Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định có khả năng khoảng 10% dân số thế giới đã mắc Covid-19, nhiều hơn so với con số được công bố.
Tính đến ngày 6-10, thế giới ghi nhận hơn 35 triệu người nhiễm nCoV và hơn một triệu bệnh nhân tử vong, theo dữ liệu của Đại học John Hopkins. Song, với ước tính của WHO, khoảng hơn 780 triệu người đã mắc Covid-19, gấp 20 lần con số chính thức.
Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp Michael Ryan đã cảnh báo điều này trong cuộc họp hôm 5-10 của ban điều hành. Ông nhấn mạnh mức độ lây nhiễm giữa các nhóm độ tuổi, giữa thành thị và nông thôn, rất khác nhau. "Điều này cho thấy phần lớn thế giới vẫn gặp rủi ro", ông phát biểu.
Các chuyên gia liên tục nhận định số ca dương tính với nCoV được xác nhận thấp hơn nhiều so với thực tế. Hồi tháng 3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cho rằng lục địa này đã đánh giá thấp virus. Số ca nhiễm đang gia tăng đáng kể ở Ấn Độ. Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 40.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Ông Ryan cho biết Covid-19 sẽ tiếp tục phát triển, có thể bùng phát ở một số khu vực và suy yếu ở những nơi khác. Song đây hoàn toàn không phải vấn đề may rủi. Ông cho rằng kịch bản Covid-19 trong tương lai phần nhiều phụ thuộc vào hành vi của tập thể.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng khẳng định đại dịch là lời cảnh tỉnh đối với nhân loại. "Tất cả chúng ta phải nhìn vào gương và tự hỏi mình có thể làm gì tốt hơn", ông nói.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong buổi họp ngày 5-10, tại Thụy Sĩ - Ảnh: AP
Phản bác lại những lời chỉ trích về động thái ứng phó đại dịch, người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết họ đã làm việc "suốt ngày đêm để hỗ trợ các nước chuẩn bị ứng phó với loại virus mới".
Ông Tedros tin tưởng vào quá trình cải cách tổ chức trong suốt ba năm qua, nhưng thừa nhận cần đẩy nhanh các tiến độ. "Chúng tôi không đi sai đường. Chúng tôi đang làm đúng, nhưng cần phải nhanh hơn", ông khẳng định.
Ban điều hành WHO, bao gồm đại diện từ 34 quốc gia được bầu ở nhiệm kỳ ba năm, sẽ nhóm họp trong tuần này cho phiên thảo luận lần thứ 5. Mục tiêu là đánh giá phản ứng của tổ chức một cách khách quan, độc lập và toàn diện. Tedros khuyến khích các quốc gia đưa ra ý tưởng mới, nhấn mạnh thế giới cần cởi mở hơn để thay đổi.
Thục Linh (theo AFP)
Việt Nam: 33 ngày không lây nhiễm nCoV cộng đồng
Sáng nay, 6-10, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, 33 ngày không lây nhiễm cộng đồng. Tổng số ca nhiễm 1.097.
24 giờ qua thêm một ca nhiễm là chuyên gia Pháp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, hai người khỏi. Tổng số nhiễm lên 1.097, số khỏi 1.022. Số người tử vong do Covid-19 là 35, bốn người tử vong sau ba đến bốn lần xét nghiệm âm tính. Các bệnh nhân còn lại đang điều trị tại 9 cơ sở y tế đa số sức khỏe ổn định, trong đó hai người xét nghiệm âm tính nCoV lần một, hai người âm tính lần hai và sáu người âm tính lần ba. Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 691 ca Covid-19 do lây nhiễm trong nước, số còn lại là người nhập cảnh. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là hơn 14.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện hơn 200; cách ly tập trung hơn 11.000, còn lại ở nhà, nơi lưu trú. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương chuẩn bị tinh thần Covid-19 còn kéo dài sang năm 2021 như dự báo của WHO và các tổ chức quốc tế. Phó giáo sư Trần Như Dương, Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng việc truy vết các trường hợp F1 ngay khi phát hiện ca bệnh là yếu tố then chốt, quyết định, với nguyên tắc truy vết là phải "thần tốc và triệt để". Khi truy vết được F1, đơn vị có thẩm quyền phải nhanh chóng đưa họ ra khỏi cộng đồng, không được cho tự cách ly tại nhà. Khi xuất hiện các điểm nóng dịch tễ, ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát, các địa phương phải khoanh vùng, cách ly toàn bộ, dập dịch triệt để ở bên trong để ngăn chặn không cho lan rộng trong cộng đồng và không để lây lan sang nơi khác. Trong đợt chống dịch vừa qua tại miền Trung, chỉ trong thời gian ngắn, chính quyền đã thành lập hàng nghìn tổ phòng chống Covid-19 trong cộng đồng, huy động gần 30.000 người trực tiếp tham gia. Bộ Y tế cảnh báo nguy cơ dịch bệnh luôn hiện diện khi mở cửa dần các đường bay quốc tế, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác phòng dịch theo thông điệp 5K: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế. Lê Nga |
Nguồn: VnExpress