Xuân trong ta, tâm nguyện thiết tha

“Tết này mình có về chùa nữa không chị?” Tôi nhìn đôi mắt đứa em nhỏ, trong veo đợi chờ, ánh lên vẻ háo hức như chờ dịp Tết để vòi vĩnh về thăm thầy, thốt nhiên tôi quặn lòng. Tấm hình thầy và nhóc chụp trên lối ra rừng thông lộng gió, xa xa bạt ngàn nương chè, những bóng áo nâu thoảng xa gần và mái chùa cong cong rọi nắng, mỉm cười nhìn tôi. Tấm hình bình yên quá đỗi.

Nhà có hai chị em, tôi thì trầm tính, còn nhóc thì nói suốt ngày. Nhóc có thói quen hay trêu chọc tôi, để tôi quạu lên rồi phá ra cười. Có 2 thanh chocolate để trong tủ lạnh, mỗi đứa một thanh, thì thế nào khi tôi lục tìm, thanh của tôi cũng bị gặm một mẩu để rồi tôi chìa luôn cho nhóc, còn nhóc thì khoái chí cười nhấm nháp. Những trò đùa đó lúc vui thì không sao, vào mùa tôi thi cử thì thế nào cũng ồn ào, và kết thúc lúc nào cũng là mỗi đứa một góc phòng, ôm sách vở mà học, không thèm nói năng một câu. Nhiều khi tôi đến là bực mình trước tính lí lắc đó. Ấy vậy mà một điều kì diệu xảy ra.

TB.JPG

Các chú điệu nấu bánh tét ngày Tết - Ảnh: Bảo Thiên

Mùa xuân với tôi là những chuyến đi xa, đó là dịp rảnh rổi nhất để lên đường cho thỏa những đam mê. Một mùa xuân, bước chân tôi ghé nơi mái chùa, bạt ngàn giữa núi non, rừng thông đan xen. Ở nơi đó tôi đã tìm thấy những nét văn hóa lễ tết xưa. Lần đầu tiên ngồi gói bánh chưng, thức canh nồi bánh bên bếp lửa hồng và chia sẻ trong tình người ấm áp. Mùa xuân nơi hiên chùa, là bói kiều đầu năm. Không biết quẻ có linh nghiệm không nhưng lạ lùng nên tôi cũng thành kính lắm. Mùa xuân là những trò chơi dân gian xưa, là hoa lá ngập tràn và lời ca, những gương mặt trẻ trung luôn lấp lánh nụ cười.

Thế là, lần trở lại, cũng vào một mùa xuân, tôi rủ rê cô em nhỏ của mình đi cùng. Nghe về chùa là phải dụ dỗ nhiều lắm, vì nhóc so đo tiền lì xì mừng tuổi. Nhưng nỗi hoài nghi xóa tan khi xe dừng bánh, một màu xanh thắm trải dài trước mặt, khí trời se se, cỏ cây hoa lá reo vui, nhóc hí hửng vì lần đầu được ngủ trong cốc tranh, tiếng chim chóc cứ ríu rít hoan ca. Và bất ngờ hơn là bức thư pháp đầu năm vị thầy tặng cho cô bé nhỏ tuổi, nhóc cứ giữ suốt trên tay và còn trêu tôi : “Em ngoan nên được tặng nha.” Tôi thừa hiểu vế sau là gì, nhưng cười trừ, đang ở chùa mà, không lẽ gây sự. Những ngày tết là những ngày khám phá, thầy hiền từ nhìn chị em tôi, thầy dạy cho nhóc cách lạy như thế nào, rồi kể chuyện gì đó mà tôi thấy thầy trò gật gù tâm đắc lắm. Nhóc bắt đầu nói ít lại, đi chậm, và chịu ngồi yên khi ăn. Mùa xuân năm ấy, mọi người về chùa đều bật cười khi thấy một đứa trẻ nhỏ suốt ngày cứ quấn bên thầy, hai thầy trò hết đi quanh đồi thông, rồi thiền hành quanh suối, lại ngược về chánh điện, những bài kinh ngắn ngắn thầy lại giảng giải cho nhóc. Những ngày Tết ngắn ngủi trôi qua, tâm tính đứa em nhỏ cũng đổi thay, nhóc hào hứng tham gia những chương trình tết, cũng xách cái bánh chưng bé xíu tự gói khoe tôi, rồi còn khoe em bán chuối chiên trong Chợ Xuân nha. Chợ Xuân, trước khoảng đất trống ở đồi thông, tái hiện lại cảnh chợ Xuân những vùng quê xưa, cũng tiếng rao : “Ai đậu đen hông?” …Những tiếng rao đã không còn nơi phố thị, màu áo nâu và muôn sắc màu hòa vào nhau. Không còn phân biệt đâu là người tu và đâu là khách đến chùa. Hồn quê Việt đã hòa mọi người thành một, nụ cười ấm áp đầu xuân. Khách chợ Xuân là phật tử đến chùa, ai cũng ráng chen để được ăn hết các món trong chợ xuân, chợ gì mà rẻ ơi là rẻ, nên thanh niên hồ hởi lắm, í ới gọi nhau từ các gian hàng. Rồi đêm lửa trại thật lớn, vòng tròn cứ mở rộng mở rộng, lân nhảy múa, tiếng đàn bập bùng vang, mọi người lấp lánh ánh cười. Lúc chia tay về, mắt em ngấn nước, cứ vấn vương hoài không chịu rời, bàn tay nhỏ xíu thò qua cửa xe nắm chặt tay thầy. Hình ảnh đẹp lạ lùng trong chiều tắt nắng. Em nói lạ ghê, mọi người không chúc em học giỏi hay dễ thương mà chúc em luôn là niềm vui của mẹ và chị. Tôi hếch mũi hỏi em :” Là hiểu gì không?” . Nhóc khoe răng sún cười…và từ đó, tôi có thể nhấm nháp thanh chocolate của riêng mình mà không sợ sứt mẻ mẩu nào.

Năm nay hoa đào lại nở, mai vàng rực, em tôi háo hức đợi chờ. Nhưng vô thường cuộc sống. Tôi nhìn trời, thầy đã đi, mái chùa lặng im. Tấm hình bình yên thong dong ấy mãi là kí ức, một điều thật đẹp cho em tôi vào đời, nụ cười hai thầy trò thật tươi trong trời lộng gió, thông reo vui.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Sà lan chở nước ngọt từ Đồng Tháp về xã đảo Hưng Phong, H.Giồng Trôm, Bến Tre để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn

Vận chuyển nước ngọt bằng sà lan để hỗ trợ bà con vùng hạn mặn H.Giồng Trôm, Bến Tre

GNO - Được sự tài trợ của đoàn thiện nguyện tại TP.HCM do anh Huỳnh Trung Nghĩa làm trưởng đoàn, Đại đức Thích Vạn Bình, trụ trì Phước Long cổ tự (H.Giồng Trôm, Bến Tre) đã phối hợp với UBND xã đảo Hưng Phong tổ chức trao nước ngọt và thùng nhựa cho bà con tại địa phương vào ngày 23-4 vừa qua.
Chư tôn đức niệm Phật cầu gia hộ

Khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam năm 2024

GNO - Sáng nay, 25-4, tại Văn phòng II TƯGH - thiền viện Quảng Đức (Q.3, TP.HCM), Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tổ chức khai mạc Hội nghị sinh hoạt Giáo hội khu vực phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau) nhằm triển khai nhiều hoạt động Phật sự quan trọng.
Chư Tăng thực hiện nghi thức Bố-tát tại chánh điện chùa Long Bửu (Q.4, TP.HCM) - Ảnh: Bảo Nguyên

Chư Tăng Ban Trị sự GHPGVN Q.4 Bố-tát, họp triển khai Phật sự

GNO - Ngày 15-3-Giáp Thìn, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Q.4 đã trở về chùa Long Bửu - Văn phòng Ban Trị sự để cử hành lễ Bố-tát định kỳ, đồng thời tổ chức phiên họp nhằm triển khai công tác tổ chức Đại lễ Phật đản và An cư kiết hạ Phật lịch 2568.

Thông tin hàng ngày