Giữa trưa nắng gắt của miền Trung, ông Lê Cao Hạnh (thôn Phú Đông, Tam Phú, Tam Kỳ) dùng đôi bàn tay gầy guộc của mình điều khiển chiếc xe đẩy được Hội Từ thiện thành phố Tam Kỳ trao tặng, chầm chậm đi đến các quán ăn, các quán cà phê, trước bến xe, cổng bệnh viện... để bán vé số.
Ông Ba rong ruỗi trên đường để kiếm sống- Ảnh: H.C
Cùng cảnh ngộ, ông Phạm Ba (ảnh), một thành viên của Hội Người mù Tam Kỳ vẫn ngày ngày rong ruổi trên đường với chiếc gậy đã mòn vẹt vì chống xuống đường, trên vai ông là những chiếc chổi được “sản xuất” cũng chính từ những đôi bàn tay của những người mù trong Hội. Ngày nào cũng thế, chiếc gậy thay cho đôi mắt, giúp ông dò dẫm từng bước đi giữa phố phường nêm chật xe cộ.
Nhưng, ông vẫn lạc quan chia sẻ: “Là con người được sống đã tốt lắm rồi! Mình khiếm khuyết một phần thân thể nhưng tâm hồn mình lúc nào cũng đầy tràn tình yêu thương, đó là điều khiến mình cố gắng hơn!”. Mỗi chiếc chổi của ông chỉ với giá 15 ngàn, nhưng đó là sự cố gắng của rất nhiều người trong Hội Người mù, là tấm lòng của những con người chia sẻ với nhau đầy tình người trong cuộc sống khốn khó này.
Với Lê Vi (33 tuổi), đang làm việc tại cơ sở massage của Hội Người mù Tam Kỳ, thì có lẽ là người may mắn hơn. Vi cho biết: “Nếu không được nhận vào đây làm chắc giờ tôi cũng đang nay đây mai đó với nghề bán vé số dạo. Làm công việc này được cái nhàn nhã hơn vì được ở trong mát, vả lại đôi lúc còn được khách bo thêm tiền để trang trải cuộc sống”.
Năm mười tuổi, chị bị ốm một trận thập tử nhất sinh, sau khi được cứu chữa thì thị lực của chị suy giảm và rồi không còn thấy gì nữa. Chị đành phải từ bỏ ước mơ trở thành một cô giáo để ròng rã học nghề bấm huyệt, xoa bóp từ các anh chị của cơ sở massage trong Hội Người mù, chị đã trau dồi thêm nhiều kinh nghiệm và khá nhuần nhuyễn với công việc đang làm.
Vượt qua nỗi đau khiếm khuyết cơ thể, họ đã bước tới tìm cho mình một công việc ổn định, có một khoản thu nhập để tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình là mong ước rất thiết thực của những người khuyết tật. Để làm được điều đó, ngoài sự cố gắng từ bản thân thì sự động viên của gia đình, sự quan tâm, sẻ chia của toàn xã hội là động lực để giúp họ vững bước trên con đường mưu sinh nhọc nhằn đầy chông gai và thử thách này.