Viết cho ngoại

GN - Đại dịch Covid-19 hoành hành, trường nghỉ học, con được về chăm ngoại trong những ngày cuối đời. Làn gió lạnh len lỏi qua khung cửa làm tê tái thân hình ốm yếu, gầy gò, từng hơi thở trở nên khó khăn mệt nhọc.

thach-thao.jpg

Năm nay ngoại đã ngoài chín mươi rồi, thế là cũng trọn một kiếp người và trải nghiệm đủ buồn vui trong cuộc đời, đã đến lúc ngoại buông hết mọi duyên để về với Phật. Ở gần ngoại, con mới thực sự chứng kiến cảnh bệnh, tử mà trong kinh Tứ diệu đế Đức Phật đã chỉ rõ, rằng con người ai cũng phải trải qua bốn cảnh sanh lão bệnh tử trong đời. Con thấy được rằng sau những cuộc rong ruổi chạy theo những buồn vui thất thường, những thứ giả tạo bên ngoài, nào danh lợi nào tiền tài, nào thương ghét, giận hờn thì cuối cùng ra đi cũng chỉ hai bàn tay trắng, chẳng mang được gì ngoài nghiệp thức mình đã tạo khi còn sống.

Lau người cho ngoại, những vết lở loét do lâu ngày nằm một chỗ ăn sâu vào thịt, máu mủ cứ rỉ ra mặc dầu ngày nào cũng vệ sinh và khử trùng. Nhìn ngoại, con xót xa vô cùng. Có lẽ, một ngày nào đó con cũng sẽ như ngoại. Con nghĩ đến ngoài kia, thế giới đang chống chọi từng ngày với đại dịch Covid-19, biết bao nhiêu mạng người đã chết, không kể tuổi tác, giàu nghèo, không kể màu da, quốc tịch nào. Tử thần không phân biệt ai cả, nỗi bất an và tiếng than khóc khắp nơi. Nỗi lòng con dành cho ngoại cũng chẳng bằng một phần mười nỗi đau đớn chia ly của những gia đình mất đi người thân khi cuộc đời còn đang dang dở.

Sự điều dưỡng của con dành cho ngoại không bằng một góc những y bác sĩ đang tận tình chăm sóc các bệnh nhân ở các bệnh viện dã chiến. Họ tạm rời gia đình vì nhiệm vụ, gần gũi với bệnh nhân, gần gũi với cái chết nhưng họ làm việc hết lòng, không màng khó nhọc. Trên thế giới đã có không ít y bác sĩ ra đi, mãi mãi không thể gặp lại người thân. Rất nhiều người ra đi trong niềm tiếc nuối của những người còn sống vì không thể tổ chức một đám tang, không thể gặp mặt lần cuối để nói lời tiễn biệt. Cuộc chia ly sao mà cay đắng quá.

Thật may mắn, hạnh phúc khi mùa dịch này con được ở bên ngoại, trong khi nhiều chiến sĩ, bộ đội vì quê hương đất nước lên đường đi canh gác biên giới và chăm sóc bảo vệ khu cách ly. Các anh nhường nhà ăn chỗ ở cho người cách ly, còn mình thì trải chiếu ngủ, dựng tạm mấy cái lán đơn sơ để che nắng che mưa, những bữa đơn sơ đạm bạc của các anh khác hẳn với những phần ăn ngon dành cho người cách ly. Trái tim của các anh thực sự rộng lớn biết bao, như những vị Bồ-tát xả thân để cứu giúp chúng sanh. Sự nhiệt huyết và tấm chân tình của những tấm lòng thiện nguyện đó đã chứng minh cho tình yêu quê hương đất nước, trong lúc mỗi công dân đang cùng nhau chung sức chống dịch.

Con thật tự hào vì con được sanh ra trên mảnh đất hình chữ S mang tên Việt Nam và tự hào vì được làm cháu của ngoại, được ngoại dẫn dắt con biết đi chùa, biết sống hiếu thuận với cha mẹ và thương yêu những người xung quanh, biết tụng kinh niệm Phật để hồi hướng cho thế giới và đất nước mau chóng qua cơn nguy biến và biết giúp đỡ những người nghèo khó. Cũng nhờ suy ngẫm những lời dạy của Tam bảo mà hôm nay con được sống một cuộc sống bình an và con sẽ cố gắng trân trọng những gì mình đang có để không hối tiếc khi xả bỏ thân mạng.

Những gì ngoại chỉ cho con là những kiến thức ngoại học được từ những trang kinh Phật ngoại đọc mỗi đêm, những lời dạy đi sâu vào tàng thức và thể hiện qua cách sống hàng ngày của ngoại. Con nhớ có lần con tặng ngoại cái máy nghe pháp, ngoại rất thích và lúc nào cũng mở nghe. Khi các bà hàng xóm đến chơi, ngoại đem ra cùng nghe. Từng luống rau, khóm cà,… ngoại đều tưới tẩm bằng những câu niệm Phật khi ngoại chăm nom vườn tược. Có lần con đùa rằng: “Ngoại không sợ tụi nó vãng sanh hết sao? Ngoại không có rau ăn nữa đâu”. Ngoại cười: “Nó còn nợ ngoại, khi nào ngoại mất thì nó mới vãng sanh được”. Cuộc sống cứ êm đềm, gần gũi với thiên nhiên và ngoại cảm thấy an nhàn trong căn nhà nhỏ ở miền quê ấm áp.

Mấy mươi năm trôi qua chứng kiến bao cảnh đời đổi thay, những người thân bên cạnh ngoại lần lượt ra đi, cả dì Hai và dì Ba đều đã qua đời trước ngoại. Chấp nhận mọi thử thách, chông gai cuộc đời, ngoại vẫn giữ được sự bình tâm, khuyên con cháu nên biết sống thương yêu và đạo đức để cuộc đời bớt khổ để rồi ngoại cũng yên tâm mà nhắm mắt.

Giờ đây, ngoại đã nhẹ nhàng ra đi như một chiếc lá nhẹ bay về cội. Ôi cuộc đời cũng chỉ là một kiếp bọt bèo trôi qua nhanh chóng! Con tìm gì đây trước cảnh đời mênh mông vô vàn biến chuyển, giữa lúc biết bao người trên thế gian phải khép lại những ước mơ, chia tay những hạnh phúc dang dở và ra đi mãi mãi trong đau đớn, thống khổ?

Vậy là đã trọn một kiếp người rồi tiếp tục một hành trình mới. Con chỉ biết lúc này phải tinh tấn siêng năng tu tập, tụng kinh để hồi hướng cầu siêu cho tất cả những ai đã ra đi trong trận đại dịch này và tập trung chánh niệm tọa thiền để nhờ năng lượng của thiền định mong cho tất cả mọi người trên thế giới luôn được an ổn, khỏe mạnh, biết cùng nhau niệm Phật để vượt qua khó khăn này.

Tiếng niệm Phật lan tỏa trong thôn xóm nhỏ, mỗi người tự ở nhà niệm Phật và hướng về ngoại, hướng về thế giới, cầu cho nạn dịch mau chóng qua. Ngoại ra đi thanh thản, yên bình không một tiếng khóc, không lễ tang cầu kỳ, đông đúc. Chỉ có tiếng niệm Phật vang vọng khắp nơi. Ngoại đã không còn vướng bận gì nữa, con chúc ngoại về miền Cực lạc được an vui và sớm trở lại Ta-bà để thực tập Bồ-tát hạnh cho đến ngày thành tựu viên mãn.

Tiêu Dao

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày