Vui buồn chuyện được mất

Vui buồn chuyện được mất
Giác Ngộ - Vợ chồng tôi bán thức ăn nhanh cho học sinh dưới mái hiên nhà một ông bạn già ở gần trường học. Ông bạn già hơn tôi đến mấy chục tuổi, nhưng trong tình nghĩa tri âm thì tuổi tác chẳng can hệ gì, người ta gọi đó là tình bạn vong niên. Thật ra tôi cũng biết câu “Kính lão đắc thọ”, không dám xem một người đáng tuổi cha mình là bạn. Nhưng người có tính phóng khoáng như ông bạn già của tôi thì lại khác, ông thích gọi tôi là “người bạn trẻ” và tự xưng mình là “ông bạn già”.

Nhà ông bạn già của tôi xây dựng lại. Do nhà xuống cấp, con cháu muốn cất lại để ở, chứ một người gần đất xa trời như ông thì còn cần chi nhà cao cửa rộng, chỉ mong sao được khỏe mạnh, cuộc sống vui vẻ và thanh thản tâm hồn.

Nhà lên thêm hai tấm, nằm gần lộ nên chỉ xây cái nền móng vững chắc thôi cũng mất cả tháng, thời gian dự trù để hoàn thành toàn bộ ngôi nhà cũng khoảng trên ba tháng. Thế là tôi không có chỗ bán, phải nghỉ ở nhà. Thấy hoàn cảnh tôi khó khăn, nay lại thất nghiệp, ông bạn già cũng lo ngại cho tôi, cứ gọi điện hỏi thăm tình hình cuộc sống thế nào, có tìm được chỗ nào bán tạm trong vài tháng không?

Không buôn bán được thì không đủ chi tiêu, tiền nhuận bút viết bài cho báo đâu đủ xoay xở. Phải hạn chế tối đa nhu cầu mới tiết kiệm đủ tiền thuê nhà, tiền điện nước, tiền đóng học phí cho con, tiền chợ mỗi ngày và tiền thuốc men nữa (tôi thì ngày nào cũng uống thuốc vì mang đủ thứ bệnh trong người). Mỗi lần gọi điện qua hỏi thăm, nghe tôi trả lời chưa tìm được chỗ buôn bán mới thì ông bạn già lo lắng thở dài.

Tôi chỉ cười bảo với ông: “Cũng tốt, mất cái này thì được cái khác”. Ở nhà không có tiền nhưng có thời gian nghiên cứu, suy gẫm, chiêm nghiệm để viết bài với nhiều ý tưởng mới, có giá trị hơn. Hơn nữa, dùng thời gian thất nghiệp này để nghỉ ngơi, xem như bảo dưỡng một cái máy mà nó còn phải hoạt động dài dài, chứ bắt nó chạy hết công suất hoặc hơn thế nữa thì có ngày nó sẽ rã ra thành phế liệu. Mà cái máy hư còn có thể dùng tiền mua lại cái mới được, chứ cái thân này mất rồi khó tìm lại được thân.

Đức Phật đã dạy: “Thân người khó có được, Phật pháp khó được nghe”. Dẫu nằm trên đống vàng mà bệnh tật hành hạ thân xác, tâm tư khổ não thì của cải có ý nghĩa gì đâu? Cả đời bận bịu với cuộc mưu sinh, quần quật suốt tháng quanh năm, lao tâm khổ trí, cực nhọc hình hài chỉ để kiếm ra tiền. Mà tiền thì không thể mua được sự thảnh thơi, tiền đâu mua được sức khỏe, và nhất là tiền không mua được thân mạng. Nếu dành trọn cả đời cho cuộc mưu sinh thì quả là uổng phí.

Được làm người là một cơ hội quý báu, nếu dành cả cuộc đời cho việc tìm cái ăn cái mặc thôi thì thật vô vị, chỉ có thể nói là tồn tại chứ không là sống. Con người khác với các loài vật khác ở chỗ biết làm cho sự sống có ý nghĩa. Vì thế phải làm điều gì đó có ích cho bản thân và cho cuộc đời. Hơn nữa, sau đời sống này vẫn còn đời sống khác nữa. Thân thể trở về cát bụi nhưng phần tinh anh, nghiệp thức vẫn còn. Mọi sự vật hiện tượng đều luân chuyển đổi thay từ dạng này sang dạng khác chứ đâu hoàn toàn mất hẳn, đâu trở thành hư vô.

Bị cuốn theo dòng xoáy cuộc đời, đôi khi chúng ta quên bẵng những điều này. Cũng may còn có lúc giạt ra khỏi dòng xoáy ấy (như tình trạng mất chỗ buôn bán của tôi chẳng hạn), chúng ta mới có thời gian nhìn lại mình, mới có thời gian bình tâm để mà nhìn cuộc đời bằng con mắt trong trẻo hơn. Xem ra việc mất chỗ buôn bán của tôi cũng không hẳn là mất.

Chuyện được mất đôi lúc khó nói lắm. Bởi vậy khi buôn bán đắt tôi cũng không mừng, khi buôn bán ế tôi cũng không nặng lòng cho lắm. Buôn bán quá đắt chắc chắn sẽ có người nhảy ra cạnh tranh, giành giật khách hàng, tìm cách quấy phá. Những ai thuê mặt bằng buôn bán còn có khả năng bị lấy lại mặt bằng, vì chủ cho thuê động lòng tham khi thấy người thuê buôn bán phát đạt. Họ lấy lại mặt bằng rồi nhảy ra buôn bán mặt hàng mà mình từng bán tại đó, số khách hàng của mình bấy lâu nay cũng trở thành của họ.

Thời buổi con người hám lợi thì miếng mồi ngon luôn là đối tượng bị tranh giành. Tôi vốn không quen lối sống tranh giành chụp giựt. Buôn bán ế tuy không có được nhiều tiền nhưng khỏi phải bận tâm lo, có thể duy trì lâu dài, yên ổn. Tôi đâu mong làm giàu, chỉ cần đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của cuộc sống là đủ rồi.

Được hay mất? Điều này còn tùy thuộc vào quan niệm, nhận thức của mỗi người. Được cái gì? Mất cái gì? Cái nào quan trọng hơn? Có người xem cái này là quan trọng nhưng người khác lại không xem như thế. Nhìn sự việc ở phương diện nào, góc độ nào, đây cũng là vấn đề. Có khi do cách nhìn, cách nghĩ của mình mà nó quan trọng hay không quan trọng.

Người xưa hay nói, trong họa có phúc, trong phúc có họa. Sự được, mất cũng như thế. Ví như dành dụm tiền mua được chiếc xe mới. Xe tốt thì chạy ít hao xăng, không hư hỏng lặt vặt, sử dụng an toàn hơn. Nhưng từ khi mua chiếc xe mới rồi thì ăn ngủ không yên vì sợ kẻ trộm. Chiếc xe chỉ đáng giá mười mấy triệu, không phải là số tiền to, nhưng đối với một lao động nghèo như tôi thì dành dụm chắt chiu lâu lắm mới có. Mất chiếc xe thì lấy gì làm chân đi lại, đâu thể đi bộ gần 20 cây số đến chỗ làm. Căn phòng trọ chật hẹp, ban ngày phải để xe ở ngoài, mặc dù đã khóa cẩn thận nhưng vẫn không yên tâm mà làm việc, lâu lâu phải để mắt xem chừng. Mang chiếc xe mới đắt tiền đi đâu cũng bất an vì sợ bị đánh cắp. Rõ là trong cái được có cái mất chẳng sai.

Trước kia mỗi lần nghĩ về mình, tôi buồn bã và chán nản lắm. Từ nhỏ tôi đã sống chung với bệnh, bây giờ cũng chẳng khá hơn, đau ốm liên miên. Hiếm khi tôi có được một giấc ngủ sâu, một bữa ăn ngon miệng, hiếm khi tôi có được một trạng thái tinh thần phấn chấn. Không có niềm vui vì bệnh tật hành thân hành xác, cuộc sống hết sức nhạt nhẽo, vô vị đến mức tôi chẳng thiết tha bất cứ điều gì. Nhưng rồi nhờ trải nghiệm nhiều những gian khó trong cuộc đời mà tôi “trưởng thành” hơn, “khôn lớn” hơn (có khi sống lâu, tuổi cao nhưng chưa chắc đã trưởng thành).

Nhờ “thân chứng” sự thật về khổ mà tôi giác ngộ được bản chất cuộc đời, bản chất kiếp nhân sinh. Tôi nghĩ, nếu tôi không rơi vào hoàn cảnh bệnh tật, nghèo khó và cuộc đời không lắm nỗi thăng trầm, liệu tôi có tiếp cận Phật pháp hay không? Thật là khó đoán. Biết đâu giờ đây tôi còn mải mê trong vòng tranh danh đọat lợi, buông mình trong xa hoa trụy lạc, lối sống bê tha. Như thế thì nỗi khổ mà tôi mang cũng rất có ích.

Cho nên đối với lẽ được, mất cần bình tâm không dao động. Sự đời vô thường, thay đổi khôn lường, đó là quy luật, chỉ khi nào giữ được sự bình thản trong tâm hồn trước mọi biến cố thăng trầm, được mất thì chúng ta mới có được niềm an vui nội tại.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày