Quang cảnh Đại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội sáng 7-11 - ảnh: Lương Hòa
GNO - TT.Thích Đức Thiện, Tổng Thư ký HĐTS trong phần báo cáo công tác Phật sự 35 năm qua của Giáo hội trước toàn thể đại biểu dự lễ kỷ niệm sáng nay, 7-11, đã nói về định hướng trong chặng đường mới của GHPGVN. Theo đó, để đứng vững trong thời hội nhập, Giáo hội cần tập trung hoàn thiện 11 mục như sau:
1. Phát huy thành tựu 35 năm và truyền thống đoàn kết hòa hợp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tiếp tục tăng cường sự đoàn kết trong Tăng Ni, Phật tử, các Sơn môn hệ phái trong Giáo hội nhằm xây dựng Giáo hội không ngừng trưởng thành và phát triển trong lòng dân tộc và hội nhập quốc tế.
2. Tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp cơ sở năm 2016, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc khóa VIII (2017 - 2022), làm nền tảng vững chắc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới và thời kỳ tiếp theo.
3. Trong bối cảnh xã hội ngày nay với sự phát triển kinh tế thị trường, sự không ngừng gia tăng của nhu cầu của xã hôi, Giáo hội không ngừng tăng cường công tác quản lý Tăng Ni tự viện trong thời kỳ mới nhằm trau dồi giới đức của Tăng Ni, sự trong sáng của đạo pháp và hình ảnh tốt đẹp của Giáo hội.
4. Đổi mới, kiện toàn và tái cấu trúc hệ thống giáo dục Phật giáo phù hợp với tình hình mới. Đặc biệt, chú trọng tới quy chuẩn thống nhất chương trình giảng dạy ở các trường các cấp đào tạo Phật giáo trong cả nước. Chú trọng mở các trường tư thục Phật giáo theo tinh thần của Luật Tôn giáo sau khi được Quốc hội phê chuẩn. Đem tinh hoa của Giáo dục Phật giáo tham gia vào giáo dục quốc dân.
5. Không ngừng thúc đẩy sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, đem ánh sáng của Đức Phật vào cộng đồng, góp phần xây dựng cộng đồng hòa bình an lạc. Đặc biệt, quan tâm hoằng pháp tại vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc miền núi, hải đảo, mở rộng công tác hoằng pháp tại hải ngoại, chăm lo đời sống tâm linh của người Việt Nam ở nước ngoài, hướng lòng yêu nước của cộng đồng người Việt tại nước ngoài về Tổ quốc thân yêu.
6. Đổi mới mô hình tổ chức trong việc quản lý, áp dụng các thành tựu mới của cách mạng khoa học công nghệ lần 4 vào việc tổ chức các hình thức sinh hoạt hướng dẫn Phật tử, đặc biệt là lớp thanh niên trẻ, góp phần nâng cao đạo đức xã hội.
7. Lấy các hoạt động Nghi lễ, Văn hóa là kênh truyền bá Phật pháp, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Dân tộc, trong đó có di sản văn hóa Phật giáo, thúc đẩy du lịch tâm linh, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
8. Phát huy tính nhân văn của Phật giáo, không ngừng kêu gọi Tăng Ni tham gia vào từ thiện xã hội mang tính thiết thực và hiệu quả, góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu, góp phần hoàn thành mục tiêu về bảo hiểm y tế của người dân mà Thủ tướng phát động.
9. Trong thời đại bùng nổ thông tin thì công tác thông tin truyền thông của Giáo hội phải được các cấp, các ngành của Giáo hội đặc biệt chú trọng cập nhật, phản ánh trong tinh thần chủ trương của Giáo hội theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, kịp thời ứng phó với các khủng hoảng truyền thông, tránh làm những việc mất niềm tin của Giáo hội.
10. Trong bối cảnh xã hội ngày nay, công tác kiểm soát, pháp chế của Giáo hội cần được các cấp Giáo hội quan tâm. Tích cực hoạt động phối hợp với công tác Tăng sự nhằm đưa các hoạt động Phật giáo của Giáo hội ổn định và phát triển.
11. Công tác nghiên cứu Phật học cần tiếp tục bổ sung hoàn thiện bộ Đại Tạng kinh Việt Nam, biên dịch và biên soạn các bộ Kinh, Luật, Luận Phật giáo để làm sâu sắc giáo lý trong sáng của Phật giáo và nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, đưa các tư tưởng Giáo lý Phật giáo cho định hướng tu tập trước nhu cầu xã hội.
Bảo Thiên lược ghi