chết nằm luôn trên ổ cau kia không.

Sáng hôm sau ông hủy chuyến đi. Ông gọi điện bảo con trai rằng dịp này có mấy việc làng mạc họ tộc đột xuất, chưa đi được. Phải nói dối với con như thế, chứ chả nhẽ lại bảo ba phải ở nhà canh giữ bầy chim, khéo con dâu lại bảo ba quý mấy con chim hơn quý con cháu.

Mấy hôm ở nhà ông chặt tre, mua thép gai rào lại vườn nhà. Ở quê lâu nay ông không nêm nẹp vườn tược gì cả. Kể ra cũng chả có thứ gì đáng giá sợ mất mà phải đai nẹp khu vườn. Giờ mà nói cái lý do ông làm giậu chắn để bảo vệ bầy chim chắc có người cười cho. Chim trời cá nước, ai bắn ai bắt được thì của họ. Ông canh được mấy con đó, chớ ông có bảo vệ được cho tất cả dòng họ nhà chim không. Lắm loài chim đưa vào sách đỏ sách cấm mà lũ tặc vẫn săn bắn đấy thôi, huống hồ mấy con chim sẻ đồng. Thôi kệ thiên hạ. Chỉ ông biết ông thương bầy chim này là được, thương như thương con. Sự yêu thương trong con người ta đôi khi như một cái bầu. Không trút được vào đâu thì dành cho bầy chim.

Cau trái mùa đắt đỏ. Ngoài chợ quả nhỏ xíu lép xẹp như quả bàng có giá chục ngàn. Nhà ai sắm lễ hỏi vợ cho con mua buồng trăm trái đi đứt triệu bạc. Vườn cau của ông trái tròn to. Đứng dưới này ngó lên thấy buồng cau no trái. Nhìn là biết ngon rồi. Ngày nào cũng có dăm ba người vào hỏi mua. Ông bảo không bán, để đó ăn chơi. Kỳ thực răng ông rụng mất nửa, nửa còn lại lung lay hết rồi. Cơm nhai còn trật trệu mà đòi ăn hết mấy buồng cau. Giỡn hoài. Ông cười khà khà bảo nhai không được thì cho vào cối mà nghiền. Ăn không hết để nó rụng xuống lấy giống. Dân buôn cau tưởng ông nói khéo để làm cao giá. Mặc cả hoài ông vẫn một mực không bán. Ông sợ người ta leo lên giựt cau làm lũ chim hoảng sợ bay hết.

Buổi sáng ông dậy sớm pha ấm trà đặt đầu hiên. Ông ngồi vắt chân uống trà nghe chim hót. Ngắm cái cảnh chim quấn quýt nhau trên ngọn cau, ông ấm lòng. Tựa như quanh đây vẫn có sự sum họp đoàn tụ. Ông nghĩ nếu không có những kẻ săn chim phá bĩnh, bầy chim lúc nào cũng vui như đang ăn Tết.

Vườn ông có chục cây cau. Lạ là ngọn cây nào cũng có tổ chim. Cứ như chim biết ở đây yên tĩnh, an toàn mà tìm về quần tụ. Ông bà ta ngày xưa bảo đất lành chim đậu thật chí lý. Có thương yêu ắt có tìm về. Nói vậy sao con cháu ông không chịu về đây ở. Phải chăng đất ông chưa thật sự lành, hay là bởi con người khác loài chim. Con người biết hiện đại, biết đòi hỏi nhu cầu, biết tìm nơi dễ mưu sinh để sống. Chim thì không, chim chỉ biết sống theo thứ bản năng tự nhiên nhất, là quần tụ. Điều này càng làm cho ông thêm thương bầy chim, thương cái sự thật thà đến thiệt thòi của chúng. Đấy, mấy lần lũ tặc bắn phá mà chim vẫn quay về làm tổ trên cây. Thế là chim sống có nghĩa có tình quá còn gì.

Một buổi sáng đẹp trời, ngó lũ chim rối rít trên cao, tự dưng ông thèm sự đầm ấm quá trời. Ông gọi điện vào cho anh con trai, bảo thu xếp đưa cái đưa con về quê chơi với ba vài ngày. Cũng sắp đến ngày giỗ của mẹ con rồi. Người ta làm ăn cả đời, giỗ mẹ cũng nên đông đủ để bà ấy ở bên kia đỡ tủi. Anh con trai lấn cấn, đáp dạo này nhiều việc, ở trong này muốn nghỉ phép phải đăng ký trước chứ không thể nghỉ cái đùng để về được. Ông bảo đưa điện thoại cho thằng cháu nội để ông nói chuyện với nó. Thằng cu con sáu tuổi đã biết dùng điện thoại ngon lành. Ông bảo cháu về đây mà chơi, vườn nhà mình nhiều chim vui lắm.

Hóa ra bầy chim đã "gọi" được con cháu của ông về thật. Thằng cu con nghe ông nói chuyện chim chóc mê tít ngay, đòi bằng được phải về quê.

*

Tội nghiệp thằng cháu nội, lâu nay bị nhốt trong khu phố chật chội. Giờ về quê thả sức chạy nhảy. Ruộng lúa đang kỳ trổ đòng, buổi sớm thơm nức hương sữa. Chính thằng cu phát hiện ra điều này. Nó nằm bên cửa sổ kêu lên thơm quá. Thằng cu đã nhắc nhở ông cái mùi vị đồng quê dân dã lâu nay ông bỏ quên. Cái gì dễ có quá lại hóa bình thường.

Thằng cu phấn khích nhìn lũ chim chộn rộn trên bầy cau. Nó lấy điện thoại của ba ra chụp hình, quay phim để đem vào thành phố khoe với mấy đứa bạn. Hôm khác nó đòi ông bắt cho tổ chim sáo. Thằng cu đã ngắm nghía mấy hôm nay, thấy một con sáo nghệ cứ cắp mồi ra vào, biết là đã có một tổ sáo nở con.

Thôi thì chìu ý đứa cháu, chả mấy khi nó về quê. Ông giữ bầy chim lâu nay, giờ có xin một tổ sáo cũng chả phải tội tình gì ghê gớm. Ông gọi một người mua cau vào, bảo cho luôn cái buồng đó, nhưng leo lên ngắt cau rồi thì phải nựng cái tổ sáo xuống đây cho ông.

Đúng là một tổ sáo nghệ thật. Hai con chim non vừa hú lông ống. Cỡ sáo non này dễ nuôi. Chăm sáo từ nhỏ nó sẽ mến người và biết nhại tiếng người rất rõ. Ông dắt cháu ra đồng bắt châu chấu. Bày cho cháu cách mớm mồi. Cho sáo chíp nước miếng người lớn lên sáo nó mới mến.

Ba hôm sau con sáo đã lập chập đi được. Ông vót tre đan cái lồng bỏ chim vào. Thằng cu thích chí, nó hứa với ông sẽ nuôi tốt hai con sáo. Sẽ dạy cho chúng gọi ông ơi. Như thế mỗi lần con sáo kêu cháu sẽ đỡ nhớ ông hơn.

Mấy ngày có con cháu về quê, ông thấy vui vẻ, cảm giác trong mình khỏe mạnh hơn nhiều.

*

Con cháu vào Sài Gòn, ông lại lủi thủi một mình, lại quay về chơi với lũ chim trong vườn. Nhìn thằng cháu nội xách cái lồng đựng hai con chim sáo lên xe, ông chợt buồn. Cứ như có đến hai cuộc chia tay.

Buổi sáng vẫn rộn ràng thanh âm ríu ran gọi nhau. Bầy chim không phụ lòng ông. Cũng không vì ông lấy bớt một tổ sáo mà chúng giận dỗi bỏ đi. Chim sống có tình quá. Hay là chim sống vô tình quá. Dù gì thấy cảnh rộn ràng ông cũng đỡ áy náy.

Đến buổi chiều ông mới giật mình. Khi đang ngồi uống trà ngắm ra hàng cau, chợt ông nhìn thấy trên cái ngọn cau bữa trước bắt tổ sáo, con chim mẹ đang ngậm một miếng mồi ngóng đầu trông ra. Ông không nhìn rõ mắt sáo, chỉ cảm giác mắt mình cay cay, như có chân chim vừa bước qua.

Truyện ngắn của Hoàng Công Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1247 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Cày cấy mảnh ruộng tâm hồn

GNO - Nhà có ruộng vườn đất đai màu mỡ thì có thể tích trữ lương thực phòng khi đói. Ruộng đất luôn gắn chặt với cuộc sống con người. Xưa nay, người phương Đông luôn coi ruộng đất là yếu tố căn bản của sự sinh tồn, là báu vật để đời, bởi vậy mà cha mẹ luôn mong muốn để lại vài phần ruộng đất cho con cháu.

Thông tin hàng ngày