Wat Phra Kaew (chùa Phật Ngọc)

NSGN - Wat Phra Kaew, hay chùa Phật Ngọc (Temple of the Emerald Buddha), là một ngôi chùa của Hoàng gia Thái. Nó là một phần trong quần thể Grand Palace rộng đến 94,5 héc-ta. Wat Phra Kaew là một địa danh đặc biệt của người Thái, và cũng là một nơi cần viếng thăm đối với du khách khi đến Bangkok, Thái Lan.
chua phat ngoc 2.jpg
Chùa Phật Ngọc

Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1782 dưới triều vua Rama I để thờ bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo. Ngôi chùa mang tên Phật Ngọc là được đặt theo bức tượng Phật này. Bức tượng này, theo truyền thuyết, được cho là có xuất xứ từ Ấn Độ và được tạc 500 năm sau Đức Phật Niết-bàn. Tuy nhiên, lại có thuyết cho rằng bức tượng có xuất xứ từ Campuchia và có niên đại vào thế kỷ XV TL, sau đó bức tượng được đưa đến Vientiane, Lào vào thế kỷ XVI, và được đưa đến Thái vào thế kỷ XVIII. Cũng có người cho rằng bức tượng có nguồn gốc từ Sri Lanka. Tuy nhiên những sử gia về nghệ thuật Thái Lan thì khẳng định rằng bức tượng này được tạc tại chính Thái Lan.

Bức tượng tuy không lớn, nhưng được xem là linh vật và có ý nghĩa rất to lớn đối với người Thái. Người Thái tin rằng bức tượng là vật bảo hộ nền độc lập của Thái Lan, bảo vệ người dân Thái, đem an lành và sự thịnh vượng đến cho họ. Và ngoại trừ vua Thái, không có người nào được phép đụng vào bức tượng. Và nhà vua sẽ thay y cho bức tượng ba lần trong một năm, vào các mùa hè, đông và mùa mưa, và có những nghi lễ đặc biệt để thực hiện điều này.

Kiến trúc của Wat Phra Kaew thuộc phong cách Rattanakosin, kiểu kiến trúc cổ của Bangkok. Ngôi chánh điện chính không quá lớn, nhưng với màu sắc, hình thể và nằm giữa một tổng thể kiến trúc với nhiều bảo tháp và đền đài khác, đã khiến cho nó trở thành một quần thể rất đặc biệt. Tượng Phật ngọc là bức tượng thờ chính của ngôi chùa này, được tôn trí trên một bệ thờ cao được làm tinh xảo. Quanh những vách tường bên trong ngôi chùa là những bích họa mô tả những câu chuyện tiền thân. Ở những ngôi chùa Thái Lan, việc mô tả cuộc đời của Đức Phật hay những câu chuyện tiền thân lên tường chùa là một cách thức chung. Ở mặt đối diện với điện thờ là một bích họa lớn, vẽ cảnh Đức Phật đang hàng phục ma vương, trước khi Ngài giác ngộ.

Gần Wat Phra Kaew là hai thư viện, được xây dựng để lưu trữ kinh sách. Thư viện Phra Mondop với kiến trúc theo phong cách Thái Lan, rất ấn tượng, nhưng đáng tiếc là nó hầu như đóng cửa. Ở đây có lưu trữ bộ Tam tạng kinh điển cổ của Phật giáo.

Trong quần thể này cũng có một ngôi tháp bằng vàng có tên gọi là Phra Si Rattana Chedi, mà nó được nói là đang lưu giữ tro cốt của Phật.

Gần đó là Royal Pantheon, ở đó trưng bày tượng của bảy vị vua đầu tiên của triều đại Chakri (Rama I - Rama VII). Tuy nhiên tòa cung điện này chỉ mở cửa vào ngày 6 tháng Tư, là ngày kỷ niệm hình thành vương triều này. Xung quanh tòa lâu đài này là tượng những vị thần hộ pháp, chẳng hạn như Kinaree, vị thần nửa người nửa chim và chim thần Garuda. Motif trang trí này thường nhìn thấy ở những ngôi chùa Thái Lan.

Trong quần thể này cũng có một Angkor Wat thu nhỏ, được thực hiện dưới triều đại vua Mongkut và hoàn thành dưới triều vua Nangklao (Rama III). Thái Lan đã từng thôn tính Campuchia mấy trăm năm, và chỉ rút khỏi đó khi Campuchia trở thành thuộc địa của Pháp. Tòa Angkor Wat thu nhỏ này được cho là vật kỷ niệm của vua Mongkut, gợi nhắc về một thời kỳ quyền uy của các vị vua Thái, khi họ thống trị lân bang của họ.

Wat Phra Kaew là ngôi chùa duy nhất ở Thái Lan không có chư Tăng cư trú. Bởi tại ở đây chỉ có chánh điện thờ Phật, mà không có khu Tăng đường.

Wat Phra Kaew tọa lạc tại trung tâm thủ đô Bangkok, trên đường Na Phra Lan, thuộc quận Phra Nakhon. Có những chuyến xe bus hàng ngày đi qua hầu hết mọi khách sạn ở Bangkok để đưa đón người viếng thăm Wat Phra Kaew. Để viếng ngôi chùa này, đối với nam giới bắt buộc phải mang quần dài và áo sơ-mi, với nữ giới thì phải mang váy dài. Còn nếu đã đến đó mà ăn mặc không đúng cách, thì có thể thuê quần áo tại đây để vào viếng thăm. Và tất nhiên, cũng như tất cả những ngôi chùa khác ở Thái, mọi người không được mang giày dép vào bên trong. Ngôi chùa này mở cửa từ 8:30 - 12:00 và 13:00 - 15:30 mỗi ngày. Vé vào cửa là 400 baht, và vé này cũng bao gồm cho việc thăm viếng một vài địa điểm khác.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày