Xót xa bầy khỉ núi tật nguyền

GN - Mang những vết thương đau đớn trên thân mình, những chú khỉ núi ở Sơn Trà (Đà Nẵng) đang ngày ngày phải đối đầu với những bước chân con người lạnh lùng “xâm lấn” vào mái nhà của mình.

Những chiếc bẫy trong rừng

Từ lâu, hàng ngàn bức ảnh chụp chân thực và đầy tính nghệ thuật đã ra đời với mục đích ghi nhận, lột tả vẻ đẹp, sự giàu có của hệ động thực vật trên bán đảo Sơn Trà (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). Đây là khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo, được ví như mái nhà che chở cho các chủng loại linh trưởng đặc hữu như khỉ, voọc.

Bên cạnh đó, khu vực bán đảo Sơn Trà còn có gần 1.000 loài cây cùng hệ sinh thái biển đa dạng với hàng trăm hecta rạn san hô, hàng chục thảm rong biển, cỏ biển.

hinh XH 1051 (1).jpg

Khỉ vàng xuống núi chơi, nô đùa rất thân thiện

Trong các loài động vật sinh trưởng tại đây, khỉ vàng chiếm một số lượng khá đông đảo. Khác với loài voọc chà vá chân nâu đặc hữu của Sơn Trà vốn mang bản tính nhút nhát, khỉ vàng lại khá dạn người. Những năm gần đây, loài khỉ này xuất hiện nhiều ở khu vực rừng sau chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, nằm ở lưng chừng bán đảo.

Khỉ vàng là loài động vật rừng xếp vào diện nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30-3-2006 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Những năm gần đây, hoạt động sống của loài khỉ vàng trên bán đảo Sơn Trà đang bị ảnh hưởng khá nhiều. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đó là do con người vô tư cho khỉ ăn uống và đặt bẫy khỉ.

Việc được cho ăn thường xuyên khiến loài khỉ mất dần khả năng chủ động tìm kiếm thức ăn, dẫn đến suy giảm số lượng đàn, số lượng cá thể. Bên cạnh đó việc những con khỉ tìm kiếm những món ăn dơ bẩn, ôi thiu, đầy vi khuẩn thải ra những bãi rác trên bán đảo làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh của chúng. Các chuyên gia động vật, bảo vệ môi trường cũng đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng này.

Việc phát triển du lịch kéo theo lượng lớn du khách, cùng với đó là nạn săn bắt động vật hoang dã đang diễn ra âm thầm ở Sơn Trà. Vùng rừng núi Sơn Trà dù đã được kiểm soát gắt gao, nhưng vẫn không thể ngăn việc nhiều người mang một số loại bẫy tìm lên đây.

Rất nhiều du khách, nhiếp ảnh gia có mặt tại Sơn Trà để chụp ảnh voọc, ngắm cảnh đã phát hiện và thu gom hàng chục bẫy treo trong rừng. Những chiếc bẫy đó không chỉ để bắt chim mà còn bắt cả voọc và các loài thú khác.

Điển hình như hồi cuối năm 2019, Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn và đội tuần tra liên ngành mật phục, bắt quả tang 2 đối tượng xâm nhập trái phép vào rừng để bẫy động vật hoang dã tại khu vực vườn ươm Tiên Sa, thuộc Tiểu khu 62, Sơn Trà.

Ông Trần Thắng - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết: “Để bảo vệ đàn khỉ, tránh tình trạng săn bắt trái phép, cũng như ngăn chặn việc khỉ có thể tấn công người dân, hiện tại Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn khuyến cáo người dân không cho khỉ thức ăn; đồng thời Hạt đã lắp đặt các camera giám sát ở những vị trí khỉ thường xuyên xuất hiện; cử lực lượng liên tục tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi săn bắt khỉ trái phép”.

Vết thương nhói lòng

Những hình ảnh chụp vết thương của bầy khỉ núi bị dính bẫy được lan truyền liệu có làm người yêu Sơn Trà, yêu những loài linh trưởng này đau xót? Mới đây, đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông dùng súng cao su bắn vào bầy khỉ ở chùa Linh Ứng - Bãi Bụt đã gây nên làn sóng phản ứng dữ dội từ phía những người dân và du khách.

Những vết thương trên thân mình khiến bầy khỉ như hoang dại hẳn đi. Vết thương đó chẳng phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải do chúng tự gây ra mà xuất phát từ sự thiếu ý thức và vô cảm của con người.

hinh XH 1051 (2).jpg

Chú khỉ bị thương tật - Ảnh: Nguyễn Công Hưng

Bên cạnh đó, trong số những bức ảnh đau lòng do nhiếp ảnh gia Nguyễn Công Hưng (trú P.Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), người gắn bó với thiên nhiên và những loài linh trưởng trên bán đảo Sơn Trà công bố thời gian gần đây, có bức chụp con khỉ bị cụt chân cụt tay, có con khỉ mẹ đang nuôi những đứa con với vết thương trên cơ thể, có cả những chú khỉ con mang trên mình đầy thương tích.

Những con khỉ thương tật kia chẳng thể chuyền cành - cách di chuyển vốn được tạo hóa gắn liền cho chúng, mà chỉ có thể di chuyển trên mặt đất và không thể tự kiếm ăn…

Chị Nguyễn Thị Châu Liên, giáo viên Trường Tiểu học Lý Công Uẩn (Q.Hải Châu) vốn có thói quen hàng ngày lên Sơn Trà để tận hưởng không khí trong lành của đất trời và vì vậy, chị cũng quen thuộc với cảnh sinh hoạt của những gia đình khỉ nơi đây.

“Khỉ là loài dễ thương và gần với con người nhất. Nhiều khi bắt gặp cảnh tượng khỉ mẹ cho con bú, chăm sóc tỉ mỉ cho con khiến mình cảm động rơi nước mắt. Ai đó nếu một lần thấy cảnh tượng sáng sớm cả đàn khỉ tập trung thành đàn để uốn lượn, chuyền cành chào đón thành viên mới chào đời thì mới thấy chúng đáng yêu đến chừng nào”, chị Liên chia sẻ.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên, ông Vũ Ngọc Thành - thành viên Tổ chức Voọc vá Quốc tế - Douc Langur Foundation đã cảnh báo hành vi cho khỉ ăn và săn bắt khỉ là rất nguy hiểm, không chỉ đe dọa tới sự an toàn của du khách, mà còn tác động, làm thay đổi thói quen kiếm ăn và tập tính hoang dã của đàn khỉ vốn đang có tốc độ phát triển rất mạnh ở đây.

Nhiều người yêu thiên nhiên, yêu các loài linh trưởng ở Sơn Trà vui vì các loài khỉ ngày càng thân thiện với con người nhưng họ cũng không khỏi băn khoăn bởi với bản tính dễ tiếp cận, hay đùa giỡn thân thiện, nếu khỉ gặp phải những người lạ mặt có ý đồ xấu, chúng rất dễ bị làm hại.

Ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, tại bán đảo, đơn vị này đã gắn nhiều bảng khuyến cáo du khách không cho thú hoang dã thức ăn, đồng thời cắt cử một số nhân viên trực tiếp đứng tại hiện trường để kiểm soát.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có một cơ quan chức năng nào kiểm soát triệt để được việc du khách đến nơi này tiếp xúc và cho động vật hoang dã ăn uống, trong khi đây là một trong những quy định cấm nghiêm ngặt tại các khu bảo tồn thiên nhiên.

Điều đó đồng nghĩa với việc Sơn Trà vẫn chưa được bảo vệ đúng nghĩa là một khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, nơi được các nhà khoa học đánh giá có hệ động thực vật đa dạng bậc nhất thế giới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh, Ninh Bình ngập sâu trong nước

Ninh Bình: Chùa Thôn Năm ngập sâu trong nước

GNO - Ngày 12-9, Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình, H.Yên Khánh đã đến thăm hỏi, hỗ trợ 10 triệu đồng và các nhu yếu phẩm đến chư Tăng chùa Thôn Năm tại xã Khánh Tiên, H.Yên Khánh - quê hương của cố Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, Đức Đệ tam Pháp chủ, đang bị ngập sâu trong nước.

Thông tin hàng ngày