Vũ Hán: Khải khúc tri âm

Tôi đặt bút viết về Vũ Hán, vì đã từng gắn bó với nơi này nhiều năm; hình như mỗi con đường, mỗi góc phố của Vũ Hán tôi đều có thể mường tượng ra dáng vẻ của nó. Song hàng ngày, mỗi tế bào trong thân thể chúng ta đều đang thay đổi, Vũ Hán cũng từng ngày thay da đổi thịt. Hai năm trước, ga xe lửa trấn Vũ Xương cũ kỹ là thế, chỉ cần sáu tháng sau, nhà ga đã được kiến thiết lại thật nguy nga, rực rỡ; những chiếc cầu vượt hiện đại dần dần mọc lên khắp thành phố, và những ngôi nhà cao tầng liên tiếp dựng lên như thách thức cùng thời đại.

vuhan-1.gif

Hoàng Hạc Lâu tại Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc)

Vũ Hán còn có tên khác là Giang Thành, vì thành phố này có nhiều dòng sông lớn chảy ngang: Trường Giang, còn gọi là Dương Tử Giang; Hán Giang, còn gọi là Hán Thủy. Dương Tử Giang đã cắt thành phố Vũ Hán làm hai, người dân sống bên bờ Hán Dương, Hán Khẩu có thể được gọi là người của phương Bắc Trung Quốc, người dân sống bên bờ Vũ Xương lại có thể được gọi là người phương Nam Trung Quốc.

Nếu như hỏi một người đã từng sống qua nơi này, Vũ Hán đã cho bạn cảm giác gì? Có lẽ người đó sẽ nhớ ngay đến cái cảm giác mà khí hậu đem đến cho họ: mùa đông lạnh giá, mùa hè đổ lửa; mùa đông có thể khiến người chết vì lạnh, mùa hè nhiệt độ tăng cao có thể khiến người bốc hơi. Hai mùa xuân thu mát mẻ lại qua nhanh. Sống nơi này, tuy con người có thể hưởng được khí hậu phong phú của bốn mùa trong năm, nhưng khắc phục được khí hậu của hai mùa hè và đông, cũng hết sức khốn khổ.

Có lẽ vì khí hậu khắc nghiệt nên tính tình dân địa phương lại có chút dung tục, ồn ào, nóng nảy; khu chợ búa lại dơ bẩn, không vệ sinh… Song, sau khi chúng ta nhìn dòng Trường Giang sóng cuộn, và Đông Hồ lãng đãng khói sương, chúng ta lại phát hiện tạo hóa đã ban cho Giang Thành một ân sủng. Vào buổi chiều tà, khi ta đứng trên cầu Trường Giang nhìn sắc hồng bên sông..., khi ta dạo qua công viên bờ sông có thể chúng ta sẽ cảm thấy Vũ Hán vẫn là nơi thật xinh xắn, dễ thương, chất phác, hiền hòa.

Vũ Hán, đối với lịch sử Trung Quốc, đã từng huy hoàng trong quá khứ, nhưng hiện nay, nơi đây đã dần dần mai một. Còn nhớ những điển tích vang lừng thời xưa mà chỉ Vũ Hán mới có được: Lịch sử Giang Hạ, Độ Tướng Quân, Hoàng Hạc Lâu, bãi Oanh Vũ, Cổ Cầm, Đài Bá Nha Tử Kỳ…

vuhan-2.gif

Cầu treo bắt qua sông Trường Giang

Vũ Hán có ba trấn hợp thành: Vũ Xương, Hán Khẩu, Hán Dương, được phân chia thành khu văn hóa, kinh tế, chính trị. Đến Hán Khẩu, bạn có thể mua được những hàng hóa hết sức rẻ ở khu chợ bán sỉ; đến Vũ Xương, bạn có thể du ngoạn khu thắng cảnh Đông Hồ mà gồm nhiều nơi tham quan, như: khu Lạc Nhạn, khu Nghe Sóng, vườn mai, vườn anh đào ở núi Ma Sơn v.v...

Khi mới đến Vũ Hán, du khách nghe đến những tên người, tên địa phương, tên trạm xe sao mà cổ xưa mộc mạc: Trác Đao Tuyền, Tứ Mỹ Đường, Duyệt Mã Trường, Chung Gia Trang, Mã Gia Trang, Trần Gia Loan, Mã Đầu (hình như chẳng có con đường, tên thôn, tên trạm xe nào mang tên một danh nhân nào cả)…, còn nghe qua “thôn” và “trang” rất nhiều. Vũ Hán lại được gọi là đại Vũ Hán, vì nó không phồn hoa, không hiện đại, nhưng lại rất lớn. Dù nhanh hay chậm, đi xe một ngày du khách cũng chưa ra khỏi Hán Khẩu, khoảng cách giữa các trạm xe buýt lại xa hơn những nơi khác. Hoàn cảnh địa lý Vũ Hán lại có thể nói là được thiên nhiên ưu đãi - vừa có sông: Trường Giang, Hán Giang; vừa có núi: Quy Sơn (núi hình con rùa), Xà Sơn (núi hình con rắn), núi mang khí chất văn hóa như Lạc Già Sơn (Trường Đại học Vũ Hán) Du Già Sơn (Trường Đại học Hóa học Kỹ thuật Công nghiệp), đồi Quế Tử (Trường Đại học Sư phạm Hoa Trung); vừa có hồ: Đông Hồ, Lương Tử Hồ, Nguyệt Hồ, Nam Hồ, Kim Sa hồ… môi trường thiên nhiên phong phú như vậy, e rằng hiếm nơi nào có được. Thành phố này có nguồn nước dồi dào đến từ cuồn cuộn Trường Giang, gờn gợn Hán Giang, hay sương khói Đông Hồ. Tuy Đông Hồ không nổi tiếng nhưng có thể nói cảnh trí Đông Hồ thật tuyệt mỹ, gọi Đông Hồ là có ý so sánh với Tây Hồ của Hàng Châu. Tôi hỏi dân địa phương vì sao Đông Hồ đẹp đến thế mà không nổi danh như Tây Hồ, họ trả lời có lẽ vì người dân Vũ Hán không mềm mỏng, lãng mạn như dân Hàng Châu, hơn nữa, không có thi nhân nào sáng tác bài thơ về nó, và nhất là Đông Hồ không có ngôi cổ tự để chứng tỏ không khí linh thiêng của nó. Đứng bên hồ mênh mông, vọng nhìn ngút ngàn không thấy bờ bên kia, trong lòng ta lại dâng lên sự cảm khái thiên nhiên hài hòa của trời đất.

vuhan-3.gif

Đại học Vũ Hán ( Trung quốc)

Nguyệt Hồ chính là nơi tao ngộ của Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ, nay vẫn được gọi là Nguyệt Hồ, khu Hán Dương, bên trạm xe Cổ Cầm Đài, Chung Gia Trang. Nguyệt Hồ mang khí chất văn hóa nên đến Cổ Cầm Đài du ngoạn, bạn có thể nghe được khúc tri âm: Cao Sơn Lưu Thủy, tiếng đàn cũng không khác gì tiếng nước chảy róc rách, tựa như khải theo từng cung bậc của đôi bạn tri âm.

Thế kỷ trước, niên đại 30, Đại sư Thái Hư vì sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, đã từng hiện diện nơi này, thành lập “Viện Đại học Phật giáo Vũ Xương”, nay là chùa Bảo Thông (một trong bốn chùa lớn của Vũ Hán: chùa Bảo Thông, chùa Quy Nguyên, chùa Liên Khê, chùa Cổ Đức). Đại sư đã hướng dẫn phái đoàn thầy trò của viện đến tham quan Đại học Vũ Hán (lúc mới thành lập, Đại học Vũ Hán có tên là Học đường Tự Cường) bên bờ hồ và lưu lại bài thơ:

Biển Chu từng hiệp

Bạch Âu nhàn

Thập tải Đông Hồ nhận cựu nhan

Ưng thị Lạc Già nguyên Phật địa

Biện năng thanh khoáng tức Linh Sơn”

(Tạm dịch: Thuyền con từng cùng với chim Hải Âu trắng nhàn du Đông Hồ, đã nhiều lần mới nhận ra bạn cũ. Lạc Già xưa kia là đất Phật, rộng rãi khoáng đãng trong lành chính là đất Linh Sơn).

