GN - Đó là ý niệm muốn biến mất, muốn tan ra khỏi mọi thứ đang dính mắc mà bản thân họ thấy... quá khổ sở, đau đớn. Khi ấy họ tự tử!
Mới đây, ngày 16-9, ca sĩ - diễn viên Kiều Nhậm Lương (ảnh) quyết chọn đến cái chết ở tuổi 29, gây chấn động làng giải trí Hoa ngữ. Báo chí cho hay, những bạn bè thân thiết của Kiều Nhậm Lương đều biết anh bị chứng trầm cảm hành hạ suốt thời gian dài, dẫn đến mất ngủ, anh phải thường xuyên dùng thuốc ngủ.
Kiều Nhậm Lương sinh năm 1987 tại Thượng Hải, tốt nghiệp Học viện Truyền hình Thượng Hải. Trước khi gia nhập làng giải trí, anh là vận động viên môn nhảy cao và từng đoạt giải quán quân trong cuộc thi nhảy cao toàn quốc. Đạt được thành tích nổi bật trong âm nhạc nhưng đó chưa phải là toàn bộ sự nghiệp nghệ thuật của Kiều Nhậm Lương. Năm 2009, anh chứng tỏ mình là người có khả năng diễn xuất qua các bộ phim điện ảnh, truyền hình như Nhà trọ đêm, Hoàng tử tennis II, Tân nhất tiễn mai…
Trước đó, vụ tử tử của Phó Chủ tịch Lotte Group - ông Lee In-won cũng được báo chí cho biết, thi thể của ông được tìm thấy tại một đường mòn ở Yangpyeong, cách Seoul (Hàn Quốc) 55km về phía Đông. Cụ thể, cảnh sát nhận được thông tin rằng người dân phát hiện một người đàn ông khoảng 60 tuổi treo cổ trên cây. Dựa theo các bằng chứng tại hiện trường, cảnh sát cho rằng các dấu hiệu của một vụ tự tử là rõ ràng.
Tất nhiên, đây chỉ là những vụ điển hình bởi những nhân vật được thông tin là người của công chúng, được quan tâm. Hàng ngày, vẫn có nhiều người khởi lên ý niệm muốn xóa trắng bản thân, muốn chết đi cho rồi vì bực bội, ghen tuông, vì khổ đau bởi bệnh tật, chia lìa... Người ta không thể chịu nổi khi trải qua từng phút giây ngột ngạt của những nỗi khổ niềm đau, lại không biết hóa giải nó như thế nào cũng như không hề biết nhân-quả của những thọ cảm mà mình trải qua (là do chính mình đã gây tạo và phải do mình tháo gỡ từng chút một, dẫu lâu) nên mới nghĩ tới cái chết.
Nhưng, liệu chết có là hết đau khổ? Theo quan niệm của nhà Phật, người chọn cái chết theo cách tự ý chấm dứt sinh mạng mình cũng là gieo nhân sát sanh (giết người), vì bản thân mình để được biểu hiện là do nhiều nhân-duyên, trong đó có ơn cha mẹ, ơn vạn loại chúng sinh... Những nghiệp lành/dữ mình mang và trải qua chính là quả dữ đã trổ, nên cách tốt nhất như đã nói là nhận diện, chuyển hóa chớ không phải là trốn tránh.
Trốn chạy nỗi khổ bằng cách chết cũng giống như... trốn nợ, rồi cũng phải trả nhưng còn mang thêm nợ khác vì vay mạng sống của một con người (là chính mình) và làm tổn thương đến nhiều người khác (phải chịu khổ vì cái chết cũng như cách chết của mình).
Cuộc sống luôn có những bất trắc và bất như ý - đòi hỏi chúng ta trải qua và nó sẽ qua khi mình chịu trải lòng ra, làm việc với cảm thọ của mình trước đất trời bao la, trước những người thân thuộc luôn lắng nghe/ sẵn lòng chia sẻ cùng mình. Một trong những đối tượng luôn nghe mình trải lòng tất cả những việc nhỏ to đó là Bụt, Bồ-tát cùng những vị đại diện cho tình thương lớn, hiểu biết lớn mà mỗi truyền thống (với những niềm tin riêng) của mỗi người - chúng ta cần nhớ tới thường xuyên để không thấy lạc lõng mỗi khi có vấn đề. Và không đợi có vấn đề rồi mới trải lòng, mới làm việc với tự thân!
Mong rằng, ai cũng có điểm tựa tinh thần để hướng về. Ai cũng thấy được bản thân mình với chân tâm sáng suốt, giàu tình thương - là một điểm tựa cho chính mình để kết nối, làm sáng lòng thì chắc sẽ không có những cái chết mang tên “tự tử”. Cầu mong ai cũng vững chãi trong mọi hoàn cảnh...
Quay về nương tựa/ Hải đảo tự thân/ Chánh niệm là Bụt / Soi sáng xa gần/ Hơi thở là Pháp/ Bảo hộ thân tâm / Năm uẩn là Tăng/ Phối hợp tinh cần...