Việt tông là tông nào?

GN - HỎI: Tôi đọc báo Giác Ngộ số 969, chú thích bìa 1 có ghi: HT.Thích Tịnh Liên, Phó Tăng trưởng Việt tông và HT.Thích Trí Quảng tại Việt Nam Quốc Tự. Xin hỏi Việt tông là tông nào?

(ĐỨC TRUNG, trungphanc@yahoo.com.vn)

1 (3).jpg

Phái đoàn An Nam tông tại Trụ sở TƯGH trong chuyến thăm VN từ 25 tới 30-3-2017 - Ảnh: Cẩm Vân

ĐÁP:

Bạn Đức Trung thân mến!

Việt tông là gọi tắt của Giáo hội Tăng-già An Nam tông tại Vương quốc Thái Lan. Đây là một tông phái Phật giáo Bắc truyền có nguồn gốc tại Việt Nam (thuộc hai dòng thiền Lâm Tế và thiền Tào Động) được truyền sang Thái Lan cách nay đã hơn hai thế kỷ.

Theo tác giả Nguyên Chơn, Đạo Bình: “An Nam tông là ‘Phật giáo Đại thừa Việt tông tại Thái Lan’. Tên chữ Hán bản cổ ghi là ‘Thái quốc Việt Tăng đoàn’ (Tăng đoàn Việt Nam tại Thái Lan), tên tiếng Thái là Annamnikai (อนัมนิกาย).

An Nam tông Thái Lan là một dấu ấn rõ nét của việc truyền tông ra nước ngoài của nền Phật giáo Việt. Dù trải qua những thăng trầm của lịch sử, và đôi khi vắng bóng hoàn toàn sự hiện diện của sư Việt trên đất Thái (kể từ khi ngài Tăng trưởng Bình Lương về Việt Nam và Tổ Bảo Ân viên tịch năm 1964) nhưng mạng mạch Phật pháp của tông phái vẫn được duy trì và phát triển do những đệ tử xuất gia và tại gia người Thái và Thái-Hoa kế tục hơn 230 năm qua.

Linh hồn của Phật giáo Việt vẫn tồn đọng âm thầm qua nhị thời khóa tụng bằng âm Hán-Việt, qua những bái tán ‘Dương chi tịnh thủy, Hải chấn triều âm’ hay khoa Chẩn tế cô hồn mang đậm truyền thống dân tộc Việt: giản dị mà kiên cường. Lâm Tế Trí Bản (Đàng Ngoài) và Tào Động Thọ Xương (miền Trung) đã kế tục xuất sắc hai dòng thiền phái của Phật giáo Đại thừa Việt Nam khi truyền sang xứ sở của Phật giáo Nam truyền tạo nên một nền Phật giáo Việt giàu khả năng thích ứng và bản sắc” (Nguồn gốc hai dòng thiền An Nam tông tại Thái Lan).

Chúc các bạn tinh tấn và xem thêm 2 bài liên quan dưới đây:

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày