Lúc đó, Tôn giả Xá-lợi-phất và Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đang ở trong núi Kỳ-xà-quật. Bấy giờ, vào lúc xế chiều, Tôn giả Xá-lợi-phất xả thiền rồi đến chỗ Tôn giả Câu-hy-la, vui vẻ thăm hỏi nhau xong và ngồi xuống một bên. Rồi Tôn giả Xá-lợi-phất thưa với Tôn giả Câu-hy-la rằng: Tôi có điều muốn hỏi, không biết Tôn giả có thời gian để giải đáp cho chăng?
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đáp: Nhân giả cứ hỏi, nếu biết thì tôi sẽ trả lời.
Tôn giả Xá-lợi-phất liền hỏi: Thế nào, thưa Tôn giả Câu-hy-la, có sự già không?
Đáp: Thưa, có chứ.
Hỏi: Có sự chết không?
Đáp: Thưa, có chứ.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi: Thế nào, thưa Tôn giả? Sự già chết ấy là do mình tạo hay do người tạo? Hay vừa do mình vừa do người tạo? Hay không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức do tự nhiên(2) chăng?
Đáp: Tôn giả Xá-lợi-phất! Sự già chết ấy chẳng phải do mình tạo, chẳng phải do người tạo, chẳng phải vừa do mình vừa do người tạo, chẳng phải không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức chẳng phải do tự nhiên mà là do sanh làm duyên nên có già chết.
Hỏi: Như vậy thì sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc là do mình tạo, do người tạo, vừa do mình vừa do người tạo hay không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức là do tự nhiên chăng?
Đáp: Tôn giả Xá-lợi-phất! Danh sắc ấy chẳng phải do mình tạo, chẳng phải do người tạo, chẳng phải vừa do mình vừa do người tạo, chẳng phải không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức chẳng phải do tự nhiên mà là do thức làm duyên nên có danh sắc.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi: Thức kia là do mình tạo, do người tạo, vừa do mình vừa do người tạo hay không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức do tự nhiên chăng?
Đáp: Tôn giả Xá-lợi-phất! Thức ấy chẳng phải do mình tạo, chẳng phải do người tạo, chẳng phải vừa do mình vừa do người tạo, chẳng phải không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức chẳng phải do tự nhiên mà là do danh sắc làm duyên nên có thức.
Tôn giả Xá-lợi-phất lại hỏi: Thưa Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la! Trước Tôn giả nói danh sắc chẳng phải do mình tạo, chẳng phải do người tạo, chẳng phải vừa do mình vừa do người tạo, chẳng phải không phải do mình cũng không phải do người tạo, tức chẳng phải do tự nhiên, mà là “do thức làm duyên nên có danh sắc,” nhưng nay Tôn giả lại nói “do danh sắc làm duyên nên có thức” vậy nghĩa này là thế nào?
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đáp: Nay tôi sẽ nói ví dụ, người trí nhờ ví dụ mà được hiểu rõ. Ví như ba cây lau sậy được dựng lên nơi khu đất trống, chúng nhờ nương tựa vào nhau mới có thể đứng vững. Nếu lấy ra một cây thì hai cây kia sẽ không thể đứng vững, hoặc lấy ra hai cây thì một cây còn lại cũng không đứng vững, vì chúng phải nương nhau mới có thể đứng được. Thức duyên danh sắc cũng lại như thế, nương tựa qua lại lẫn nhau mới sinh trưởng được.
Tôn giả Xá-lợi-phất nói: Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử Thanh văn của Thế Tôn, Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la là người có trí tuệ minh đạt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lộ(3). Do tự thân chứng nghiệm trọn vẹn pháp cam lộ nên Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la mới có biện tài sâu xa như thế, đối với mọi chất vấn đều có thể giải đáp. Ví như ngọc quý vô giá, người thế gian thường đội trên đầu; nay tôi cũng giống như thế, cúi đầu cung kính đảnh lễ Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la.
Hôm nay, tôi ở chỗ Tôn giả liền được thiện lợi. Các vị Phạm hạnh khác thường đến chỗ Tôn giả cũng được thiện lợi, ấy là nhờ Tôn giả khéo thuyết pháp. Đối với pháp mà Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la đã thuyết, nay tôi dùng ba mươi cách tán thán để xưng dương, tùy hỷ.
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la nói rằng: Đối với già chết mà chán ghét, ly dục, diệt tận, gọi là pháp sư. Lại nói: Đối với sanh, hữu, thủ, ái, thọ, xúc, sáu nhập xứ, danh sắc, thức mà chán ghét, ly dục, diệt tận, gọi là pháp sư. Nếu Tỳ-kheo đối với già chết mà chán ghét, hướng đến ly dục, diệt tận, gọi là pháp sư; cho đến đối với thức mà chán ghét, hướng đến ly dục, diệt tận, gọi là pháp sư. Nếu Tỳ-kheo đối với già chết mà chán ghét, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, gọi là pháp sư; cho đến đối với thức mà chán ghét, ly dục, diệt tận, không khởi các lậu, tâm giải thoát hoàn toàn, gọi là pháp sư.
Tôn giả Ma-ha Câu-hy-la nói với Tôn giả Xá-lợi-phất:
– Lành thay! Lành thay! Trong hàng đệ tử Thanh văn của Thế Tôn, Tôn giả Xá-lợi-phất là người có trí tuệ minh đạt, khéo điều phục, không sợ hãi, thấy pháp cam lồ. Do tự thân chứng nghiệm trọn vẹn pháp cam lồ nên Tôn giả Xá-lợi-phất mới có khả năng đặt những câu hỏi với chánh trí sâu xa như vậy. Ví như ngọc báu vô giá được người thế gian đội trên đầu, nay Tôn giả cũng vậy, đáng được tất cả các bậc Phạm hạnh đảnh lễ, tôn kính, phụng sự. Hôm nay, tôi có được thiện lợi, ấy là nhờ cùng với Tôn giả luận bàn diệu nghĩa.
Cả hai vị Tôn giả cùng nhau tùy hỷ rồi trở về trú xứ của mình.
_______
(1)Tựa đề đặt theo nội dung kinh. Tạp. 雜 (T.02. 0099.288. 0081a09). Tham chiếu: S.12.67 - II.112.
(2)Nguyên tácVô nhân tác(無因作). Theo, S.12.67 - II.112: Adhiccasamuppannaṃ (Do tự nhiên sanh. HT.Thích Minh Châu, dịch).
(3)Cam lộ(甘露 - Amata): Bất tử, cũng được hiểu là giải thoát.
(NSGN 347)