Vàng mã biến tướng, Nhà nước cần vào cuộc

Đại đức Thích Không Nhiên cho rằng, sự biến tướng của vàng mã là vấn nạn xã hội chứ không chỉ là hiện tượng cá biệt xảy ra tại các cơ sở thờ tự hay các chùa.

doanhoaa3vangma-4read-only-1520390564436999041313_jpg.jpg
Đốt vàng mã ở đền ông Hoàng Mười, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An - Ảnh: Doãn Hòa

Nếu chỉ một mình Giáo hội Phật giáo lên tiếng mà không có giải pháp quyết liệt của Nhà nước thì tình hình vẫn như cũ trong các mùa lễ hội năm sau

Đại đức Thích Không Nhiên

Tục đốt vàng mã đã bị biến tướng và trục lợi, thành một hủ tục. Phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc đối thoại về vấn đề này với đại đức Thích Không Nhiên - phó thư ký Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, phó chủ biên kiêm thư ký tạp chí Liễu Quán thuộc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế.

Thay đổi thói quen "dương sao âm vậy"

* Vàng mã là một thứ lễ phẩm của tín ngưỡng dân gian với ý nghĩa lương thiện "lễ bạc lòng thành" đã trở thành hàng hóa của mê tín, trục lợi. Theo đại đức, nguyên do từ đâu?

thich-khong-nhien-1520390651147630754729_jpg.jpg

Đại đức Thích Không Nhiên

- Từ quan niệm "dương sao âm vậy", lại gặp khi có nhiều tiền cùng tâm lý cầu khẩn, người ta đem cả thế giới trần tục vào đời sống tâm linh. Vàng mã, thậm chí tiền thật đã được rải đầy sân chùa, gốc cây, trên điện thờ, trên cả tượng Phật. 

Thói quen đó đã ăn sâu vào dân chúng và rất dễ thôi thúc người ta hành xử theo tâm lý đám đông mỗi khi tham gia lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, thấy người khác rải tiền thì mình cũng làm theo.

Loại tâm lý này đã có từ lâu và không gây tác hại gì, nhưng trở nên tồi tệ khi người ta lợi dụng để kiếm lợi, bằng cách thêu dệt chuyện linh thiêng, xây thêm hang động và bày trò đặt tiền, mua sắm lễ vật, đốt vàng mã... như báo chí đã nhiều lần phản ánh.

* Quan sát từ nhiều năm qua thấy rằng tình trạng rải tiền lẻ, đốt vàng mã xuất hiện nhiều ở các chùa Bắc Bộ. Điều này có thể lý giải thế nào?

- Điều này có gốc từ văn hóa. Ở Bắc Bộ, tín ngưỡng dân gian hòa quyện rất chặt với tín ngưỡng Phật giáo. 

Trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp lúa nước, hình ảnh Đức Phật luôn được gắn liền với các lực lượng siêu nhiên như mây, mưa, sấm, chớp để trở thành Phật Bà Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. 

Và đó cũng là cơ sở để lý giải ở đồng bằng Bắc Bộ, đền thờ Mẫu thường "cộng cư" ngay trong khuôn viên chùa thờ Phật, văn hóa dân gian hòa lẫn với văn hóa Phật giáo. Người dân đôi khi không phân biệt Phật với Mẫu, nên vẫn hầu đồng và đốt vàng mã trong chùa.

Tuy nhiên, khi yếu tố dân gian bị biến tướng theo mục đích mưu cầu, tất yếu sẽ lấn át yếu tố Phật giáo, khiến cho người ngoài nhìn vào cứ tưởng đó là Phật giáo. Nhất là khi những người có chức quyền, có vị trí xã hội cũng mang những mâm lễ vật cao đầy, vàng mã và cả tiền thật đến chùa để cầu danh lợi thì coi như hợp thức hóa việc làm đó như là một nghi thức chính thống, và dân chúng cứ thế mà làm theo.

* Thưa đại đức, hủ tục rải tiền lẻ, đốt vàng mã là do dân gian đưa vào chùa. Nhưng nếu nhà chùa không cho phép thì dân chúng cũng không thể rải tiền lẻ, đốt vàng mã trong chùa.

- Khi chúng tôi lý giải về sự lấn át của tín ngưỡng dân gian đối với Phật giáo ở Bắc Bộ là để thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trần tục hóa chốn thiêng liêng, trong đó yếu tố văn hóa chỉ là một phương diện cần được tìm hiểu, xem xét. 

Trên quan điểm Phật giáo thuần túy, nếu nhà chùa có cách hướng dẫn hợp lý, từ chối tiền lẻ, vàng mã cũng như các lễ vật phàm tục thì Phật tử đâu dám đưa vào chùa. Và việc này cần có sự thực hiện đồng bộ. Nếu chỉ một vài chùa làm đúng như vậy, nhưng phần lớn các chùa và các cơ sở thờ tự khác vẫn sinh hoạt như thế, liệu có ngăn chặn được tình trạng này không?

Vấn nạn xã hội cần quản lý

* Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề nghị loại bỏ tục đốt vàng mã trong tất cả cơ sở Phật giáo trên toàn quốc, liệu việc này có thể mang lại kết quả như thế nào?

- Đề nghị này là quá cần thiết, và lẽ ra công văn này phải được gửi sớm hơn nữa. Tuy nhiên, công văn cũng chỉ có tính chất đề nghị và chỉ áp dụng đối với các cơ sở Phật giáo trực thuộc sự quản lý của Giáo hội, chỉ đề nghị và không có chế tài, vì Giáo hội không có quyền hạn đó. Quyền đó là của Nhà nước.

Nếu nhà chùa kêu gọi đừng cúng vàng mã, mà vàng mã vẫn cứ sản xuất, vẫn cứ mua bán như một mặt hàng bình thường, vẫn được cấp phép sản xuất, mua bán thì công văn của Giáo hội Phật giáo cũng không có tác dụng nhiều. 

Phải thấy rằng sự biến tướng của vàng mã là một vấn nạn xã hội chứ không phải chỉ là hiện tượng cá biệt xảy ra tại các cơ sở thờ tự hay các chùa.

* Có ý kiến cho rằng chỉ nên ngăn chặn sự biến tướng, không nên dẹp bỏ hoàn toàn. Nếu việc đốt vàng mã không ảnh hưởng gì đến xã hội, đến người khác thì không nên cấm. Đại đức có thể trao đổi lại với ý kiến này thế nào?

- Người dân có quyền làm những gì luật không cấm, nhưng có những việc luật không cấm mà không hay, không đẹp, không lợi cho đời sống thì cũng không nên làm. Có những điều mới xuất hiện trong đời sống mà luật chưa kịp điều chỉnh, nhưng thấy rằng không tốt cho đời sống thì có nên làm hay không?

Lâu nay chúng ta luôn kêu gọi người dân hạn chế đốt vàng mã, hoặc đốt vàng mã ở mức vừa phải, nhưng mức độ nào được coi là vừa phải, thế nào là thái quá? Các cơ quan chuyên trách của Nhà nước cần phải trả lời cụ thể cho dân rõ điều này. 

Đã đến lúc các cơ quan chuyên trách của Nhà nước, các viện nghiên cứu và các nhà hoạt động văn hóa cần ngồi lại để bàn thảo cho rốt ráo và cụ thể. Trên cơ sở đó, Nhà nước sẽ ban hành những quy định cụ thể, xác định rõ cái gì là lễ phẩm thuộc tín ngưỡng dân gian truyền thống, cái gì là vàng mã biến tướng cần phải ngăn cấm...

Về các hộ dân sống bằng nghề sản xuất, kinh doanh hàng mã, Nhà nước sẽ có chính sách chuyển đổi nghề nghiệp cho họ. Việc này chắc chắn sẽ có sự chia sẻ của các doanh nghiệp và có thể nói là cả xã hội. 

Chúng tôi nghĩ trước mắt có thể khó khăn nhưng lâu dài cũng sẽ ổn. Cũng giống như cách giải quyết rất ổn thỏa với các hộ dân làm pháo, buôn bán pháo một thời đó thôi.

"Pháo vàng mã"

* Nhiều người cho rằng Nhà nước nên điều chỉnh vấn nạn vàng mã như nạn pháo. Ý kiến của Đại đức thế nào?

- Nếu pháo nổ gây sát thương thì sự biến tướng của loại "pháo vàng mã" một khi "phát nổ" làm mê muội dân chúng và gây ra biết bao hệ lụy khác cho xã hội. Vì vậy, Nhà nước nên chấn chỉnh ngay loại "pháo" nguy hiểm này.

Phải thể chế hóa bằng văn bản pháp quy thông qua sự tham mưu của các nhà nghiên cứu, các viện khoa học, các ban ngành chuyên trách, kể cả các chức sắc tôn giáo.

Việc này phải có lộ trình, không thể cấm ngay được, phương pháp phải linh hoạt và mang tính nhân văn.

2882246710211175794540203351229671o-5read-only-15203907293621403457660_jpg.jpg
ong-hoang-viet-thang-hue-3read-only-1520390768743324165114_jpg.jpg

Minh Tự thực hiện
(theo TTO)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Cử hành nghi thức niệm Phật cầu gia bị

Bình Định: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh họp thường kỳ triển khai Phật sự cuối năm 2024

GNO - Sáng 11-12, tại Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh (114 Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn), Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp thường kỳ nhằm triển khai các công tác cuối năm 2024, góp ý dự thảo tổng kết Phật sự năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.

Thông tin hàng ngày