Việc lành đầu năm

GN - Mùa xuân tới, ai cũng nghĩ về làm mới mình lại, sẽ mở lòng ra, sẽ làm những việc tốt đẹp nào đó cho mình, cho người. Nhưng, đôi khi, vì không có chánh kiến - thiếu hiểu biết, ta lại đi gieo hạt giống xấu cho mình từ những việc ngỡ là thiện.

Thay hái lộc thành... gieo lộc

Cụm từ “lên chùa hái lộc đầu năm” đã gắn với nếp sinh hoạt văn hóa Tết của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Hiểu ý này theo nghĩa đen (trần trụi) nên nhiều người đã lên chùa vào đêm 30 và đè đầu cây kiểng trong chùa bẻ sạch cành lá, rồi tới bông hoa chưng trên chánh điện, trang trí trước chùa cũng bị... ngắt sạch. Đó là kiểu “hái lộc” đầy bạo lực và thực sự là đang ăn cắp của nhà chùa, khiến cho cảnh chùa mất sự tôn nghiêm.

Do vậy, không những việc hái lộc nhằm cầu phúc, đem may mắn về nhà không được vì không đúng, còn gieo nhân ăn cắp của nhà chùa. Xét về nhân quả của nhà Phật, khi tới cửa chùa mà lấy những thứ của thường trụ Tam bảo trong khi chưa được cho phép là đã tạo ra một nhân xấu thì làm sao có thể có quả tốt đẹp là sự bình an? Hơn thế, hành động bẻ cành, ngắt hoa của chùa xét về văn hóa ứng xử nơi công cộng là một hành vi xấu, rất không nên.

anh minh hoa bai Luu Dinh Long.jpeg


Chuẩn bị lộc đầu năm - Ảnh minh họa

Thực ra, lộc cần phải gieo, bằng cách làm một việc lành như cúng dường Tam bảo, giúp người bớt khổ đau... thì cây bình an mới được trổ ra. Theo đó, có thể mỗi người, khi tới chùa đầu năm, đi nhẹ, nói khẽ, lễ Phật và “vô danh” bỏ vào thùng phước sương, thành kính cúng dường Tam bảo - ngay khi ấy ta đã gieo hạt lành và cũng liền lúc đó, ta đã “hái lộc đầu năm”. Hiểu điều đó theo hướng nhân-duyên-quả, một giáo lý căn bản của đạo Phật thì ta có thể thôi bẻ cây rồi “mê hoặc” mình rằng - hái lộc chùa mang về sẽ tốt. Thay vào đó là chúng ta âm thầm gieo trồng cội phước bằng những thiện nghiệp (từ ý-ngữ-thân), hiến tặng niềm an vui cho người khác, làm một cách âm thầm như là nhẹ nhàng bỏ vào thùng phước sương mà không cần phải ghi tên hay đòi hỏi thầy trụ trì phải đọc tên cầu an gì cả. Cái an từ hành động thiện trong đôi mắt thấy biết chân chánh.

Phóng sanh cần sự hiểu biết

Ngày 20-1 vừa qua, Giác Ngộ online đăng tin “Cộng đồng mạng phản đối việc phóng sinh hình thức”. Bản tin cho biết, một bức ảnh gồm một vài chú chim bị giam trong một chiếc túi nhựa nhỏ bên ngoài một ngôi chùa nổi tiếng ở Ayutthaya (Thái Lan), chờ đợi để được phóng sinh bởi các du khách “từ bi”, đã gây ra phản ứng mạnh trên phương tiện truyền thông xã hội, mặc dù việc phóng sinh động vật từ lâu đã là một phần của việc làm công đức đối với các Phật tử Thái.

Qua đó, nhiều người còn nêu ra những phản ứng quyết liệt như: “Việc kinh doanh thiếu từ bi này (kinh doanh chim, cá phóng sanh - BTV) phải bị đẩy ra khỏi đất nước và Phật tử chúng ta phải chấm dứt niềm tin mù quáng. Hãy thực hiện theo những lời dạy thực tế của Đức Phật!”.

Đồng thời, người sử dụng internet kêu gọi chính quyền địa phương của Thái Lan có hành động pháp lý để ngăn ngừa những người bán động vật xung quanh ngôi chùa. Sự phản ứng ấy có lý do và thực sự cần thiết, bắt nguồn từ cái thấy duyên sinh của nhà Phật. Sở dĩ có những người kinh doanh chim, cá phóng sinh là vì Phật tử đến chùa có nhu cầu phóng sinh - xem đó là việc lành (nhất là cuối và đầu năm). Tuy nhiên, họ lại không thấy hết, chính việc muốn làm lành đó đã làm cho một số người đi vây bắt chim, cá để phục vụ mình; từ đó đẩy các loài vào chỗ nguy hiểm, biến chúng thành công cụ cho mình thực hiện lòng từ.

Do vậy, câu chuyện ở Thái Lan mới nhất, với sự nhất tâm kêu gọi không phóng sanh kiểu hình thức ở các cơ sở tôn giáo, làm nảy sinh ra nghề kinh doanh sanh vật để phóng sinh... thực ra cũng là câu chuyện ở Việt Nam, bởi nhiều chùa chiền của ta cũng có hiện tượng này rất nhiều.

Từ đó, rút ra một điều là, làm việc gì cũng cần quán niệm sâu sắc lý duyên sinh, nhân quả theo lời Phật dạy để làm đúng, để không tự lừa mình bằng chiếc áo “thiện lành” mà kỳ thực gây ra đau khổ cho loài khác, rồi gieo nhân xấu cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày