Xoay quanh phim về Đại lão HT.Thích Trí Tịnh

“Tái hiện cuộc đời ngài là sự giáo dục nhân văn sâu sắc”

GN - Như Giác Ngộ online đã đưa tin, sáng 11-10 vừa qua, buổi họp báo ra mắt bộ phim điện ảnh Về phía mặt trời đã được tổ chức tại hội trường tòa soạn Báo Giác Ngộ (Q.3, TP. HCM), trong khuôn khổ chào mừng 35 năm thành lập GHPGVN.

Đây là bộ phim Phật giáo đầu tiên, tái hiện cuộc đời và hành trình đạo nghiệp của một vị cao tăng Việt Nam đã đóng góp nhiều thành tựu to lớn cho nền Phật giáo nước nhà - cố Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Đệ nhất Phó Pháp chủ, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, dịch giả của nhiều bộ kinh điển Phật giáo Đại thừa.

phim ht1.jpg


Poster phim Về phía mặt trời

Trò chuyện với PV Giác Ngộ, đạo diễn Điệp Văn nói về nhân duyên đã đưa anh đến với những giai thoại cuộc đời của Đại lão HT.Thích Trí Tịnh và quyết định thực hiện bộ phim dài 120 phút này:

phim ht2.jpg

Đạo diễn Điệp Văn

- Tôi là người may mắn khi bản thân trước đây từng được bắt tay thực hiện bộ phim tài liệu về Đại lão HT.Thích Minh Châu, một vị giáo phẩm cao cấp, nhà giáo dục lỗi lạc của Phật giáo. Sau đó, nhiều chùa có đề nghị tôi làm phim về cuộc đời các vị Hòa thượng lớn trong Giáo hội, trong đó có chùa Vạn Đức đã mời tôi làm bộ phim về Sư ông - Đại lão HT.Thích Trí Tịnh.

 Mới đầu, tôi dự định làm thể loại tài liệu như phim về HT.Thích Minh Châu, nhưng trong quá trình nghiên cứu lại phát hiện ngài không có một tư liệu nào cả thì làm sao làm phim tài liệu được. Tuy nhiên, khi được nghe những câu chuyện xoay quanh cuộc đời Hòa thượng, tôi bị cuốn hút ngay bởi trong mỗi giai thoại ấy, tôi nhận ra bài học cho chính mình và như có điều gì thôi thúc tôi chạm đến cánh cửa của tình thương, của lòng từ và nghị lực. Từ đây, tôi quyết định “liều mạng”, chuyển từ một thước phim tài liệu thành tác phẩm điện ảnh.

Với tôi, sự tái hiện cuộc đời Đại lão HT.Thích Trí Tịnh như một bài học nhân văn to lớn mà tôi muốn lan tỏa đến công chúng.

* Khi tái hiện cuộc đời của một vị cao tăng sống trong thời hiện đại, gần gũi với nhiều người như Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, điều gì anh thấy là khó khăn nhất?

- Có lẽ toàn bộ quá trình thực hiện đều là sự thử thách lớn với tất cả chúng tôi. Bởi không đơn giản là câu chuyện kể đời thường, mà đây là cuộc đời thật của một vị cao tăng Việt Nam trên con đường tìm đến Phật pháp của mình. Vì vậy, phải lột tả được phong thái, tâm tư và sự quyết tâm thoát tục của một vị xuất trần thượng sĩ, chứ không phải là những diễn biến tâm lý nhân vật ngoài đời.

Hòa thượng - cậu bé Bình thuở nhỏ là hình ảnh của lòng nhân từ, nhẫn nhục và can trường hiếm thấy ở trẻ thơ; Hòa thượng thời niên thiếu lại có khí chất vững vàng, kiên định và sự độ lượng. Việc tìm kiếm được diễn viên phù hợp theo đó cũng rất khó khăn. Nhưng như có nhân duyên lớn với nhau và được sự hộ trì của Hòa thượng, tôi tìm thấy họ - diễn viên nhí phụ trách vai cậu bé Bình - Hòa thượng lúc 10 tuổi và diễn viên đóng lúc ngài 25 tuổi, cả hai đều có ngoại hình rất giống cố HT.Thích Trí Tịnh. Đặc biệt hơn, diễn viên Thanh Long (Hòa thượng lúc 25 tuổi) lại có ngày tháng sinh trùng khớp với Sư ông khiến chúng tôi và cả quý thầy cố vấn cho phim rất bất ngờ.

* Như anh chia sẻ, hành trình về cuộc đời của HT.Thích Trí Tịnh là một sự giáo dục sâu sắc. Anh có thể cho biết rõ thêm...

- Đại lão HT.Thích Trí Tịnh có tấm lòng từ bi lúc còn là một cậu bé. Khi nhìn thấy những con vật thường có trong bữa cơm hàng ngày như cá, gà bị bắt và làm thịt, cậu bé Bình đã nảy sinh sự xót thương vô cùng và quyết định giải thoát chúng khỏi sự giết chóc, dù đổi lại chỉ toàn đòn roi, mắng nhiếc cho chính mình. Rồi thì không thể chứng kiến những chú chó, chim, thỏ cho đến con kiến nhỏ bé bị sát hại bởi bàn tay của người lớn, cậu lại tiếp tục con đường giải cứu cho chúng bằng một sự quyết tâm trước những hiểm nguy, đến lay động lòng người. Chính điều này sẽ giáo dục cho trẻ một sự từ bi, biết yêu thương muôn loài, để mỗi đứa trẻ ý thức được rằng mọi sự sống đều rất quý giá, từ đó chúng biết trân trọng mọi sinh linh tồn tại trên đời, bởi chỉ có tình thương mới là thứ duy nhất để chúng ta gắn kết với nhau. Đây là giá trị giáo dục cao nhất.

Đến giai đoạn thời niên thiếu của HT.Thích Trí Tịnh, qua hành trình ngài tầm sư học đạo và tu tập tại núi Cấm. Ngài mắc phải bệnh sốt rét khi đang trong quá trình dịch bộ kinh Pháp hoa, nhưng vẫn lập nguyện rằng, dù có chết thì chỉ cần dịch được bộ kinh cũng cam lòng. Cứ vậy, ngài quyết tâm dịch cho đến khi kết thúc mới gục xuống. May thay những người bạn đồng tu tìm thấy một vị thầy thuốc giúp ngài qua cơn bạo bệnh. Về sau, ngài luôn căn dặn những người đệ tử của mình rằng: “Khi đã nhận biết con đường mình đi là đúng đắn, vậy hãy kiên trì và nỗ lực vượt qua thử thách, không từ bỏ, để tiến về phía trước”. Điều này cho chúng ta thấy vì sao có những con người cũng rất đỗi bình thường như mình, nhưng họ lại quyết tìm đến giáo lý của chư Phật, để từ đây nhận ra sự vô thường của cuộc đời và có được niềm hạnh phúc chân thật cho mình.

Giai thoại về ngài như ánh đèn dìu dắt những người đã và đang bước đi trên con đường tu tập pháp Phật, tiếp thêm sức mạnh để họ quyết tâm vững bước hơn nữa. Và đây là điều khiến tôi tâm đắc nhất.

* Đây cũng là thông điệp anh mong muốn truyền tải vào bộ phim?

- Đúng vậy. Theo tôi, điện ảnh là một trong những công cụ truyền tải tốt nhất mọi thông điệp đến với con người. Để nói người ta đọc một quyển sách là điều khó, nhưng để làm một bộ phim cho hàng ngàn người xem lại là chuyện dễ dàng hơn. Và đối tượng người xem thể loại phim này mà tôi mong mỏi được đón nhận nhất là trẻ em. Trẻ con thì bảo chúng đọc sách, hay vào chùa tìm hiểu Phật pháp là điều khó lắm, trừ những gia đình nào có sẵn nền tảng Phật giáo rồi thì hướng chúng đi theo thôi, chứ cũng khó. Nhưng nếu đổi lại là một bộ phim, với đa dạng khung cảnh, muông thú, kịch tính, chúng sẽ dễ tiếp nhận hơn.

Thông qua trải nghiệm về cuộc đời của Đại lão Hòa thượng, tôi tin rằng, có thể có những người không phải là người Phật tử, không tôn giáo, hay thuộc tôn giáo khác, cũng sẽ đều thấy được những hành động của ngài là vô cùng cần thiết cho thời đại này, thời đại mà người ta sẵn sàng chém giết nhau, chèn ép nhau và vô cảm với nhau. Lúc này, sự đau xót và liều mình vì một chú chim bị nhổ lông, đem đi nướng, hay chú chó bị nhấn nước đến chết của đứa trẻ 10 tuổi, sẽ làm lay chuyển trái tim của chúng ta, sẽ là sự giáo dục và chiêu cảm rất lớn đối với tất cả những tầng lớp, độ tuổi, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên.

* Như vậy, với những bài học giá trị được truyền tải từ giai thoại có thật của Đại lão HT.Thích Trí Tịnh, riêng bản thân anh đã có những thay đổi, hay lay chuyển nào không?

- Thật ra đến nay tôi vẫn chưa hết xúc động vì loạt hành trình tìm hiểu và được lắng nghe những câu chuyện về ngài. Tôi bắt đầu những bước đi đầu tiên tìm hiểu về Phật giáo cách đây cũng lâu rồi. Tuy không thấu đạt được nhiều như quý Tăng Ni, Phật tử khác, nhưng tôi ngộ ra một điều đơn giản rằng, sống trong giáo lý của chư Phật, tôi thanh thản hơn, bớt sân si đi và cuộc sống nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Con người của tôi trước đây đầy tham vọng, hung hăng và bốc đồng, nhưng giờ đây dường như mất hẳn, tôi hiền hòa và vui vẻ rất nhiều.

Đặc biệt là sau khi có duyên được nghe, nhìn và biết về HT.Thích Trí Tịnh, một vị đại dịch giả Hán tạng của Phật giáo nước nhà, càng khiến tôi ngưỡng phục. Làm sao từ một cậu bé ở vùng quê nghèo nàn, mồ côi, cơ cực đến tận cùng của xã hội lại chỉ nương nhờ vào tâm từ của mình và một lòng hướng về chư Phật, mà thành tựu và công đức sâu rộng đến vậy. Từ cuộc đời ngài, tôi soi rọi lại cuộc đời tôi và tôi biết mình cần yêu thương chúng sinh thế nào, cần buông bỏ những gì ra sao. Và tôi sẽ còn mong muốn làm nhiều hơn nữa để lan tỏa những điều quý báu này đến được với tất cả mọi người.

Không chỉ riêng tôi, mà cả đoàn làm phim hầu như ai ai cũng có một sự thay đổi kỳ diệu. Đối với hai diễn viên chính, dù không phải là diễn viên chuyên nghiệp tại thời điểm đó, nhưng khi vào vai là Hòa thượng, họ khóc bằng chính giọt nước mắt xót thương trước thân phận của chúng sinh. Như bé Thuận Hưng đóng vai Hòa thượng lúc 10 tuổi, có cảnh dù đã đóng máy, bé vẫn khóc rất nhiều. Đoàn hỏi thì con nói: “Con thấy tội mấy bạn thú này lắm, con ước mình bảo vệ được hết mọi thứ trên đời”.

Hay ngài lúc xuất gia do diễn viên Thanh Long thủ vai cũng vậy, em nói: “Không hiểu sao, lúc quỳ dưới tượng Phật và được quý thầy xuống tóc, em nghe tiếng mọi người niệm Phật phía sau mà lòng em xúc động như mình được đi tu thật. Tự nhiên thấy hạnh phúc lạ, rồi khóc thôi”. Cả đoàn lúc đó ai cũng cảm động. Và đặc biệt nữa, chúng tôi đều hoan hỷ ăn chay, niệm Phật suốt quá trình làm phim.

* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh.

Giao Hảo
thực hiện

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày