Vị Ni trụ trì chùa gần chợ khơi sáng nẻo về cho tôi

GN - Trong những năm tháng xa quê, có những lần bất an, đôi khi va vấp biển đời thì hình ảnh vị thầy bổn sư là Ni sư Thích nữ Huệ Tâm cứ hiện lên rõ mồn một trong tôi.

Ngôi chùa sát chợ thị trấn Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nhưng nét cổ kính và chất quê, hồn thương nhớ cứ vương trên làn khói nhang bao người đến rồi đi, đi rồi trở về trong vòng tay yêu thương của Tam bảo.

Ni su Thich Nu Hue Tam va tac gia.jpg


Tác giả Minh Phương bên thầy mình là Ni sư Huệ Tâm (Sóc Trăng) - Ảnh: TGCC

Lần nào gặp cũng vậy, Ni sư hỏi dạo này việc làm con có ổn không, gia đình bình an cả chứ, nhớ đem Phật vào lòng rồi mở mắt thương nhìn hết thảy người và vật nhé con! Chỉ dăm ba câu, nhìn nhau và cười rồi uống nước. Khi lạy Phật, đi nhiễu vòng quanh chánh điện, sau đó lạy Tổ, tôi như thấy từng quyển kinh đang chuẩn bị cho thời công phu được để ngay ngắn trên kệ kia chuẩn bị rắc mưa hoa ma-ha Mạn-thù-sa cho đời tươi và thương yêu hơn. Ni sư nhẹ tay thỉnh ba tiếng chuông, âm vang của chúng trầm và ngân mãi, lan mãi trong lòng tôi sự ấm áp diệu kỳ. Ngoài sân chùa dường như có cơn gió vừa đi ngang cho ít bông sala rụng dịu thơm, đằm sâu trên đất.

Tôi ngồi yên lặng nghe gió vô thường bay về mà lòng bình yên lạ. Có lẽ đất Phật, Bồ-tát, chư vị Hộ pháp nơi này đang xoa dịu lòng tôi, đang dạy tôi biết lắng nghe nhịp đời mình. Thế là tôi lặn sâu vào trong năm uẩn hư dối này để lôi ra những gì khen mình chê người, hơn thua, được mất, nhỏ nhen, bản ngã, cái tôi vô minh vun bồi đau khổ trong địa ngục, ác thú, đọa xứ vậy mà cứ lầm lũi u mê chui vào rọ. Tôi ngồi yên nghe mình đang muốn gì. Đâu là dục như ý túc, đâu là bất thiện để còn biết mặt chúng mà tra xét, chế ngự hay là mặc nhiên cho nó trôi qua, chễm chệ xâm chiếm mình… Vị thầy bổn sư im lặng, ngồi bên ghế và rót sẵn ly nước lọc cho tôi. Còn tôi, gặp lại thầy đã ấm áp. Ở bên người như thấy một biển trời mênh mông của suối nguồn thương yêu, dòng năng lượng sống bùng khởi, sự nhiệt tâm trẻ lại, bao cách trở khó khăn đều phải vượt qua. Nụ cười mấp máy trên môi, con thầm cảm ơn sư phụ!.

Kể từ ông nội mất năm 2004 thì tôi có dịp thân cận thiện tri thức và biết được Ni sư. Thời gian lui tới bổn tự, thật lành thay khi được những lần ngồi công phu thời khóa tụng kinh cùng chùa Phước Hòa. Trang kinh Pháp hoa mở ra, tôi thấy vị Bồ-tát Thường Bất Khinh dạy mình hạnh khiêm cung như đất, nhẫn, phải nhẫn nữa! Ngài Quán Thế Âm hóa hiện khắp cõi Ta-bà hóa độ chúng sanh, thuyền từ bi cứu độ không ngơi dạy cho mình hạnh vì người mà làm việc, vì công quên tư, có thương người thì mình mới an. Rất nhiều lời dạy từ trang kinh ra cuộc đời! Nụ cười Ni sư hiền hòa quá đỗi, như người mẹ che chở, vỗ về, nâng bước tôi đi qua hành trình người của những năm thăng trầm tuổi trẻ.

Ni sư đã rất nhẹ nhàng, cụ thể, chân tình như người mẹ dìu dắt tôi từ những bước kinh hành, cách tụng kinh, lạy Phật cho tới việc gợi ý thọ giới quy y Tam bảo cho người tại gia. Thế rồi, tôi đã được quy y Tam bảo ở chùa Tăng và có pháp danh, cố gắng giữ năm giới cấm mà Đức Phật đã răn dạy. Những ngày tháng đầu, năm giới khó mà giữ trọn, giới nào nhìn sâu vào thấy mình cũng phạm. Hổ thẹn, sám hối và lại sai, lại sửa và tuổi trẻ đi trong niềm vui, nỗi buồn đan chéo. Rồi những năm sau đó nữa, mình dần hiểu khi bị gió đời quật ngã, lòng mình phiêu diêu thì chiếc bè cứu độ cũng lại là Tam bảo.

Qua những thiền viện, tịnh xá, chùa, am thất rồi gặp những vị thầy bái lạy kính ngưỡng, song trong lòng mình vẫn nghĩ về Ni sư. Con mãi nhớ thầy bổn sư thuở nào! Thầy từng dạy những lời giản đơn mà sâu sắc, lúc đó ở chùa quê nhưng con nào để tâm. Con cứ bay nhảy, tìm rồi chọn và lựa. Con cứ lún sâu trong chính bản ngã vô minh này. Ni sư Huệ Tâm từng dạy: “Con đến nơi chùa viện nào mà thấy lòng bình an, muốn đặt mọi gánh lo âu xuống, muốn vứt bỏ mọi thói tật của đời để mở lòng thương yêu, vị tha, chỉ muốn lạy Phật Pháp Tăng thì ở đó đáng là nơi để con cúi lạy Tam bảo. Con đừng nhìn chùa to hay nhỏ, chùa mới hay cũ mà khởi tâm phân biệt. Đó là cái nhìn sai lầm, cái nhìn ấy dễ đưa mình vào đọa xứ. Khi con gặp một vị thầy / cô (Tăng / Ni) nào mà trong lòng con phát khởi sự kính ngưỡng, quý trọng muốn tới lễ bái và cầu pháp học, pháp hành thì đó là vị thầy đáng để con lễ lạy, cúng dường. Dòng năng lượng từ bi và trí huệ của người tu ấy đang hiển bày cho con pháp chân thật mà diệu dụng. Kính Phật, quý Pháp, trọng Tăng thì mới có dịp gần minh sư, thiện tri thức, đời đời mới có cơ may nương tựa trong ánh sáng Tam bảo. Ngược lại, khó lắm con ơi… Ví như rùa mù dưới đáy biển ngàn năm mới nổi lên mặt biển một lần lại chui được vào bộng cây. Mà bộng cây ấy cũng ngàn năm mới trôi ngang chỗ rùa mù ấy trồi lên. Khó lắm thay! Kiếp người và sự trở lại làm người còn khó gấp vạn triệu lần như vậy, con à!”.

Khi thanh lắng thật sự tịnh tín thì tôi nhớ như in những lời thầy bổn sư Huệ Tâm dạy rõ ràng cho mình. Chao ôi! Vậy mà con mãi cứ muốn làm gã cùng tử lang thang khắp nẻo đời mặc cho sinh tử đi qua và lạc nẻo về. Bữa rồi, dịp giỗ ba con lần thứ ba, con đã ghé lại chùa thăm Ni sư. Không nói trước mà cả hai cùng bật lên câu: “Cô / con mấy ngày trước nghĩ tới con / cô và mong sự bình an, tu tinh tấn, hạnh phúc, chấm dứt khổ đau luôn hiện hữu trong con / cô!”.

Lúc chia tay, cô tiễn con ra cổng chùa và không quên dặn: “Cố gắng tu hành chánh tri kiến trên Thánh đạo, Thánh quả, Niết-bàn là con đường mà hành giả nào cũng phải hướng tới! Đường xa, giữ sức con nhé! Đừng buông lung giữa lưng núi nghen con…”.

Con lại đi phố, cổng tam quan nơi cửa chùa luôn sẵn mở, Ni sư lại tiếp tục thời khóa chung cùng Ni chúng và sau đó lại lặng lẽ tu phi thời như thuở nào cô từng tâm sự. Người bạn đạo nhìn tấm ảnh tôi chụp chung với Ni sư, bạn ấy đã chắp tay búp sen, miệng tán thán Mô Phật, huynh đang đứng bên cạnh hóa thân Bồ-tát Quán Thế Âm đó! Cố gắng tinh tấn nghen huynh! Mình nghe xong, lại thấy trùng trùng duyên khởi của cuộc đời và những lần hạnh ngộ giữa mình với người, giữa ta với đời để cho dòng luân lưu của tâm thiện ý lành được gieo và sinh khởi sắc thắm giữa bến bờ nhân gian buồn vui mà độ lượng. Vinh nhục, thành bại, thiện ác cũng tự lòng ta. Ngọn đuốc tuệ giác Như Lai đã chỉ dẫn, đã vun bồi, đã sẵn sàng… cho mình thắp lên ngọn lửa vượt qua đường xa đêm tối… Thì tôi ơi, mạnh bước chân, vững bước lòng mà đi qua nẻo nhân sinh để trao nhau nụ cười như những cánh sala rụng bên sân chùa còn đằm hương vương trên đất…

Trần Huy Minh Phương

Hộp thư “Bến bờ nhân gian”

Từ 23-7 đến 16-8, tòa soạn đã nhận được bài viết chủ đề “Bến bờ nhân gian” của các tác giả: Giác Minh Tường, Thích Nghiêm Thuận, Nguyễn Thành Công (4 bài), Quảng Trung, Thích Tâm Hiếu, Thích nữ Như Hiếu, Nguyễn Thị Bảo Châu, Thích nữ Diệu Lợi, Thích nữ Trung Tùng, Thích Chơn Pháp, Lê Đàn, Nguyễn Thị Bích Nhàn (2 bài), Hoàng Dũng Hùng, Nguyễn Hồng Mơ, Thích nữ Thanh Nghiêm, Nghi Lâm, Trung Thành, TKN Như Thành, Ngô Nghê, Hồ Thị Ngân, Thanh Hoàng, Thủy Khánh, Trần Huy Minh Phương, Nguyện Pháp, Kim Ngân, Lê Anh Quốc, Thích nữ Nhuận Nguyện, Nguyễn Đình Thu, Thích nữ Từ Phương, Hạnh Tâm, Lê Thị Xuyên, Nguyễn Hồng Mơ, Phát Từ, Nguyễn Hồng Mơ, Lê Thị Xuyên, Thích nữ Vạn Dung, Hoan Liên Mỹ, Thích nữ Nhuận Ân, Như Đạo, Nguyên Hương, Đỗ Duy Hoàng, Khánh Linh, Đức Thành, Nguyện Pháp, Trần Đăng Huy, Thanh Vân, Kim Dung…

Hiện tại, Ban Tổ chức đã chọn đăng một số bài trên Giác Ngộ online, và tiếp tục chọn đăng những bài khác trên hai ấn phẩm (tuần báo và Giác Ngộ online), nên bạn đọc đã gửi bài dự thi hoan hỷ chờ đợi.

Nhân đây, Ban Tổ chức nhắc lại một vài thể lệ viết về chủ đề “Bến bờ nhân gian” lần thứ nhất. Đó có thể là câu chuyện của chính mình dưới dạng tự kể hoặc thể hiện dưới hình thức ký sự nhân vật mà bạn gặp, có hiểu, cảm được việc hiếu nghĩa của họ - gửi về cho chúng tôi, để cùng khơi gợi lên lòng hiếu, tâm hiếu trong mỗi người, chung tay sống thiện lành, bắt đầu bằng việc thực tập hạnh hiếu.

* Bài viết bằng tiếng Việt, gửi qua email. Mỗi người có thể viết gửi nhiều bài.

* Độ dài: 900 - 1.600 chữ, có hình ảnh của người trong câu chuyện (nếu là ký nhân vật) và khuyến khích có hình ảnh trong những câu chuyện thật của mình

* Tiêu chí: Người thật, chuyện thật xúc động của chính người dự thi hoặc của nhân vật về lòng hiếu, tình cảm gia đình, thầy trò gây xúc động, đem đến cảm hứng sống thiện lành, hướng thượng. Lưu ý: bài chưa đăng báo nào và cả mạng xã hội.

Giác Ngộ tiếp tục chào đón bài viết của bạn đọc qua email: onlinegiacngo@gmail.com. Trân trọng cảm ơn bạn đọc đã tham gia.

Ban Tổ chức

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày