GN - Từ miền
Duyên lành
Chúng tôi đến chùa Diệu Pháp vào buổi sáng trời nắng nhẹ. Con đường đất dẫn vào chùa ngoằn ngoèo, lồi lõm, mỗi lần xe chạy qua là bụi đường tung mù mịt vào chùa. ĐĐ.Thích Pháp Huệ với dáng người nhỏ nhắn trong chiếc áo nâu sồng bạc màu, lấm lem cát bụi. Thầy đang cặm cụi cuốc đất trồng rau với đôi tay thoăn thoắt, thấy chúng tôi liền nở nụ cười hiền hòa.
ĐĐ.Thích Pháp Huệ cùng Phật tử xây dựng các công trình phụ ở chùa - Ảnh: Ngọc Diện
ĐĐ.Thích Pháp Huệ tên khai sanh là Nguyễn Bảo Định, năm nay chỉ mới 35 tuổi. Xuất gia từ năm 13 tuổi, thầy vào học đạo ở chùa Pháp Đàn (Bến Lức, Long An). Sau đó thầy cầu pháp HT.Thích Trí Quảng (Phó Chủ tịch HĐTS) tại chùa Hoa Nghiêm 2. Thời gian sau đó, thầy cầu đạo tại chùa Hoằng Pháp. Tính ra đã hơn 20 năm thầy gần kề kinh kệ. Cốt cách nhà tu phảng phất ở con người vốn dĩ rất hiền hòa này.
Hỏi nhân duyên đến nơi này lập nguyện, xây chùa, thầy thật thà tâm sự: “Lúc đầu tôi chỉ về đây để thăm bà con Phật tử, ở lại chơi ít hôm rồi đi. Nhưng nhiệt huyết và sự tha thiết học đạo của rất đông bà con ở đây đã níu chân tôi lại. Nghiệt nỗi, ở đây chẳng có nơi nào để bà con đến lễ bái và tu học nên tôi mới nghĩ đến chuyện xây chùa”.
Năm 2010, khi thầy đặt chân về đây, nơi này chỉ là một vùng đất trắng. May thay, một vị Phật tử cúng dường ngôi nhà gỗ, diện tích khoảng 200m2, thầy sửa sang lại tạm làm nơi kinh kệ, tu hành. Nhà nhỏ mà người đến lễ bái ngày một đông, có khi mưa gió phải đứng cả ra ngoài trời. Nghĩ thương Phật tử, thầy dùng hết số tiền dành dụm được và đi khắp nơi hóa duyên để bà con cúng dường xây chùa. Với số tiền 200 triệu gom góp được, thầy mua thêm đất, mở rộng khuôn viên chùa cho bà con có chỗ lui tới lễ bái, tu tập.
Sống và làm việc cho tha nhân
Hiện nay, tổng diện tích chùa có được khoảng 7.000m2, chùa đã có chánh điện, nhà ăn, hội trường và ba phòng ngủ cho khách đường xa lỡ bước. Nhưng tất cả đều là những ngôi nhà gỗ tạm bợ; để có gỗ xây chùa, thầy đến từng xưởng cưa trong làng xin gom từng miếng. Người dân cũng đóng góp mỗi người một ít, người thì góp của, người thì góp công vậy mà cũng xây dựng nên chùa. Chị Lương Thị Tường Vy, một Phật tử của chùa cho biết: “Bữa nào không đi rẫy, chúng tôi lại đến chùa để phụ giúp, mỗi người một việc”.
Chùa Diệu Pháp như là mái nhà chung hiền hòa giữa thôn làng, Phật tử đến chùa mỗi ngày một đông. Ban đầu chỉ có khoảng 60 Phật tử thường xuyên đến chùa đề lễ bái, học đạo. Hiện tại, số lượng người đến chùa khoảng 300 người. ĐĐ.Thích Pháp Huệ chia sẻ: “Sau một ngày lao động vất vả trên nương rẫy, tối đến họ lại về chùa, đốt một nén hương, nghe một tiếng chuông chùa, những bài kinh kệ xoa dịu đi nỗi nhọc nhằn của cuộc sống”. Từ khi về đây, thầy Pháp Huệ đã tổ chức rất nhiều hoạt động từ thiện cho bà con.
Trong năm 2012, đã 3 lần thầy vận động làm từ thiện ở Bến Tre và mời đoàn y bác sĩ trong Ban Từ thiện Tiền Giang về chùa khám chữa bệnh miễn phí cho người dân. “Mọi người vui vì được khám bệnh, cho thuốc mà không phải tốn tiền và đi xa. Vì vậy họ nô nức đến đông như hội, mỗi lần có khoảng 300 - 400 người tham gia”, thầy Pháp Huệ cho biết.
Để khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh, thầy tổ chức phát quà cho những em chăm ngoan, hiếu thảo và học giỏi. Những ngày lễ như Phật đản, Vu lan, Tết Nguyên đán..., thầy lại tổ chức các hoạt động như hái lộc, thả hoa đăng... để bà con Phật tử có nơi sinh hoạt, tu học Phật pháp. Anh Hà Văn Nghị, Phật tử ở chùa xúc động: “Thầy đã không ngại khổ về đây để dìu dắt chúng tôi, đem ánh sáng của Phật pháp để hướng chúng tôi đến cuộc sống lương thiện. Thầy còn tổ chức các hoạt động từ thiện có ý nghĩa. Chúng tôi rất quý mến thầy”.
Xác định gắn cuộc sống tu tập ở nơi này, thầy chuyên tâm chăm sóc đất chùa và là người nông dân thực thụ, tận dụng đất trống trồng mè, lạc và rau để cải thiện bữa ăn cho Phật tử mỗi khi đến ngày lễ. Nhờ vậy, trong chùa lúc nào cũng có sẵn những thứ “đặc sản” đặc trưng của chùa. “Đôi tay của thầy chẳng lúc nào ngưng làm việc, những giờ rảnh rỗi, thầy lại mang cuốc ra con đường dẫn vào chùa để san sửa lại, khiêng từng viên đá về lấp từng ổ gà. Thầy nói làm vậy để Phật tử muốn đến chùa cũng đỡ vất vả. Thầy còn đến thăm những nhà dân nghèo trong làng, chỉ dẫn cho họ cách làm ăn”, anh Nghị tâm sự.
Chỗ sinh hoạt của thầy là một gian phòng bằng gỗ đơn sơ được trang trí rất gọn gàng và ngăn nắp. Sách báo và tạp chí được thầy thu thập và trưng bày rất nhiều. Thầy nói làm như vậy để khuyến khích bà con đọc sách báo, nắm thông tin để theo kịp thời đại. Rồi thầy bày tỏ: “Tôi về đây là muốn gắn bó lâu dài với bà con Phật tử. Niềm tin và sự tín ngưỡng Phật pháp của họ làm tôi thấy ấm áp. Trong tương lai, tôi hy vọng có thể xây dựng nơi này thành trung tâm Phật giáo của huyện để bà con xa gần có thể về đây lễ bái và hành hương nhân ngày lễ hội”.
Thầy Pháp Huệ đã dấn thân hoằng pháp nơi thâm sơn này để gieo mầm cho những “đóa sen” thơm. Thầy dẫn dắt con người đến với sự an nhiên và hướng thiện. Tiếng chuông chùa nơi này sẽ vang vọng mãi trong tâm thức của người dân ở đại ngàn...