Võ sư “độc túc”

GN - Trong buổi trò chuyện, ông kể: “Thật tình cờ, tôi nằm điều trị cùng phòng với một đôi nam nữ nhưng không hiểu sao cả hai lại chọn con đường tự tử để kết thúc cuộc đời còn son trẻ. Tôi ám ảnh câu chuyện này mãi, nghĩ cách tốt nhất để có thể tiếp tục sống là phải nhìn thẳng vào số phận mà bước tiếp quãng đời còn lại”, vị võ sư hồi tưởng.

Biến cố cuộc đời

“Ý chí của con người phải luôn được đặt lên hàng đầu, đôi khi nhiều người đầy đủ lại hay đầu hàng với số phận. Tôi tin mình sẽ làm được…” Đó là lời chia sẻ của vị võ sư một chân Tạ Anh Dũng (56 tuổi), và ông cho rằng nghị lực vượt khó để đến với đỉnh cao của võ học là nhờ vào chính bản thân mình. Chính quan niệm đó và thành quả của ông ngày hôm nay đã khiến nhiều học trò của môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn cúi đầu nể phục với nghị lực tuyệt vời, ở Việt Nam khó có ai có thể làm được như vị võ sư một chân này.

H1 (1).jpg

Võ sư Tạ Anh Dũng - Ảnh: Báo Ảnh

Hơn 6g sáng, khi nhiều người còn chưa tỉnh giấc, võ sư Tạ Anh Dũng cùng các học trò đã có mặt tại Công viên Tao Đàn, quận 1. Cơn mưa dông nặng hạt cũng không khiến buổi học của thầy trò võ sư Dũng dừng lại. Những hạt mưa chỉ thấm ướt áo thầy trò chứ không làm thay đổi tư thế tấn rồi tập luyện miệt mài của các môn sinh. “Môn sinh muốn theo phải khổ luyện, có thế sau này mới thành tài được. Tất cả những môn sinh ở các lớp, tôi đều truyền đạt điều đó cho các em”, võ sư Dũng nói.

Gần 30 năm theo nghiệp võ và rèn luyện cả trăm môn đệ, võ sư Dũng không chỉ dạy các em về võ học, các tư thế tấn công trong võ đạo mà còn truyền đạt cho học trò về nghị lực, ý chí, lòng quyết tâm phải biết đối diện với nghịch cảnh của cuộc sống để vươn lên. “Trải qua bao biến cố, truân chuyên của cuộc đời nhưng mãi đến bây giờ tôi mới nghiệm ra một điều, dù có chuyện gì đi nữa, tôi vẫn không bỏ nghề võ mà chính người cha đã truyền thụ lại cho tôi khi mới lên 5 tuổi”, võ sư Dũng chia sẻ.

Lau vội những giọt mồ hôi còn ướt đẫm trên áo, võ sư Dũng nhớ về quá khứ: “Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống võ học. Bố tôi là võ sư Tạ Ánh Đăng, một võ sư cừ khôi nổi danh thời Pháp thuộc. Cha tôi theo học một phái võ ở tỉnh Tây Ninh, sau khi thuần thục, ông xuống Sài Gòn thi đấu. Do đánh thắng nhiều đối thủ nên ông lấy được bằng Thành chung. Mẹ tôi lúc xưa là con nhà khá giả nhưng rất thích võ học, mê tài đánh võ của bố nên từ đó hai người nên duyên vợ chồng. Mẹ tôi chấp nhận cuộc sống khốn khó để theo bố”.

Cuộc sống bắt đầu khó khăn khi lần lượt 10 anh chị em ra đời. Khi sinh ra, ông cũng có cơ thể đều đặn như bao anh chị em khác. Nhưng, ở đời xưa nay chẳng ai đoán được chữ ngờ, duyên nghiệp oái oăm như thử thách nghị lực của con người. Khi ấy, ông Dũng là một chàng trai tuổi đôi mươi với bao nhiệt huyết. Đông anh chị em, chàng trai trẻ lăn xả giữa cuộc đời, ai thuê gì làm nấy, miễn sao làm việc có tiền một cách chân chính. Một buổi sáng đầu năm 1980, cậu bé Dũng theo ghe bố ra biển đánh cá, gặp sóng lớn chông chênh khiến Dũng bị ngã và chấn thương nặng một chân.

Được bố đưa vào bờ và cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), lúc tỉnh dậy, ông bàng hoàng nhận ra chân trái của mình đã bị cắt bỏ lìa khỏi thân thể. Ông đau đớn trong tuyệt vọng. “Lúc đó, tôi nghĩ một chân bị cắt bỏ thì nghề võ đối với tôi cũng chấm dứt. Nhưng thật tình cờ, cùng nằm điều trị chung buồng bệnh với tôi có một đôi nam nữ muốn tự tử để kết thúc cuộc đời còn son trẻ. Tôi ám ảnh câu chuyện này mãi. Lúc đó, tôi nghĩ bây giờ có buồn khổ thì chân cũng không còn. Cách tốt nhất để tôi có thể tiếp tục cuộc đời còn lại là phải nhìn thẳng vào số phận và mà bước tiếp”, võ sư Dũng nói.

… “Gà trống nuôi con”

Kể từ đó, cuộc sống của ông gắn liền với đôi nạng gỗ, khập khiễng vô cùng khó khăn. “Tôi tưởng chừng như cuộc đời ‘đóng đinh’ lại với mình. Suốt ngày tôi chỉ biết ôm mặt khóc, buồn bã… cho đến cạn nước mắt vì một phần thân thể bị mất đi. Rồi đêm đêm, nhiều người nằm chung phòng điều trị với tôi cứ than vãn vì chuyện không thể vượt qua nỗi đau, cứ đòi chết… khiến tôi càng không thể giải thoát cho mình. Tôi muốn vượt sự bi đát của hiện tại và tự nhủ với lòng, mình phải vượt qua số phận để chứng minh cho họ thấy”, võ sư Dũng nhớ lại những ngày u ám.

Trở lại với cuộc sống đời thường chỉ còn một chân, những tháng ngày đầu tiên ông đã gặp muôn vàn khó khăn. Việc đứng một chân và giữ thăng bằng là cả một quá trình rèn luyện. Mặc kệ người đời thương hại, võ sư Dũng không ngần ngại lăn xả và cố gắng tự nuôi bản thân. Không theo bố ra biển, ông chọn cho mình nghề bán báo dạo để tự kiếm sống. Làm gì thì làm, máu đam mê võ chưa bao giờ ngừng chảy trong con người ông.

Mỗi lần đi bán báo ở Công viên Văn Lang (quận 5), ông thường xuyên nhìn những võ sư đang khổ luyện. Những bài võ thu hút ông và không ít lần ông dành chút thời gian để ngồi xem những võ sư đánh quyền. Ông tự hứa với lòng mình, nếu một ngày nào đó khi ổn định cuộc sống sẽ quay lại võ đường.

H1 (2).jpg

Võ sư Tạ Anh Dũng dạy võ thuật cho học trò - Ảnh: Báo Ảnh

Cũng như bao người bình thường khác, không lâu sau đó, ông Dũng nên duyên vợ chồng với một người phụ nữ ở quận 5. Lần lượt 3 người con ra đời, để kiếm tiền nuôi đàn con, ngần ấy năm chưa bao giờ ông có một cái Tết trọn vẹn.

“Ngày thường tôi đi bỏ báo, ngày Tết đi múa lân kiếm thêm thu nhập. Rồi đến một ngày, khi niềm đam mê võ trỗi dậy, tôi tìm đến võ sư môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn để xin học võ. Lần gặp đầu tiên, người này đã nhận tôi làm đệ tử. Chính đam mê khiến tôi gắn bó với môn phái này. Tuy nhiên, làm quần quật suốt ngày nhưng cuộc sống gia đình không đủ no. Niềm đam mê võ thuật lại quá lớn, khiến cuộc sống vợ chồng rạn nứt. Vợ dứt áo ra đi khi đứa con út của tôi mới chỉ 2 tuổi. Và,  tôi một mình chịu cảnh ‘gà trống nuôi con”, võ sư ôn lại quãng đời đầy khó khăn.

Cuộc hôn nhân đổ vỡ, một mình ông phải bươn chải nuôi 3 người con ăn học, làm đủ nghề từ bán báo, dạy võ, dạy bơi, luyện kèm bóng bàn… nhưng cũng chỉ đủ bù đắp qua ngày. Dù bận rộn với công việc nhưng ông không quên dành thời gian cho võ thuật. Nhờ sống cạnh người bố có tính khí mạnh mẽ, các con ông đều biết tự lập ngay từ nhỏ và được ông truyền lại nghề võ. Sau này, các con ông đều lập gia đình riêng.

“Ngày trước chịu phận ‘gà trống nuôi con’, thì nay chính ngôi nhà nhỏ đơn sơ ấy, tôi nhận nuôi 3 đứa cháu ngoại. Mọi chi phí sinh hoạt đến việc đi chợ, nấu cơm và dạy cho các cháu học hành đều một tay tôi lo liệu” - võ sư Dũng kể.

Đúng như người xưa nói “có chí thì nên”, quyết không bỏ nghiệp võ, võ sư Dũng sau thời gian tập luyện đã thi đấu và trở thành võ sư môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn như ngày hôm nay. Rồi thành công nối tiếp thành công, ông đã được vào Hội Võ thuật cổ truyền TP.HCM, đi thi đấu và giành nhiều huy chương vinh quang cho bản thân.

Thế nhưng, có một nỗi niềm luôn khắc khoải trong lòng ông, đó chính là gia đình. Hỏi về niềm đam mê võ thuật, võ sư Dũng cho biết: “Tạo hóa công bằng mà, nếu cho mình cái này thì sẽ mất cái khác. Có tài không cho sức, cho sức không cho tài, cho cả tài lẫn sức thì mất đi cái quan trọng nhất là hạnh phúc gia đình. Tôi nghĩ, có người sinh ra được trải thảm đỏ, con đường mình đi có gai thì phải đạp lên gai mà đi tiếp. Chính niềm đam mê võ thuật đã níu kéo tôi trở lại với cuộc sống đời thường. Tuy cuộc sống còn trăm bề khó khăn nhưng tôi sống trọn vẹn với niềm đam mê của mình và đang cảm thấy sự ấm áp trong cuộc sống này”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày