Viễn ly đâu có gì sai

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1207 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Sở dĩ tôi đặt vấn đề như vậy là vì có người cho rằng trong thời đại ngày nay, Phật giáo phải nhập thế và người tu phải đi vào đời để hoằng pháp độ sinh thì mới thích hợp. Còn những điều như ẩn tu hay viễn ly đã lỗi thời rồi, không phù hợp với xã hội ngày nay.

Người tu ở một mình hay cùng với đại chúng, chuyên tu hay đi vào đời để hoằng pháp là sở thích, hạnh nguyện riêng của mỗi người. Và mỗi thứ đều có cái hay và cái dở của nó. Mà suy cho cùng, hay hoặc dỡ là xuất phát từ cái tâm của người đó. Đôi khi tâm ta ham vui, chạy theo đám đông, chạy theo danh lợi mà lại nghĩ rằng mình đang đem đạo vào đời để phục vụ chúng sinh.

Tôi đã thấy một số người như vậy, không chỉ chẳng đem được đạo vào đời, làm cho đời đẹp hơn mà ngược lại còn mang đời trở vào đạo, làm cho đạo bị nhuốm mùi thế tục. Còn bản thân họ sau một thời gian “hòa quang đồng trần” thì cử chỉ, ngôn từ cũng y như người thế gian, không còn gì là thiền vị nữa.

Khi ta tu chưa vững mà đã đi độ người rồi thì coi chừng ta không độ được người mà ngược lại còn bị người làm cho ô nhiễm. Nhiều Tăng Ni ra hoằng pháp khi còn rất trẻ. Họ kết giao với nhiều thành phần xã hội, nhất là những người nổi tiếng như nghệ sĩ, doanh nhân, quan chức… Họ cho rằng làm được như vậy là thành công. Nếu xét theo thế gian thì cũng có thể gọi là thành công, nhưng về phương diện đạo pháp thì cần xem lại, đôi khi chỉ có chút thành tựu về hình thức bên ngoài, thỏa mãn với danh văn lợi dưỡng, nhưng tâm linh thì hoang vu không tiến bộ gì cả.

Có thể thời đại đã đổi thay, nhưng tôi và nhiều người vẫn thích hạnh viễn ly, những câu chuyện về chư vị sống viễn ly ở chốn núi rừng luôn có sức thu hút mạnh mẽ. Chuyện của Tổ sư Huệ Viễn 30 năm không bước qua khe suối trước cổng chùa. Chuyện Lục tổ Huệ Năng được vua mời vào cung thuyết pháp nhưng viện lý do tuổi già đau yếu mà từ chối, nguyện chung thân ở nơi rừng núi. Chuyện ngôi chùa trên núi trong Cửa tùng đôi cánh gài. Rồi chuyện tu hành trên núi Yên Tử của Trần Nhân Tông, Phương Bối am của Thiền sư Nhất Hạnh, Phương Liên tịnh xứ của Hòa thượng Thiền Tâm… Không phải ngẫu nhiên mà chùa còn được gọi là “sơn môn” hay “không môn”. Chùa thích hợp nhất là ở trên núi, xa cách với xóm làng thì mới có không gian yên tĩnh để công phu, tu luyện. Chữ “không môn” ngoài ý nghĩa triết học cũng gợi lên sự vắng vẻ, cô liêu, không có nhiều khách vãng lai. Nhờ vậy mà sự tu hành không bị ngoại duyên chi phối.

Viễn ly là một trong 12 hạnh Đầu-đà, là một trong 10 Ba-la-mật. Hạnh viễn ly một hạnh tu cao thượng mà chư Phật luôn khuyến khích người tu thực hành. Trong kinh Tâm địa quán, phẩm Vô cấu tín, Đức Phật dạy như sau:

“Lại nữa, này Trí Quang, Bồ-tát xuất gia phải xa lìa chỗ huyên náo, ở nơi A-lan-nhã. Chư Như Lai trong ba đời đều bỏ những nơi huyên náo mà ở nơi không nhàn, vắng lặng, tu thêm muôn hạnh, chứng quả Bồ-đề. Các bậc Duyên giác, Thanh văn và hết thảy chư hiền thánh, chứng được thánh quả xưa nay cũng đều ở nơi tĩnh mịch như thế. Nơi A-lan-nhã có mười thắng đức, làm cho người tu chứng được đạo quả Bồ-đề. Những gì là mười thắng đức?

- Một là được tự tại. Bởi vì ở nơi A-lan-nhã, trong bốn uy nghi không bị lệ thuộc nơi người khác.

- Hai là bỏ ngã và ngã sở. Không còn chấp trước vào cái ta và cái của ta.

- Ba là đối với các đồ ngồi, nằm như giường nệm, bàn ghế, không còn tham đắm.

- Bốn là ba độc tham, sân, si sẽ bớt đi dần dần.

- Năm là tu hạnh xa lìa, không mong cầu ngũ dục của trời người.

- Sáu là ở nơi nhàn tịch, tu tập Phật đạo không tiếc thân mạng.

- Bảy là thích tịch tĩnh, thiện nghiệp dễ dàng thành tựu bởi vì không có môi trường thuận tiện để phóng túng.

- Tám là sự nghiệp giải thoát sẽ dễ dàng, không chướng ngại.

- Chín là mau thành tựu được Tam muội.

- Mười là mau được đại trí huệ.

Trí Quang nên biết, nơi A-lan-nhã có vô lượng công đức như thế. Do vậy nên người Phật tử xuất gia thề bỏ thân mạng chớ nhất định không bỏ núi rừng”.

Tục ngữ có câu, “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Còn cái gọi là “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” là để dành cho hoa sen. Nhưng phải coi bản thân mình có phải là hoa sen chưa. Nếu chưa thì làm sao tránh khỏi nhiễm ô. Như bài kệ sau đây:

Tăng trụ thành hoàng Phật-Tổ ha

Tiên hiền đô thị ẩn nham a

Sơn tuyền lưu xuất nhân gian khứ

Thanh thủy y nhiên thành trược ba.

Nghĩa là:

Tăng ở thành đô Phật Tổ rầy

Chư hiền đều ẩn chốn an mây

Non cao suối chảy về hạ thế

Trong vắt y nguyên hóa đục nhầy.

(Hòa thượng Thích Minh Thông dịch, Theo dấu chân xưa)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thương mẹ lắm, nhớ mẹ nhiều nhưng con nào có ngờ mẹ qua đời sớm như vậy...

Niệm Phật trong giấc mộng

GNO - Đêm thứ hai khi mẹ tôi qua đời, nhang đèn đang thắp sáng trên bàn Phật và bàn thờ di ảnh mẹ. Trời đã về khuya, mọi người thân tìm chỗ nghỉ lưng để ngày mai lo tang lễ. Tôi lặng lẽ lên gác nghỉ ngơi một mình. Căn phòng này sao mà im lặng quá. Giấc ngủ đến tự lúc nào không hay...

Thông tin hàng ngày