Nhìn các địa danh sơn thủy của Vũ Hán - Trung Quốc, ta có thể tưởng tượng được khí chất của Phật giáo của hơn ngàn năm trước, Đại học Vũ Hán có núi Lạc Già. Lạc Già chẳng phải là âm dịch của Phổ Đà, của Phật đó sao? Tiếc thay, Phật giáo Trung Quốc hiện nay đã mai một, các ngôi chùa giờ đã thành khu thắng cảnh văn hóa, bán vé vào cổng, người dân muốn vào lễ lạy, thắp nén nhang cũng khó. Còn những người tu giả thì nhan nhản khắp chợ búa, nhằm lường gạt tiền bạc Phật tử và người nhẹ dạ, cả tin. Giới trẻ của Trung Quốc nói đến Phật giáo thì cho là mê tín, tu sĩ chẳng qua là một ngành nghề, chức vụ, hàng tháng được lãnh lương. Vì lý do đó, quý Phật tử muốn tu tập, họ tự tạo lập niệm Phật đường, thiền đường ngay ngôi nhà của họ, rồi tụ tập bạn đạo thảo luận Phật pháp, giống như hình thức của Cư sĩ Lâm. Nghe họ học giáo trình Phật pháp mà giựt mình: Quảng Luận, Nhập Bồ Tát Hạnh, Duy Thức Học, Trung Quán Luận, thật chẳng khác gì giáo trình của Tăng Ni sinh học viện ở Việt Nam. Nhưng mà hiệu quả của việc học Phật pháp thì còn phải xem lại, không có thầy chỉ dẫn, tất nhiên học trò phải tự mò mẫm mà đi.

Có thể nói, thành phố Vũ Hán hiện đại và lớn hơn Sài Gòn gấp nhiều lần, nhưng sự giải trí của dân Vũ Hán không phong phú như dân Sài Gòn. Vì là trung tâm giáo dục của cả nước, đến 9h30 tối, các siêu thị, nhà hàng ăn uống các cửa hàng bày bán trang sức, xa xỉ phẩm ở Vũ Xương đều phải đóng cửa để bảo đảm cho sự nghỉ ngơi của học sinh, sinh viên. Khu Hán Khẩu có thể trễ hơn chút ít, nhưng cũng không được quá ồn náo, mất trật tự.

Đa phần du học sinh các nước khi mới đến đều không quen với lối sinh hoạt này của dân địa phương, nhưng lâu dần họ lại thích vì giá sinh hoạt ở Vũ Hán khá rẻ so với các thành phố khác của Trung Quốc. Các ngày nghỉ lại có thể đạp xe đạp ngắm cảnh một vòng Đông Hồ, hoặc đi xe buýt giá rẻ đến vùng quê tham quan hương đồng gió nội, hoặc du lịch nhanh đến Đập Tam Hiệp, Mộc Lan Thiên Trì, núi Võ Đang, núi Lô Sơn, Cảnh Đức Trấn, Thành cổ Kinh Châu, núi Ngũ Tổ, Tứ Tổ ở Hoàng Mai v.v…

Nói đến việc du lịch của Trung Quốc, thật không biết bắt đầu từ đâu, vì có quá nhiều nơi cần phải đi qua một lần cho biết, nhưng túi tiền của một du học sinh không cho phép, nên người viết xin tạm dừng bút ở đây. Có dịp, tôi lại muốn kể cho mọi người nghe lối ngao du sơn thủy của người xưa, cảm nhận được cách sống hài hòa với thiên nhiên non nước hữu tình.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày