Xin đừng nhân danh ngàn năm

Xin đừng nhân danh ngàn năm

Khởi động từ năm 2000, việc hướng về Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã có hàng loạt các ý tưởng ý nghĩa. Ví dụ như các nơi thi đua thực hiện các công trình hướng về Đại lễ, những cuộc thi sáng tạo, tri thức văn hóa do các cơ quan truyền thông tổ chức… là những cách để cho mọi người cùng hướng về ngày hội non sông này. Hân hoan, chờ đợi nhưng cũng không ít nỗi lo và chạnh buồn khi nghe đâu đó vẫn còn những kiểu "ăn theo" hoặc bệnh thành tích mang danh ngàn năm.

Dự án xây dựng 5 cổng chào ở Hà Nội với kinh phí 50 tỉ đồng (do các doanh nghiệp tài trợ) là một trong những công trình nhân danh ngàn năm bị nhiều người đề nghị dừng lại. Ngay trong cuộc họp của Hội đồng Nhân dân Hà Nội diễn ra vào ngày 13-7, hầu hết đại biểu đã đề xuất ý kiến ấy bởi nó mang tính phô trương, không hiệu quả lại tốn kém quá nhiều. Ý nghĩa gì khi mô hình cổng chào đến nay vẫn còn chưa được duyệt và mục đích xây dựng cũng chỉ là… thí điểm và rồi sau Đại lễ diễn ra vào tháng 10-2010 thì công trình có thể sẽ dỡ bỏ! Với dự án đó, không chỉ người dân thủ đô mới lên tiếng phản đối vì sự "chạy theo ngàn năm" ấy của Hà Nội.

Rồi hàng loạt các doanh nghiệp thì "ăn theo" cụm từ "1.000 năm Thăng Long - Hà Nội" bằng cách sản xuất ra những lễ vật dâng lên tổ tiên như vại bia 1.000 lít, gói thuốc 1.000 điếu. Nhiều người đã đặt câu hỏi: những doanh nghiệp ấy hưởng ứng sự kiện 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội kiểu đó khác gì khuyến khích dân ta… nhậu và hút thuốc (trong khi tệ nhậu đã và đang gây ra rất nhiều hệ lụy, còn hút thuốc được xem là hành vi vi phạm bị xử phạt nơi công cộng, đang bị cấm?). Những "ý tưởng" hưởng ứng ngàn năm kiểu đó vẫn được các cơ quan chức năng cho phép thực hiện đã để lại trong dư luận thêm một dấu chấm hỏi.

Thiết nghĩ, việc hướng về 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là làm sống dậy tinh thần tự tín dân tộc và lòng yêu nước, đồng thời góp phần quảng bá một đất nước Việt Nam có bề dày về lịch sử, văn hiến.

Làm sao để từ đây đến khi diễn ra Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và sau đó nữa không có những kiểu "ăn theo" mang tính quảng cáo hoặc chỉ đơn thuần là làm kinh tế thì cần phải có sự nhạy bén, sáng suốt của những cơ quan chịu trách nhiệm trong các hoạt động văn hóa, truyền thông. Để cho lịch sử ngàn năm và lòng tự hào về cha ông được xốc dậy trong lòng mỗi người Việt Nam không chỉ đơn thuần là hô hào với những khẩu hiệu suông và càng không cần những kiểu nhân danh ngàn năm để quảng cáo công ty, xí nghiệp hoặc thông qua, thực thi những dự án mang tính hình thức, tốn kém…

Nói như PGS.Trần Hữu Tá trong một bài trong mục Thời sự & Suy nghĩ của báo Tuổi Trẻ gần đây, chúng ta không nên tổ chức thật rầm rộ về hình thức, thiên nhiều về bề nổi như hiện nay, mà điều quan trọng hơn cả của vận hội lớn này là cần phải có một chiều sâu của Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày