Vượt qua khó khăn vì tình thương dành cho trẻ nhỏ

GN - Như bài trước đã thông tin, giáo dục mầm non (GDMN) đã được Nhà nước ra chủ trương rõ ràng, khuyến khích, tạo cơ hội cho giới Phật giáo, đặc biệt là Ni trẻ tham gia giáo dục lứa tuổi mầm non, mẫu giáo theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên đi sâu vào tìm hiểu những cơ sở GDMN Phật giáo đang hiện diện và những trăn trở từ chư tôn đức, cho thấy để thành lập và duy trì được một trường/lớp mầm non không phải dễ. Thực tế, đã có nhiều cơ sở GDMN của Phật giáo đang âm thầm giáo dưỡng con em các gia đình khó khăn, con em dân tộc vùng sâu vùng xa...

>>> Mở thêm nhiều cánh cửa cho GDMN Phật giáo

Giải quyết bài toán quá tải ở các cơ sở mầm non

Theo khảo sát của Ủy ban MTTQVN TP.HCM, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có 144 cơ sở GDMN do các tôn giáo phụ trách, trong đó có 86 trường, 58 điểm nhóm (đều có đăng ký với Phòng Giáo dục của 21 quận huyện). Các trường/lớp này có 141 cơ sở mầm non do Thiên Chúa giáo phụ trách và chỉ có 3 cơ sở do Phật giáo phụ trách, với 920 lớp, thu hút 37,628 cháu theo học.

Các cơ sở mầm non của tôn giáo chủ yếu đều nằm trong khuôn viên bên cạnh hoặc trong khuôn viên chùa, nhà thờ. Các cơ sở mầm non tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng đều thực hiện theo chương trình GDMN của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo sự hướng dẫn trực tiếp của Phòng Giáo dục & Đào tạo quận, huyện.

Maugiao (4).JPG

Các cháu Trường mầm non Quảng Tế, TP.Huế dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đạo tạo

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của GDMN tôn giáo chính là chưa được hưởng chính sách xã hội hóa giáo dục của Nhà nước về hỗ trợ quỹ đất, vốn… Mặc dù vừa qua, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã ra hàng loạt chính sách hỗ trợ cho GDMN công lập và ngoài công lập. Theo đó, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng các trường mầm non. Đồng thời sẽ mở rộng đối tượng cho vay vốn kích cầu đầu tư mới xây dựng trường mầm non với mức ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất, điều chỉnh thời gian trả vốn vay để hỗ trợ các đơn vị đầu tư.

Đây chính là cơ hội mới để cơ sở mầm non Phật giáo được vay vốn hoặc quỹ đất đầu tư bên ngoài khuôn viên tự viện đa số chật hẹp, có thể tại một khu công nghiệp, hoặc trong khu dân cư để phát triển các cơ sở mầm non. Đây cũng là lời giải cho bài toán khó, giải quyết vấn đề quá tải của các cơ sở GDMN Phật giáo đang hiện diện tại TP.HCM cũng là cơ hội mới cho Ni giới trong việc thành lập các cơ sở mầm non mới không phụ thuộc vào khuôn viên hạn hẹp của một ngôi chùa.

Theo khảo sát riêng của người viết, hiện nay, 2 cơ sở mầm non Phật giáo hiện nay tại TP.HCM: Trường Dân lập Mẫu giáo Họa Mi I (chùa Giác Tâm, quận Phú Nhuận); Trường Mầm non Tư thục Kiều Đàm (chùa Phước Long, quận 9) đều trong tình trạng quá tải vì cơ sở vật chất của trường chưa đáp ứng được nhu cầu học rất lớn của phụ huynh, Phật tử đưa con đến học.

Chẳng hạn như, Trường Dân lập Mẫu giáo Họa Mi I, ngay từ những ngày đầu năm học mới, trường đã giới hạn nhận các bé, chỉ nhận các bé từ 3 tuổi đến 5 tuổi với số lượng giới hạn, còn các cháu từ 3 tuổi trở xuống 6 tháng tuổi, trường không nhận vì đã dư lượng bé trong mỗi lớp. Trong khi đó, các trường công lập, tư thục bên ngoài đều có thể nhận trẻ từ 6 tháng tuổi đến 5 tuổi vì cơ sở diện tích rộng hơn.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDMN Phật giáo đều phải dành một số chỉ tiêu, hỗ trợ tiền học phí, tiếp nhận các cháu con của công nhân, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường, duy trì niềm vui của trẻ.

NT.Thích nữ Huệ Từ, Chủ trường Dân lập Mẫu giáo Họa Mi I cho biết, để giải quyết được bài toán quá tải của trường là nhận hạn chế số trẻ hoặc phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, tức là mở rộng thêm diện tích trường/lớp. Với những cơ sở GDMN Phật giáo nằm trong cơ sở tự viện thì điều này không thể thực hiện bởi chùa cũng có diện tích đất hạn hẹp. Điều này, còn trông chờ vào các tự viện khác đầu tư mới cơ sở GDMN Phật giáo nằm ngoài tự viện với quỹ đất lớn hơn và như vậy thì vốn đầu tư cũng sẽ rất lớn, mới đáp ứng được nhu cầu cho phụ huynh, con em Phật tử trong một phường sở tại hoặc rộng hơn trong một quận.

Nhiều lớp, điểm GDMN Phật giáo âm thầm phục vụ

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó ban Tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQVN, nhiều cơ sở GDMN được thành lập từ sự đóng góp, hiến đất của các nhà hảo tâm, nhờ sự vận động của các vị chức sắc, nhà tu hành tôn giáo đã tạo điều kiện cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đến trường như: Trường Mầm non Từ thiện bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm (TP.Mỹ Tho, Tiền Giang); Trường Mẫu giáo Họa Mi (H.Châu Phú, An Giang); Trường Mầm non Quảng Tế (TP.Huế, Thừa Thiên Huế)… Đó là khó khăn chung của các cơ sở GDMN về quỹ đất, cơ sở vật chất.

Maugiao (14).JPG

NT.Thích nữ Như Minh tặng quà cho các cháu mẫu giáo ở TP.Huế - Ảnh: CTV

Trường Mầm non Từ thiện bán trú miễn phí Tịnh Nghiêm (xã Mỹ Phong, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) cũng gặp vô vàn khó khăn. Từ quy mô nhỏ, trường phải vận động xin thêm đất, nguồn tài trợ để hoàn thiện cơ sở vật chất khang trang hơn. Hiện nay, cơ sở vật chất tại trường mới ổn định, với 222 cháu gồm 7 nhóm lớp, các cháu đều là con nhà nghèo, con của công nhân được trường nhận vào học với hình thức bán trú và hoàn toàn miễn phí.

NS.Thích nữ Tịnh Nghiêm, Chủ trường cho biết, chi phí mỗi tháng của trường có lúc lên đến 100 triệu đồng, nếu không nhờ vào sự giúp sức của các nhà hảo tâm, nhà chùa làm kinh tế từ quán chay thì trường thật sự rơi vào khó khăn. Nếu như không đủ tâm huyết, tình yêu thương trẻ, tinh thần phục vụ vì lợi ích chung thì thật khó để duy trì trường một cách lâu dài.

Theo Ủy ban MTTQVN Thừa Thiên Huế, tại Huế có 22 cơ sở GDMN tôn giáo theo chương trình của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì chỉ có 6 cơ sở GDMN của Phật giáo, còn lại của Thiên Chúa giáo. Ngay cả ở Thừa Thiên Huế, nơi được lãnh đạo BTS GHPGVN tỉnh rất ủng hộ cho chương trình GDMN Phật giáo và là thế mạnh của Phật giáo Thừa Thiên Huế thì cũng có những khó khăn riêng. Chẳng hạn như việc các sư cô - cô giáo mầm non trực tiếp đứng lớp chưa được mọi người chấp nhận, mà chủ yếu các sư cô chỉ làm công tác quản lý chuyên môn.

Bên cạnh các cơ sở GDMN Phật giáo được cấp phép, dạy theo chương trình của Bộ GD & ĐT thì ở Huế đang tồn tại một mô hình giáo dục mẫu giáo tình thương. Theo NT.Thích nữ Như Minh, Trưởng ban TTXH GHPGVN tỉnh Thừa Thiên Huế, hệ thống trường mẫu giáo, nhóm lớp theo chương trình của Bộ GD & ĐT và mẫu giáo tình thương tại huyện Phú Lộc, Phú Vang, Hương Thủy, TP.Huế do chư Ni điều hành có 175 lớp với 5.282 cháu (theo số liệu thống kê 2013).

Đa phần các lớp, điểm mẫu giáo này còn rất nhiều khó khăn trong việc nuôi dạy, nguồn giáo viên để duy trì ổn định lớp. Để duy trì sự ổn định cho các cơ sở, ngoài các sư cô làm công tác quản lý chuyên môn, trường phải mời thêm cô giáo vì nhà trường còn thiếu giáo viên cơ hữu.

Đa số lớp, điểm mầm non ở vùng sâu, vùng xa âm thầm phục vụ, thu nhận các cháu con em của gia đình lao động nghèo, các cháu người dân tộc nghèo với hình thức giữ trẻ bán trú và hoàn toàn miễn phí. Các điểm, lớp này cũng đang có những khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên để ổn định lớp và các lớp đều trong tình trạng quá tải vì lượng cháu đông ở mỗi lớp.

Để các nhóm, lớp mẫu giáo này phát triển và được hợp thức hóa, có đầy đủ pháp lý, được đầu tư thêm cơ sở vật chất, nâng lên thành trường mầm non thì cần nhiều sự giúp đỡ của Phòng GD & ĐT, các cơ quan hữu quan tại địa phương, các nhà tài trợ để Phật giáo ở Thừa Thiên Huế tham gia xã hội hóa giáo dục một cách đồng bộ. 

Các giải pháp trong thời gian tới nhằm giúp đỡ các cơ sở GDMN, theo ông Lê Bá Trình, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác xã hội hóa giáo dục, phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia phát triển GDMN, nhất là ở các khu công nghiệp, khu đông dân cư. Trong đó cần: “Đẩy mạnh phối hợp giữa Ủy ban MTTQVN với cơ quan quản lý giáo dục và ban, ngành, đoàn thể các cấp trong việc giám sát, kiểm tra, giúp đỡ các tôn giáo tham gia phát triển GDMN. Ủy ban MTTQVN và ngành GD & ĐT có kế hoạch tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm của những cơ sở GDMN tôn giáo điển hình, phát huy nguồn lực của các tôn giáo, tiếp tục nhân rộng mô hình để góp phần phát triển GDMN”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

Giáo hội khuyến khích Phật tử TP.HCM treo cờ đèn, thiết trí lễ đài Phật đản tại tư gia

GNO - Hòa thượng Trưởng ban Trị sự nhận định Đại lễ Phật đản là sự kiện thiêng liêng của người con Phật khắp nơi trên thế giới. Do đó, Hòa thượng thay mặt Giáo hội TP.HCM kêu gọi và khuyến khích Phật tử thiết trí vườn Lâm-tỳ-ni, trang trí cờ hoa kính mừng Phật đản tại tư gia, khu phố… mừng ngày Khánh đản Đức Thế Tôn.

Thông tin hàng ngày