GNO - Iodine là loại khoáng chất đặc biệt cần thiết cho hoạt động của tuyến giáp, giúp điều chỉnh sự tăng trưởng, phát triển và trao đổi chất trong cơ thể. Vì cơ thể không thể tự sản xuất ra iodine, chúng ta cần bổ sung đủ khoáng chất này cho cơ thể - theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ.
Một số thực phẩm cung cấp iodine cho cơ thể
Nhu cầu iodine của cơ thể phụ thuộc vào từng giai đoạn. Người trưởng thành cần 150 mcg iodine mỗi ngày, theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Trong thời gian mang thai, nhu cầu này tăng lên đến 220 mcg mỗi ngày và phụ nữ cho con bú cần 290 mcg iodine mỗi ngày.
Ngoài các loại muối có bổ sung iodine, khoáng chất này còn có mặt trong sữa, trứng, phô mai, rau cải được trồng trên vùng đất giàu iodine. Bên cạnh đó, tảo biển và các thực vật biển cũng giúp bổ sung iodine.
Từ khi muối chứa iodine có mặt, tình trạng thiếu dưỡng chất này cũng giảm đi nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 30% dân số thế giới có nguy cơ thiếu iodine, thông tin từ Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ.
Một số biểu hiện thiếu iodine của cơ thể thường thấy:
1. Cảm giác mệt mỏi hoặc suy nhược tinh thần
Iodine là một vi dưỡng chất thiết yếu có mặt trong mỗi mô của cơ thể. Tuy nhiên, đa số chúng ta chỉ biết đến chức năng duy nhất của iodine là sản xuất ra các hormone tuyến giáp thyroxine và triiodothyronine.
Đối với chứng suy giáp, tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường và không sản xuất đủ hormone để giúp cơ thể hoạt động bình thường. Các biểu hiện của suy giáp gồm có: mệt mỏi, táo bón, tăng cân và một số dấu hiệu khác bên dưới đây.
2. Da khô, tóc thưa, dễ bị cảm lạnh
Các dấu hiệu khác của suy giáp là da khô, dễ bị cảm lạnh, mất tóc và yếu cơ. Người nữ có nguy cơ bị suy giáp cao gấp 8 lần so với nam giới; đồng thời suy giáp là một trong những vấn đề sức khỏe hàng đầu của người nữ.
Dù có thể phát triển chứng suy giáp ở bất cứ độ tuổi nào, người nữ dễ gặp bất ổn này nhất sau tuổi mãn kinh.
3. Hiệu quả công việc kém
Ở người trưởng thành, thiếu iodine nhẹ có thể dẫn đến giảm khả năng tư duy và năng suất làm việc. Chúng ta thường cho rằng thiếu iodine là vấn đề sức khỏe của các quốc gia đang phát triển nhưng tại Hoa Kỳ, người mang thai và cho con bú có nguy cơ thiếu iodine cao vì không hấp thu đủ các thực phẩm có chứa dưỡng chất này trong chế độ ăn hàng ngày.
4. Bướu ở cổ
Bướu là sự tăng kích thước của tuyến giáp và là biểu hiện quan sát được của chứng thiếu iodine. Bướu xuất hiện ở phần cổ trước và là dấu hiệu đầu tiên nhất của thiếu iodine.
5. Cảm giác khó thở khi nằm
Bướu cổ lớn có thể khiến bạn khó thở và khó nuốt; đặc biệt là khi nằm xuống - theo Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ.
Iodine đặc biệt quan trọng với phụ nữ mang thai
Trong thời gian mang thai, người nữ cần hormone tuyến giáp nên đòi hỏi phải cung cấp đủ iodine cho cơ thể. Các hormone này tạo ra myelin, bao bọc và bảo vệ tế bào, giúp tế bào tương tác hiệu quả.
Thai phụ thiếu iodine nghiêm trọng có nguy cơ sẩy thai hoặc thai lưu. Thiếu iodine tác động xấu đến sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Thiếu iodine trong thai kỳ làm suy giảm sự phát triển thần kinh của thai và bất lợi cho não bộ của em bé.
Thiếu iodine chính là nguyên nhân gây thiểu năng não ở trẻ, vốn có thể ngăn ngừa được; hoặc gây hạn chế phát triển não bộ, ảnh hưởng trí thông minh của trẻ.
Trong một số trường hợp, các chuyên gia kết luận thiếu iodine dẫn đến rối loạn tập trung giảm chú ý (ADHD) ở trẻ. Do vậy, phụ nữ mang thai, đang cho con bú và có ý định mang thai được khuyến nghị hấp thu bổ sung 150 mcg potassium iodine mỗi ngày.
Huệ Trần
(theo The Healthy)