Xuân tuệ giác và đức hạnh

NSGN - Sức sống của muôn loài theo nhịp tuần hoàn của vũ trụ luân chuyển với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. 


hinh-anh-hoa-mai-dep-nhat-tet-2016-20.jpg
Mùa xuân trăm hoa đua nở, Ảnh minh họa

Mùa xuân trăm hoa đua nở, cỏ cây xanh tươi, muôn vật tỏa ra sức sống mãnh liệt. Có thể thấy rõ những gì xinh tươi, đẹp đẽ nhất của vạn vật đều được thể hiện trọn vẹn ở mùa xuân. Vì thế, đối với tuổi trẻ khí lực dồi dào, tốt tươi được gọi là tuổi thanh xuân. Đến khi người ta bước sang tuổi trung niên, thường ví như chuyển qua mùa thu của đời người, thấm đẫm nỗi buồn man mác mà cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã thổ lộ tâm sự ấy như sau: Xuân sang mà vẫn là thu trong lòng. Và đến khi tuổi đời lớn thêm, dẫn đến cái bệnh, cái chết trong buồn bã là bước sang mùa đông úa tàn của đời người, báo hiệu sắp chấm dứt một kiếp người. 

Ý thức sâu sắc sự ngắn ngủi và mong manh của mạng sống con người như vậy, Đức Thế Tôn nghĩ rằng trong cuộc đời vô thường, chợt có chợt mất của mọi người, chắc rằng còn phải có một cái gì vĩnh hằng, một cái gì trường tồn bất sanh bất diệt, vượt qua thời gian không gian. Vì thế, Ngài đã từ bỏ cuộc sống tầm thường của thế nhân để xuất gia và cố đi tìm đời sống vĩnh hằng bất tử. Cuối cùng, Ngài đã tìm được người thợ xây ngôi nhà ngũ uẩn của chính Ngài và của loài người. Ngài không còn bị định luật sinh tử chi phối nữa. 

Sau khi chứng đắc quả vị Vô thượng Bồ-đề, Đức Phật bắt đầu cuộc đời giáo hóa độ sanh, đem lại mùa xuân cho những người hữu duyên với Ngài theo từng bước chân đi trên vạn nẻo đường đời. Nương vào trí tuệ siêu tuyệt và đức hạnh vô cùng của Đức Phật, hàng đệ tử lần lần ngộ đạo, không còn bị lệ thuộc trong bốn tướng vô thường, sanh già bệnh chết. Ngược lại, hành giả tu chứng được một pháp nào của Phật dạy thì một phần Pháp thân hiện ra và mùa xuân theo đó đến với hành giả.

Thật vậy, đối với hành giả đi theo dấu chân Phật, nỗ lực phát huy được trí tuệ và đạo đức, thì không phải mỗi năm mới có một mùa xuân; nhưng hàng ngày, hàng giờ, cho đến từng niệm tâm an trụ được trong nếp sống thánh thiện, giải thoát, giác ngộ, thì đó chính là mùa xuân của người con Phật. 

Hãy quán sát cuộc sống của các thiền sư ngộ đạo, thực thanh đạm, thực đơn sơ, mộc mạc, thế mà lúc nào các ngài cũng mỉm cười nhẹ nhàng trong cái oi bức của Nhà lửa tam giới. Vì các ngài đã khám phá ra mùa xuân đạo và sống miên viễn trong mùa xuân đạo, cho nên mùa đông ảm đạm không bao giờ góp mặt được vào cuộc sống hỷ lạc luôn tràn đầy sắc xuân của các thiền sư. Hoặc chư vị Bồ-tát đi vào cuộc đời để cứu khổ độ sanh, mỗi bước chân đi của Bồ-tát đều có những đóa hoa nở ra, nghĩa là các ngài cảm hóa được nhiều người phát tâm sống theo tinh thần Phật dạy, làm cho họ phát huy sự hiểu biết trong sáng theo Chánh pháp, xây dựng cho họ cuộc sống có ý nghĩa, an vui, hạnh phúc. 

Chư vị Bồ-tát dấn thân hành đạo từ đời này sang kiếp khác, đi vào cuộc đời giống như đi dạo trong vườn hoa xuân. Bồ-tát vẫn mãi mãi đi trong mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ trên thế gian này, mà dưới mắt chúng sanh thấy cuộc đời toàn là hầm hố gai chông, biết bao thác ghềnh hiểm nguy phải vượt qua.

Riêng đối với chúng ta, trên bước đường tu hành, nhận chân được những yếu nghĩa cao siêu của Đức Phật dạy hàm chứa trong kinh điển, giây phút đó chúng ta đang hỷ lạc vô cùng, đang đi trong vườn xuân đạo. Và từng bước thực tập giáo pháp, khi thành tựu được Phật sự, khi giúp được người thoát khổ, khi đem lại niềm hân hoan cho người… Đó chính là niềm vui của chúng ta, đích thực là mùa xuân đối với chúng ta, dù ở bất cứ mùa nào trong năm, hay tuổi nào trong cuộc đời. 

Đón mừng xuân Di Lặc, cầu mong tất cả Tăng Ni, Phật tử nhận ra mùa xuân của hành giả phát tâm Bồ-đề và chúng ta cũng phát tâm theo dấu chân Phật để tận hưởng được mùa xuân vĩnh hằng trong từng phút giây ở khắp mọi nơi mà Đức Phật đã khám phá và chỉ dạy cho nhân loại. 

HT.Thích Trí Quảng

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Có sự hộ niệm của chư Tăng Ni và Phật tử để trợ duyên cho hương linh là rất tốt

Khi người thân mất có cần mời ban hộ niệm?

GNO - Khi người thân mất, có cần mời ban hộ niệm không? Có vị nói người chết trong vòng ba ngày thì không được thiêu (hỏa táng) có đúng không? Tôi có một khoảnh đất nhỏ trong nghĩa trang dòng họ, tôi định xây một nhà mồ, thiêu xong thì tro cốt đều thờ chung trong nhà ấy được không? Có cần coi ngày không?

Thông tin hàng ngày