Vị trụ trì - người có ảnh hưởng quyết định đối với tự viện

GN - Theo kết quả thống kê mới nhất do Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh công bố năm 2014, trên toàn thành phố có 1.307 cơ sở tự viện với 8.649 Tăng Ni, trong đó gần 800 cơ sở tự viện đã có quyết định bổ nhiệm trụ trì. Số cơ sở tự viện còn lại chưa thống nhất đi đến quyết định bổ nhiệm trụ trì hoặc chưa gia nhập Giáo hội.

ANH BT (10).JPG

Quang cảnh buổi lễ bế giảng khóa bồi dưỡng trụ trì diễn ra từ ngày 5 tới 10-10-2015 tại TP.HCM

TP.Hồ Chí Minh là một trung tâm văn hóa, giáo dục và kinh tế lớn nhất của cả nước. Với Phật giáo, đây cũng là một trong những trung tâm có hoạt động Phật sự đa dạng so với các tỉnh thành khác. Nơi đây có các lớp sơ cấp do Ban Trị sự Phật giáo quận huyện quản lý, Trường Trung cấp Phật học thuộc Ban Trị sự Phật giáo TP, Học viện Phật giáo VN đào tạo hệ cử nhân và thạc sĩ Phật học - luôn có số lượng Tăng Ni sinh theo học đông nhất trong số các Học viện Phật giáo, cùng với hệ thống giáo dục đào tạo thế học. Vì vậy, số lượng Tăng Ni đến lưu trú có thể nói là đông nhất so với các tỉnh thành khác trong cả nước.

Trong giai đoạn hơn ba mươi năm qua từ khi thành lập Ban Trị sự Thành hội Phật giáo, nay là Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh (1982), tình hình Phật giáo tại thành phố đã có nhiều biến chuyển. Số lượng Tăng Ni, cơ sở tự viện mới xây dựng tăng lên. Nhiều cơ sở tự viện cũng có sự thay đổi về nhân sự trụ trì, người có trách nhiệm điều hành trực tiếp trong công tác quản lý Tăng Ni và hướng dẫn tín đồ tu học tại cơ sở.

Trong thời gian đó, tình hình xã hội cũng đã có những thay đổi sâu sắc. Với tương quan duyên sinh, dù muốn hay không thì sự thay đổi đó cũng đã tác động và có ảnh hưởng đến Phật giáo, tích cực cũng có mà tiêu cực cũng không ít.

Đạo Phật không có giáo điều, không có sự máy móc và nệ cổ trong việc ứng dụng giáo lý vào đời sống thực tế, mà ngược lại, linh động theo tinh thần khế cơ khế lý. Đó là điểm mạnh, cũng đồng thời là điều khiến cho sự ứng dụng đôi khi rời xa cốt tủy của đạo Phật, có trường hợp phát huy tốt nhưng cũng lắm khi tùy tiện dẫn đến sự nhầm lẫn giữa phương tiện và mục tiêu trong Phật giáo.

Một cách khách quan, trong bối cảnh hiện tại, vị trụ trì có một vai trò hết sức quan trọng trong việc ứng dụng, triển khai và phát huy giáo lý mà Đức Phật đã dạy, những đặc trưng văn hóa Phật giáo Việt Nam được hình thành gần hai ngàn năm qua cũng như chủ trương của Giáo hội. Bởi trong thực tiễn, vị trụ trì là người có ảnh hưởng quan trọng đến mọi mặt của cơ sở tự viện nơi được bổ nhiệm, từ phong cách kiến thiết xây dựng, các sinh hoạt tín ngưỡng thường nhật, hướng dẫn thiền môn thanh quy đối với người xuất gia, giảng dạy giáo lý cho Phật tử…

Tại Điều 57 - Chương X Hiến chương GHPGVN đã khẳng định tự viện là cơ sở và giáo sản của Giáo hội. Với nhận thức và thực tế như đã nói, đồng thời kế thừa kinh nghiệm của các khóa tập huấn ở các tỉnh thành khác, hy vọng sau khóa bồi dưỡng lần đầu tiên do Ban Trị sự GHPGVN TP.Hồ Chí Minh tổ chức, tình hình Phật giáo tại thành phố sẽ có những khởi sắc mới, xứng đáng với tiềm lực về mọi mặt của một trong những trung tâm phát triển vào bậc nhất của đất nước.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày