GNO - Sự thông minh của con người không cố định khi sinh ra. Các cách dưới đây có thể giúp đầu óc chúng ta nhanh nhạy hơn, nếu thực hành thường xuyên.
1 - Sử dụng đèn sáng
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Bang Michigan, vật thử được cho tiếp xúc với loại đèn sáng hơn cho thấy những cải thiện đáng kể trong thực hiện một số nhiệm vụ, trong khi vật thử ở trong môi trường đèn tối hơn giảm 30% khả năng hoạt động của hồi hải mã - khu vực não bộ chịu trách nhiệm học tập và trí nhớ.
Ở trong môi trường ánh sáng tốt có thể thật sự giúp tăng cường sự tỉnh táo đầu óc và khả năng tư duy.
Thiên nhiên có thể là diệu dược cho trí não chúng ta
2 - Nhìn cảnh thiên nhiên
Thiên nhiên có thể là diệu dược cho trí não chúng ta. Hòa mình vào thiên nhiên có thể giúp cải thiện sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề khoảng 50% - theo kết quả nghiên cứu của Đại học Utah.
Các chuyên gia lý giải rằng khi hòa mình vào thiên nhiên, vùng vỏ não trán trước - giữ vai trò quan trọng trong tư duy phản biện, đưa ra quyết định, hoạch định, kiểm soát áp lực được thư giãn.
Thậm chí nếu không thể đi ra ngoài, việc nhìn vào các tranh ảnh tự nhiên cũng giúp tăng khả năng hoàn thành công việc mà không gây ra sai sót.
Hãy đi dạo bộ vài phút sau giờ ăn trưa hay chỉ cần nhìn ra ngoài cửa sổ để giúp não bộ phục hồi và nghỉ ngơi.
3 - Hãy vận động
Để cho cơ thể di chuyển và đổ chút mồ hôi cũng mang lại tác dụng tốt cho tư duy. Vận động giúp cải thiện chức năng xử lý vấn đề, làm tăng khả năng ghi nhớ và học tập nhờ lượng oxy lưu thông đến não được tăng cường.
Vận động cũng giúp loại thải các phế phẩm ra khỏi não bộ, yếu tố làm đầu óc chúng ta lờ mờ vào thời gian giữa ngày.
4 - Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Bên cạnh tác dụng tốt cho não của thiên nhiên và thể dục, vitamin D từ ánh sáng mặt trời cũng tốt cho sức khỏe não bộ. Vitamin D giúp khả năng tư duy tốt hơn, tập trung và tốc độ xử lý thông tin tốt hơn.
Tiếp xúc trực tiếp với vitamin D cũng giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập.
5 - Đi ngủ sớm
Chúng ta đều biết rằng đầu óc lơ mơ cũng có thể do ngủ không đủ giấc. Ngủ đầy đủ rất có lợi cho hoạt động của não bộ.
Các nhà nghiên cứu Đại học Rochester phát hiện ra rằng, khi bạn ngủ các dịch trong tế bào não làm sạch các phế phẩm protein độc hại tích tụ trong não khi chúng ta thức.
Giấc ngủ đủ giúp làm tăng sự tỉnh táo, tập trung, khả năng giải quyết vấn đề, tốc độ tư duy, khả năng tư duy hợp lý và trí nhớ.
Tổ chức Giấc ngủ Hoa Kỳ khuyên người trưởng thành nên ngủ khoảng 7-9 tiếng đồng hồ mỗi đêm để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần.
6 - Ghi chú bằng tay
Đừng nên lúc nào cũng ghi chú và ghi chép bằng máy tính hay máy tính bảng. Theo nghiên cứu từ Princeton, người hay ghi chú bằng tay có sự chọn lọc tốt hơn những gì mình ghi lại (vì viết tay không nhanh bằng gõ trên máy) và quá trình ghi chép này giúp hiểu rõ và duy trì ý tưởng tốt hơn.
7 - Chỉ tập trung mỗi lúc một việc
Dù bạn có khả năng đa tác vụ thì không hẳn là bạn thông minh. Thật ra, cố gắng tập trung vào nhiều thứ cùng một lúc làm suy giảm khả năng của não bộ. Đa tác vụ làm cho não mệt mỏi.
Nghiên cứu của Đại học Stanford khẳng định: Đa tác vụ kém năng suất hơn làm từng việc mỗi lúc và những người cho rằng đa tác vụ tốt cho họ có kết quả làm việc kém hơn. Hãy tuần tự làm từng việc một, hết việc này sang việc khác giúp não bộ không bị gián đoạn, làm cho khả năng hoàn thành một việc hoàn hảo hơn.
Không gian làm việc yên tĩnh cũng giúp hiệu suất công việc tăng lên. Và không nên đeo tai nghe khi làm việc. Tuy nhiên, nhạc cổ điển lại hỗ trợ tích cực cho trí não.
Đức Hòa
(theo Reader’s Digest)