25 năm không vàng mã, chùa Liên Hoa góp 30 tỷ đồng cho an sinh xã hội

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1165 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài trên Báo Giác Ngộ số 1165 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Mùa Vu lan năm nay, chùa Liên Hoa (quận 11, TP.HCM) chuẩn bị 500 triệu đồng để trao tặng học bổng cho học sinh hiếu học vượt khó, phát quà cho bà con có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là học sinh mồ côi ba, mẹ do dịch Covid-19.

Điều đặc biệt, tất cả số tiền đó đều được trích ra từ quỹ từ thiện “Không vàng mã” trong tháng 7 âm lịch của chùa.

Chia sẻ với báo Giác Ngộ, Thượng tọa Thích Duy Trấn, Phó ban Đại diện Phật giáo người Hoa, Phó Thường trực Ban Trị sự GHPGVN quận 11, trụ trì chùa Liên Hoa cho biết lý do thầy “táo bạo” tuyên bố nói không với vàng mã:

- Trong một chuyến đi phát quà từ thiện cho đồng bào lũ lụt tại Thừa Thiên Huế cuối năm 1997, tình cờ vào một trường tiểu học phát hiện tập sách của học sinh ố đen tệ hơn giấy tiền vàng mã đốt hàng ngày. Tôi trăn trở, suy nghĩ tại sao mình không hạn chế Phật tử vào chùa cúng kiếng miễn đốt vàng mã, để dành tiền mua tập sách bút vở cho học sinh vùng cao, vùng sâu vùng xa thì hay biết mấy.

Từ suy nghĩ đó, sau chuyến từ thiện về tôi tập hợp các nhóm Phật tử, các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm xin ý kiến, nên chăng vào chùa cúng kiếng miễn vàng mã mà dùng tiền thật làm việc thật thì hay biết mấy. Trong 85 Phật tử, nhà hảo tâm có mặt thì có tới 50 người đồng ý dùng tiền thật làm việc thật. Thế là quyết định lấy ngày 30-6-1998 là ngày thực hiện “nói không với vàng mã” và thành lập quỹ từ thiện “Không vàng mã”.

Để thay đổi một điều quen thuộc chắc chắn không dễ dàng. Trong quá trình hành động nói không với vàng mã, chùa gặp những khó khăn gì, thưa Thượng tọa?

- Từ ngày chùa không đốt vàng mã, người ủng hộ chánh tín thì vui, người phản đối thì rất buồn. Không ít người nói với chúng tôi, khi vào chùa cúng kiếng không được đốt vàng mã không biết ông bà mình có tiền xài không. Từ đó họ thỉnh bài vị hũ cốt về nhà thờ, coi như chia tay với nhà chùa.

Chúng tôi còn nhớ, thông báo ngày 30-6-1998 vừa đăng ra, biết bao Phật tử đều khuyến cáo chúng tôi “rồi đây chùa Liên Hoa sẽ đóng cửa và từ từ sẽ xóa bảng hiệu luôn”. Vì Phật tử sẽ giãn cách dần dần vì họ không đồng ý chùa cấm vàng mã.

Nhưng chúng tôi kiên định giải thích vàng mã không cần thiết trong cuộc sống. Không cần đốt khi cúng kiếng ông bà cha mẹ hoặc hương linh đã qua đời. Trong kinh điển của Phật giáo không có quyển kinh nào của Đức Phật nhắc đến việc phải tiêu hao bao nhiêu giấy tiền hàng mã hoặc cần phải đốt hàng mã trong lúc cầu siêu. Cho nên chúng tôi không xóa bỏ thông báo và giữ nguyên ý nguyện ban đầu.

Mỗi thời thuyết pháp ở nội tự và hoằng pháp ở các tỉnh thành Bắc Trung Nam, tôi đều đính kèm việc lợi ích của việc tiết kiệm không đốt vàng mã để dành tiền làm từ thiện. Từ đó danh tánh của chùa được nhiều người biết và số Phật tử xa gần đã đến với chùa mỗi ngày mỗi nhiều. Công tác từ thiện được tăng lên. Đó chính là chánh tín sẽ được tồn tại lâu dài.

Kết quả đạt được qua các năm như thế nào, thưa Thượng tọa?

- Năm đầu tiên của quỹ từ thiện “Không vàng mã”, trong nửa năm chúng tôi góp được 10 triệu đồng. Với thời điểm năm 1998, 10 triệu chúng tôi sắm được 300 phần quà, 1 phần quà gồm: 10kg gạo, 1 thùng mì, 1 lít dầu ăn, 1 chai nước tương, 1 bịch bột nêm, 1 bịch muối, 1 bịch đường, 5 quyển tập 100 trang giấy trắng bóng lưỡng và bao thư 2.000 đồng. Đài Truyền hình HTV9 đi quay phim phát sóng được 5 lần trong 2 tháng, được nhiều người ủng hộ.

Đặc biệt, qua chuyến đi này, tất cả những ông bà đã bỏ chùa đi đều quay về và dẫn theo hơn 50 gia đình cùng về ủng hộ và tham gia. Từ đó hoạt động về việc dùng tiền mua vàng mã để làm việc từ thiện tăng dần qua các năm.

Năm đầu chỉ được 30 triệu đồng, nhưng 5 năm tiếp theo lên khoảng 600 triệu đồng, rồi 850 triệu, 1,3 tỷ, 1,8 tỷ và 5 năm gần đây nhất mỗi năm ngoài 2,1 tỷ. Nhờ vậy mà những chuyến phát quà từ thiện, phát học bổng của tháng Bảy Vu lan, cho các em đến trường, quà trung thu, quà cho người nghèo ăn Tết được thực hiện thành công tốt đẹp.

Theo Thượng tọa, khó khăn nhất để chấm dứt hủ tục vàng mã là gì, đặc biệt là trong tập quán của người Hoa?

- Cái khó khăn nhất của hủ tục đốt vàng mã bắt nguồn từ sự chấp nhận hy sinh nhỏ để nhận lấy cái lớn là đem lại trí tuệ sáng suốt của cả một thế hệ lạc hậu.

Chúng ta thừa hiểu vàng mã đã lưu truyền mấy ngàn năm rồi. Đến ngày hôm nay phim truyện cũng truyền bá người mất rồi con cháu phải đốt thật nhiều vàng mã để người thân không bị làm khó. Dân gian ít nghe pháp, không thiện hữu trí thức giải trình, họ cứ tưởng là sự thật. Từ đó các ngày tháng Bảy âm lịch và dịp Tết, dân gian sẽ có đợt gởi tiền vàng mã cho người quá cố. Mỗi ngày cũng đốt quá nhiều vàng mã tại các tự viện.

Nhiều nơi thờ tự còn chuẩn bị vàng mã để khách hành hương, khách cúng bái hương linh và người đăng ký cầu siêu cứ việc trả tiền rồi tha hồ mà đốt. Dân gian thì một truyền cho mười, mười truyền cho trăm ngàn. Thế là vàng mã mãi lưu hành ở dân gian và nơi thờ tự. Tôi buồn khi thấy có những ngôi chùa lò hóa vàng hơn 20m2.

Lợi lạc lớn nhất của không đốt vàng mã là gì, thưa Thượng tọa?

- Gần hơn 1/4 thế kỷ, 25 năm chúng tôi đã và đang làm, khuyên nhiều Phật tử xa gần làm công tác tư tưởng về mê tín. Nhiều Phật tử đã hiểu được tiền từ thiện từ vàng mã rất quý. Cứ đầu năm tháng Giêng họ lại vào chùa đăng ký tiền quỹ từ thiện “Không vàng mã”.

Từ đó chúng tôi đã dùng số tiền trên phải cân nhắc kỹ dùng vào những gì có giá trị như cấp phát học bổng, giúp đỡ ma chay, tháng Bảy đi phát quà cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa vùng cao. Các ngày gần Tết cổ truyền đi phát quà đồng bào dân tộc ở tỉnh Quảng Bình. Trước giờ Giao thừa đi phát quà cho các anh chị làm sạch đường phố. Đi thăm và phát lộc cho các y bác sĩ, cho các bệnh nhân không được về nhà ăn Tết do bệnh nặng.

Ai tham gia chương trình và biết được việc làm của mình mang giá trị nhân văn lớn, ai cũng hoan hỷ, vui vẻ. Thay đổi nhận thức sẽ đem đến cho chúng ta nhiều phước báu cho chính chúng ta và con cháu sau này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

Thượng tọa Thích Đức Thiện tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao 2024

GNO - Nhận lời mời của Hiệp hội giao lưu Văn hóa và Tôn giáo Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc, đoàn đại biểu GHPGVN do Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự dẫn đầu đã tham dự Hội nghị Diễn đàn châu Á - Bác Ngao (BFA) 2024 diễn ra từ 26 đến 29-3-2024 tại Hải Nam, Trung Quốc.

Thông tin hàng ngày