Y Julie & đôi chân không gục ngã

GN - Vừa sinh ra đã mang nhiều bệnh tật, không tay, cột sống bị vẹo và lưng có nhiều khối u, thế nhưng Y Juli đã phấn đấu vươn lên, tự lập từ lúc nhỏ. Các bạn bình thường cùng trang lứa làm việc gì là em làm được việc đó. Chỉ khác là các bạn dùng tay, còn Y Julie thì dùng chân. 

Dù khó cũng không bỏ cuộc

Y Julie, người đồng bào dân tộc Ê Đê (TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum) hiện đang là học sinh lớp 11, Trường THPT Trường Chinh. Suốt 11 năm liền, Y Julie luôn là học sinh khá, giỏi. Cô Kim Anh, giáo viên chủ nhiệm năm học lớp 9 của em nhận xét: “Là học sinh khuyết tật nhưng Y Julie rất hòa đồng với các bạn. Em luôn là tấm gương cho các bạn đồng trang lứa nỗ lực học tập”.

Y-Julie.1.jpg


Y Julie (giữa) trong một giờ học - Ảnh: Mai Trâm

Chị Y Doan, mẹ của em Y Julie kể: “Khi Y Julie 4 tuổi, thấy các bạn đến trường, em đề nghị mẹ cho đi học, xin mẹ mua tập bút. Mình bâng khuâng không biết con học được hay không? Con năn nỉ rất tha thiết, nên mình đã lấy hết can đảm đến xin cô giáo và Y Julie được nhận vào lớp”. Từ ngày đi học, trừ khi ốm nặng Y Julie  mới không đến trường. Còn mưa hay đường trơn, Y Julie cũng không muốn nghỉ, không muốn bỏ lỡ ngày nào ở lớp.

Hỏi Y Julie vì sao “làm khó” bản thân như vậy? Y Julie nhẹ nhàng bảo rằng: “Em muốn trải nghiệm cuộc sống thật nhiều. Làm được điều đó thì không còn cách nào khác phải tự em đứng lên và đi. Được đến trường là niềm vui lớn nhất của em. Em rất thích đến trường, thích được chơi với các bạn, thích được học tập để có kiến thức. Em muốn được trang bị cho mình kỹ năng và cố gắng hết sức có thể để làm được tất cả các việc như người bình thường. Có nhiều lúc khó khăn lắm, đau lắm nhưng em luôn xem đó là thử thách, em luôn nói với mình, cố gắng lên, còn tí xíu nữa thôi, sắp làm được rồi… Hiện tại, em đang học lớp 11, em đang thực hiện ước mơ của em, em không làm cho gia đình phải lo lắng quá nhiều về em. Và em cảm thấy hạnh phúc vì mình không bỏ cuộc”.

Truyền niềm tin cho mẹ, cho bạn

Hỏi ra mới biết, khuyết tật nhưng Y Julie luôn muốn hoàn thiện bản thân, muốn được tự làm và được như các bạn. Từ lúc biết xúc cơm ăn, Y Julie chưa bao giờ phiền mẹ, thậm chí còn biết phụ mẹ nhặt rau, rửa bát. Kể cả việc quét nhà, Y Julie cũng cố gắng thực hiện.

Nhớ lại ngày vừa sanh Y Julie, chị Y Doan nghẹn ngào: “Bản thân là mẹ, mình lo lắng cho con rất nhiều, lo đủ thứ chuyện. Nhưng bên cạnh con, nhìn quá trình con phấn đấu, hoàn thiện bản thân, sống tích cực, nhiều lúc mình không tin con có nghị lực và làm được như vậy.

Cái gì con cũng muốn tự làm, muốn sau này tự lập. Để quét được nhà, Y Julie kẹp cây chổi ở cổ và di chuyển. Cây chổi tì lên cổ làm da sưng đỏ, mẹ xót, kêu Y Julie để đó mẹ làm, nhưng con không chịu và làm bình thường. Sức sống của Y Julie đã truyền cho cả gia đình sự lạc quan, giúp mọi người thêm tin rằng, kỳ tích luôn xuất hiện, khi mình không bỏ cuộc”. 

Trước nghị lực vượt khó, hầu như bạn bè ai cũng thương mến Y Julie. Chính vì thương Y Julie mà từ lúc học mầm non, Y Bích luôn bên cạnh giúp đỡ. Để chở Y Julie đến trường, 5g45 Y Bích đã phải rời khỏi nhà, đạp xe mất 15 phút mới đến nhà Y Julie. Y Julie hồn nhiên kể: “Bạn dìu em lên xe, cầm cặp sách giúp. Chúng em đi học cùng nhau, đi đâu cũng đi với nhau, đi vệ sinh cũng dắt nhau đi. Hai đứa em có nhiều kỷ niệm với nhau. Có lần bạn chở té, em run, sợ bạn bị sao. Sợ quá, hai đứa quyết định đi bộ cùng nhau. Phải một thời gian mới dám leo lên xe chạy lại”.

Y Bích bật mí rằng: “Ngày xưa em giúp bạn Y Julie vì thương bạn. Nhưng khi đồng hành cùng bạn, ngày qua ngày, em cảm thấy bạn như là thiên thần, vì truyền cho em nhiều nghị lực. Gia đình em khó khăn, và em luôn nỗ lực thuyết phục bố mẹ cho em đến lớp, không nghỉ giữa chừng. Y Julie không bỏ cuộc, không đầu hàng con chữ thì em cũng không bỏ”.

Khi câu chuyện xúc động của Y Julie và Y Bích được chia sẻ, TT.Thích Duy Trấn, Trưởng Phân ban Phật tử Dân tộc T.Ư Giáo hội đã quyết định hỗ trợ học bổng, tiếp sức cho cả hai em đến trường. “Học đến đâu nuôi đến đó, có công ăn việc làm thì mới thôi”, TT cho biết.

Trong niềm vui, hạnh phúc đó, Y Bích tâm sự: “Giờ em hết lo sợ một ngày nào đó, chẳng hạn như học hết lớp 12, em phải nghỉ học nếu nhà không có điều kiện, phải đi làm nuôi các em, thì bạn Y Julie sẽ làm sao đến giảng đường khi không có em bên cạnh”. Nghe bạn nói, Y Julie nhìn bạn, mỉm cười bảo: “Chúng ta có đường đi, chúng ta sẽ đi cùng nhau”.

Y Julie đã chứng minh, sự khác biệt giữa người thành công và người thất bại không phải ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết mà chính là ở ý chí. Có ý chí, có nghị lực thì khi gặp khó khăn, tự bản thân ta sẽ biết cách đối diện, biết mình phải làm gì để chinh phục. Như lời Y Julie đúc kết: “Yếu đuối không đem lại cho bản thân hạnh phúc, không làm bản thân mình lớn lên mà chỉ có ý chí, nghị lực mới giúp ta đứng vững trước thử thách cuộc đời”. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày