Vượt thoát trầm luân

Giác Ngộ - Tây phương có chữ “Religion”, có nghĩa là tôn giáo và ở Đông phương thì có chữ “Đạo” nghĩa là con đường, con đường đưa tới sự giải thoát, chấm dứt khổ đau. Chúng ta có thể giới thiệu về đạo Bụt như là một con đường hơn là một tôn giáo.

Người giảng dạy đạo Bụt, theo nguyên tắc phải là một người đã biết đường. Nếu mình không biết đường thì làm sao mình chỉ đường cho người khác được? Người giảng dạy đạo Bụt không phải là một giáo sư triết học, trao truyền những kiến thức Phật học. 

xizang.jpg

Ảnh minh họa

Pháp sư - người giảng dạy đạo Bụt phải là một người đã có con đường, đang đi trên con đường đó và người ấy phải thành tựu một phần nào đó trên đường đi của mình thì mới có khả năng chỉ đường cho người khác. Và vị ấy phải căn cứ trên kinh nghiệm của chính mình để hướng dẫn, chỉ bày cho người khác.

Cách đây 25 năm, có một người Anh tới Làng, vị này học Bụt cũng nhiều và có ý muốn trở thành một vị giáo thọ. Ông ta mới hỏi tôi: “Bạch thầy, chừng nào thì mình biết là mình có thể trở thành một vị giáo thọ?”. Tôi nhìn ông ta và nói: “Khi nào anh có hạnh phúc”

Nếu mình không có hạnh phúc thì mình không thể làm giáo thọ được, vì mình không có gì để hiến tặng cho người khác hết. Hạnh phúc này là hạnh phúc đạt được do sự tu tập đem lại. Khi nào mình thực tập và giải tỏa được những khổ đau, khó khăn của chính mình, mình có thể mỉm cười, hạnh phúc được thì lúc đó mình biết là mình có thể giúp đời, có thể đưa đường chỉ lối cho người khác.

Làm giáo thọ tức là bản thân phải có một mức độ hạnh phúc làm hành trang, vốn liếng. Vì vậy, nếu một người mà không có hạnh phúc thì dầu kiến thức Phật học có bao nhiêu đi nữa cũng không thể nào gọi là một vị giáo thọ. Cho nên hạnh phúc chính là nền tảng.

Con đường của đạo Bụt là con đường giúp chúng ta dừng lại, chấm dứt được sự chìm đắm và trôi lăn trong biển khổ. Những cái gì mình học, đem ra thực tập phải có tác dụng giúp mình dừng lại sự chìm đắm và trôi lăn đó. 

Chìm đắm tức là Trầm, mà trôi lăn là Luân. Trầm là chìm xuống, chìm sâu trong biển khổ. Khổ ví như là một cái biển, cho nên chúng ta hay có danh từ biển khổ. Nếu mình không khéo léo thì mình chìm xuống đáy biển và không trồi lên được. Cho nên chúng ta học và thực tập để làm sao đừng bị chìm xuống, mà nếu lỡ có bị chìm thì phải biết cách nổi lên trở lại. 

Và người dạy cho mình, người ấy phải nổi, người ấy mà cũng chìm thì làm sao giúp cho mình nổi lên được?

Ở Việt Nam có cửa biển rất rộng, gọi là cửa biển Thần Phù tại miền Trung. Ở đó, nếu những người chèo thuyền không khéo thì thuyền của họ sẽ bị chìm, cho nên mới có câu ca dao rất nổi tiếng là:

Lênh đênh trên biển Thần Phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

Chữ “Luân” có nghĩa lăn, là quay tròn, lăn mà không ngừng lại được, gọi là trôi lăn. Trầm là chìm, luân là trôi lăn. Nếu cố ý lăn theo để cứu độ người thì lại khác, nhưng đây là mình bị cuốn theo, bị trôi lăn trong cuộc đời. Một mặt thì là chìm, chìm nghỉm, một mặt thì là trôi, trôi lăn long lóc, đó là ý nghĩa hai chữ “Trầm luân”.

Chữ “Phù” này có nghĩa là nổi, phù vân là mây nổi. Tất cả đều là tu hết, nhưng mà có người tu khéo và người tu không khéo. Người tu khéo thì nổi, người tu vụng thì chìm chứ không phải hễ tu là được. Phải tu cho khéo. Vì vậy cho nên tu là một nghệ thuật, tu không phải là lao tác mệt nhọc.

Có những người bơi giỏi họ muốn chìm xuống để họ kiếm cái gì dưới đáy, cái đó gọi là lặn. Lúc ấy là vì họ muốn và họ có khả năng, họ hoàn toàn tự chủ được, muốn nổi thì nổi, muốn chìm thì chìm.

Những người tu thành công cũng vậy, nhiều khi phải chìm xuống để vớt người khác rồi đưa người ấy cùng nổi lên. Người tu phải học được nghệ thuật đó, đôi khi mình cũng phải chìm với người ta. Nhưng đây là mình cố ý muốn chìm để giúp đời chứ không phải là mình bị chìm. 

Trong một ngày mình có thể chìm nhiều lần. Ai trong chúng ta cũng đã có kinh nghiệm đó rồi. Có ngày chúng ta chìm hai ba lần, chìm sâu xuống, rất là khổ sở và tu tập là để nổi lên trở lại.

Có những phương pháp mà Bụt trao truyền, nếu nắm được thì mình nổi lên dễ dàng. Trong bài tựa của Thiền sư Tăng Hội viết cho kinh An Ban Thủ Ý, ngay câu đầu Tổ đã nói: “An ban là Đại thừa của các vị Bụt, dùng để cứu độ chúng sinh đang lênh đênh chìm nổi”. Ngài biết là chúng sanh phần lớn chìm rồi nổi, nổi rồi chìm, rồi chìm nữa, rồi nổi nữa. Vì vậy, “an ban” tức là phương pháp thở, là một trong những phương pháp rất hay để giúp cho khi bị chìm xuống thì mình có thể nổi lên trở lại được. Và nếu học, nắm được phương pháp thở thì khi bị chìm xuống, mình có thể nổi lên trở lại. 

Hoặc là khi mình đang nổi mà không muốn bị chìm thì phải nắm lấy “an ban” để thực tập thì sẽ không chìm. Cho nên kinh An Ban Thủ Ý là một trong những kinh rất quý, là phương pháp thở trong chánh niệm giúp mình nắm vững tay chèo để đừng có chìm xuống. Nhiều lúc mình chìm xuống quá sâu và mình có cảm tưởng rằng không bao giờ có thể nổi lên lại được. Lúc đó, nếu mình có “An Ban Thủ Ý” ở trong lòng, lôi ra thực tập thì sẽ nổi lên lại được. Cho nên tới chùa thì phải học cho được những bí quyết, những pháp môn, nắm cho vững để gặp những lúc chìm xuống thì tự biết cách để mà đạp một cái là nổi lên trở lại.

Chữ “Luân” có nghĩa lăn, là quay tròn, lăn mà không ngừng lại được, gọi là trôi lăn. Trầm là chìm, luân là trôi lăn. Nếu cố ý lăn theo để cứu độ người thì lại khác, nhưng đây là mình bị cuốn theo, bị trôi lăn trong cuộc đời. Một mặt thì là chìm, chìm nghỉm, một mặt thì là trôi, trôi lăn long lóc, đó là ý nghĩa hai chữ “Trầm luân”.

Trầm luân đó còn nói về cái tâm. Khổ là do cái tâm của mình cứ chìm đắm và trôi lăn. Khi chìm, nếu biết phương pháp thở thì mình sẽ nổi lên lại được, khi lăn mà biết phương pháp thở thì sẽ dừng lại được sự trôi lăn. 

ke-tinh1.jpg

Bụt là bậc giải thoát, dẫn người ra cõi mê - Ảnh minh họa

Trong một ngày mình có thể chìm nhiều lần, có thể lăn nhiều lần, nếu nhìn cho kỹ thì sẽ thấy được nguyên nhân từ đâu mà mình bị chìm. Chìm là tại vì có một sức mạnh nào đó nhấn mình xuống, đó chính là tập khí, đôi khi chỉ nghe một điều gì, hay thấy một điều gì thôi tự nhiên mình không làm chủ được nữa, lại không có phương pháp để tự vệ nên mình chìm nghỉm luôn. Bởi vì cái mà mình nghe hay thấy ấy, đã đánh động vào thói quen, tập khí, khổ đau trong mình. Do mình không có pháp thuật, không có pháp lực, nên dễ dàng bị chúng kéo đi dù không muốn chút nào. 

Nếu có một phương pháp thực tập thì khi bị những âm thanh, hình ảnh kéo đi mình liền rút pháp môn ra áp dụng thì sóng gió không thể nhấn chìm được. Người Phật tử tới chùa phải thực tập và phải nắm cho được điều ấy.

Đó là nói về chuyện chìm, còn về chuyện lăn. Không phải là tự nhiên mình lăn mà phải có một động lực nào đó kéo mình lăn. Và cũng như trong trường hợp chìm, nếu mình lăn là do mình thấy một điều gì hay nghe một điều gì và cái thấy cái nghe đó nó đánh động vào năng lượng tập khí ở trong mình tự nhiên mình lăn không ngừng lại được, cứ lăn long lóc trong ba cõi. Khi ấy, nếu tới chùa học được một vài pháp môn, một vài bí quyết thì trong những lúc trôi lăn như vậy mình lôi bí quyết đó ra sử dụng thì mình chấm dứt được sự trôi lăn. 

Cho nên khi tới chùa gặp các thầy, các sư cô phải hỏi cho được, phải học cho được những phương pháp đó. Và nếu thầy hay sư cô là những người đã từng chìm đắm, đã từng lăn lóc và đã tìm ra được phương pháp để dừng lại, để nổi lên thì thầy và sư cô đó đúng là một vị pháp sư có thể chỉ cho mình những phương pháp để đừng chìm đắm và đừng lăn lóc.

Nếu mình là một vị cư sĩ mà thực tập giỏi thì mình cũng có thể làm pháp sư được. Khi nhìn lại sự chìm đắm và trôi lăn của mình và tìm ra cách vượt thoát thì mình cũng có thể giúp được cho những người khác. 

Chúng ta có những vị giáo thọ cư sĩ, những vị ấy cũng có thể làm được những việc mà các vị giáo thọ xuất gia đang làm. Vì vậy cho nên mình tới trung tâm tu học thì phải tới với một quyết tâm, không phải tới để đi nghỉ mát bảy ngày hay là mười bốn ngày. Phải tới với một quyết tâm nắm bằng được một pháp môn nào đó. Đừng có về tay không. Đó là tư lương, vốn liếng, là phương tiện để giữ cho mình đừng có chìm và đừng có trôi

Tại cái chuyện chìm và cái chuyện trôi đó xảy ra hàng ngày, nó xảy ra nhiều lần, có khi nó xảy ra luôn hai mươi bốn tiếng đồng hồ trong một ngày và làm cho người đó rất đau khổ rồi làm khổ những người khác.

(Còn tiếp một kỳ)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh, Ninh Bình ngập sâu trong nước

Ninh Bình: Chùa Thôn Năm ngập sâu trong nước

GNO - Ngày 12-9, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình, H.Yên Khánh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu đồng và các nhu yếu phẩm đến chư Tăng chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh - quê hương của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Đệ tam Pháp chủ, đang bị ngập sâu trong nước.

Thông tin hàng ngày