GN - Yẵ Tao là tên gọi của chú voi nhà cuối cùng của một người quản tượng cũng cuối cùng ở vùng đất đầy nắng gió đại ngàn Ayun - Chư Mố (Gia Lai).
Vĩnh biệt Yẵ Tao
“Lũ làng ơi! Cứu, Yẵ Tao bệnh rồi!”. Tiếng gọi thảng thốt của anh Siu Kiêm vang vọng khắp làng Pleipa Kdranh (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), lẫn trong tiếng ầm ì của cơn giông miền cao nguyên giữa mùa khô.
Nghe tiếng gọi của Siu Kiêm, người làng lũ lượt đổ ra, họ chạy mải miết về phía bờ suối Ia Tul. Những bước chân dồn dập rồi chậm dần, chậm dần, và dừng sát lại với nhau bên bờ suối.
Voi Yẵ Tao năm nay 50 tuổi, nó đã sống với làng tròn một đời có ích. Một chân sau của Yẵ Tao từng bị gãy vì trượt chân trong một lần cố nhón chân, rướn vòi kiếm cái ăn trên vách núi cao.
Anh Siu Kiêm và Yẵ Tao những ngày còn khỏe mạnh
Con voi khỏe mạnh, lực lưỡng khi xưa từng giúp dân làng dựng bao ngôi nhà khang trang, kéo bao nhiêu cột điện về thắp sáng đường quê nay nằm đó, im lìm, cô độc đến xót xa.
Yẵ Tao bệnh rồi. Yẵ Tao nằm đó, bên bờ suối Ia Tul. Vợ chồng Siu Kiêm đứng bên cạnh, nước mắt lưng tròng, tay vuốt ve vào đầu Yẵ Tao, nhưng con voi cái cuối cùng của vùng Chư Mố này vẫn nằm im không nhúc nhích. Những lời cầu nguyện, những tiếng gọi Yẵ Tao vang lên trong sự bất lực của người làng.
“Yẵ Tao không đứng dậy được nữa rồi. Còn gì của cha ông nữa!”, Siu Kiêm lẩn thẩn một mình nói, một mình nghe, trong khi lũ làng Jrai ở Chư Mố vẫn đang trong cơn thảng thốt. Đó là con voi nhà duy nhất còn lại của làng voi vang bóng một thời, từng được coi là đẹp nhất Tây Nguyên. Trong ký ức của Siu Kiêm, trong nỗi nhớ của người làng ở vùng Ayun này, Yẵ Tao là biểu tượng vĩnh cửu của làng.
Ngày trước, trên cao nguyên Gia Lai và vùng thung lũng Ayun này, làng voi Chư Mố (huyện Ia Pa) là địa danh nổi tiếng vì nhiều voi, gồm các buôn: Kdranh, Ama Đá. Ở đó, ông Ksor Chăm, cha vợ của anh Siu Kiêm, là người nổi danh thuần dưỡng voi từ mấy chục năm, tự nguyện làm “kẻ dở người” khi bỏ cả nhà cửa, ruộng vườn để một mình suốt ngày rong ruổi theo những con voi của mình.
Ông Ksor Chăm trước kia có tới 3 con voi đực là Thoong Khăm, Thoong Xa và Bạk Xom. Chiến tranh xảy đến, hầu hết đàn voi của buôn làng đều chết vì bom đạn, số ít còn lại cũng ngã xuống vì bệnh tật hoặc thiếu thức ăn; hai con voi Thoong Khăm và Thoong Xa của ông Ksor Chăm cũng nằm trong số đó.
Rồi vì mưu sinh, những người quản tượng ở vùng này vì thế cũng bỏ đi nơi khác, số ít ở lại thì chuyển sang làm nông.
Năm 1990, ông Ksor Chăm mang 5 cây vàng qua Đắk Lắk, tìm đến huyện Lạc Thiện mua 1 con voi cái mang về, đặt tên là Yẵ Tao để “kết duyên” cùng voi đực Bạk Xom nhưng “duyên chưa mặn” thì Bạk Xom đột ngột chết. Bạk Xom chết, nhà ông chỉ còn lại một con voi con Yẵ Tao.
Dần dần, Ksor Chăm cũng trở thành người quản tượng cuối cùng của Chư Mố. Để duy trì sự sống cho con voi của gia đình, ông Ksor Chăm phải mang Yẵ Tao vào tận rừng sâu tìm thức ăn, trong khi xung quanh ông, người ta đã lần lượt bán đi những con voi nhà cuối cùng vì nhiều lý do.
Khi ông Ksor Chăm mất, công việc quản tượng được ông truyền lại cho người con rể Siu Kiêm. Hàng ngày, Siu Kiêm gùi gạo, muối vào rừng sâu thay cha vợ mình rong ruổi theo con voi để kiếm cái ăn cho nó và cũng để nó kiếm cây thuốc tự chữa bệnh, có khi cả tháng anh mới về nhà một lần. Đã có nhiều người đến “gạ” mua voi Yẵ Tao với giá cao nhưng Siu Kiêm đều chối từ.
Chỉ còn trong ký ức
Ngày ông Ksor Chăm còn sống, voi Yẵ Tao vẫn được đưa vào bên hông ngôi nhà sàn của người Jrai bề thế. Yẵ Tao được ông Ksor Chăm cùng người làng yêu thương như chính người thân trong gia đình.
Vậy nên, tin voi Yẵ Tao chết làm rúng động cả một vùng thung lũng Ayun rộng lớn. Người từ các làng xung quanh đổ về đưa tiễn voi Yẵ Tao về với Yang.
Siu Kiêm dẫn đám trẻ, dẫn lũ làng đi đào hố, mang lễ vật để cùng đưa Yẵ Tao đến táng gần mộ Ksor Chăm. Đưa tiễn Yẵ Tao về với Yang, tất cả người làng đều lặng im đến nao lòng.
Làng chỉ có mấy trăm con người, nhưng có đến cả ngàn nỗi nhớ, khắc khoải đến tê tái của lớp trước, lớp người bây giờ, của cả lớp trẻ đang lớn lên dành cho con voi nhà cuối cùng của thung lũng. Siu Kiêm chỉ vào ngực mình, bảo đau, đau lắm. Đau đúng chỗ này.
Người viết đã từng nhiều lần đến thăm những ngôi làng ở vùng đất cao nguyên này, biết cái bụng của người Jrai thương voi lắm. Trong hồi ức in sâu trong tâm trí của Siu Kiêm, có lẽ niềm hạnh phúc lớn nhất với Yẵ Tao, với cả người làng, là những đêm xoang rừng rực lửa, tiếng chiêng, tiếng cồng rộn rã. Ở đó, Yẵ Tao lim dim mắt nhai mía, nhai thân cây bắp đầu mùa, thấp thoáng bóng ông Ksor Chăm đứng bên cười hiền từ.
Tôi để vợ chồng Siu Kiêm lắng sâu vào nỗi nhớ về Yẵ Tao đã mất. Yẵ Tao từng là minh chứng sống động cho một thời hùng vĩ của mảnh đất Bắc Tây Nguyên, thời của bạt ngàn rừng xanh, tràn đầy muông thú.
Cao nguyên Gia Lai nói riêng và vùng Bắc Tây Nguyên nói chung vốn tự hào về nghề thuần dưỡng voi rừng và đàn voi nhà đông đúc, ấy vậy mà giờ, người dân ở đây lại không hiếm những phút chạnh lòng vì vắng dấu chân voi.
Từ nay về sau, có thể nhiều người tìm lên vùng Bắc Tây Nguyên cũng không còn nhiều cơ hội được thấy những con voi đồ sộ, uy hùng bước đi giữa nắng gió đại ngàn.
Có thể đến một ngày nào đó, nói về những đàn voi đông đúc Tây Nguyên, người ta chỉ có thể mường tượng ra được trong trí óc, và ngay chính những thế hệ người Jrai sinh ra mai này, có khi chỉ còn biết đến voi trong sách vở, trong lời kể đầy nuối tiếc, xót xa của những người già mà thôi.
Bài, ảnh: Hữu Cường