8 pho tượng Di Lặc vĩ đại

GN - Tượng Đức Phật Di Lặc với nụ cười đại hoan hỷ được xem là biểu tượng của niềm an vui và hạnh phúc. Theo quan niệm dân gian thì Phật Di Lặc còn là biểu tượng của sự may mắn. Do sự khác biệt về văn hóa, quan điểm thẩm mỹ và truyền thống Phật giáo khác nhau, cho nên hình tượng Phật Di Lặc cũng khá đa dạng và mang nhiều sắc tướng khác nhau trong truyền thống mỹ thuật Phật giáo ở các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Tuong Di Lac o Dai Loan 4.jpg

1. Tượng Phật Di Lặc vĩ đại ở Đài Loan

Đây là pho tượng Phật Di Lặc trong tư thế đứng thẳng, cao 72m, tay phải nâng hình quả địa cầu như là biểu tượng của sự nâng đỡ và cứu khổ nhân sinh, tôn trí bên cạnh hồ Emei, ở thị trấn Emei, gần Beipu, thuộc tỉnh Xinzhu, Đài Loan. Trong hiện tại thì pho tượng này là pho tượng Phật Di Lặc cao nhất trên thế giới.

Pho tượng này là một công trình trong nhiều công trình của Thiên Ân Di Lặc Phật Viện hiện đang trong quá trình xây dựng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 10-2002. Thiên Ân Di Lặc Phật Viện là một dự án lớn, bao gồm nhiều hạng mục như là: Phật đường, giảng đường, trường học, bệnh viện, nhà hàng, nhà nghỉ… được xây dựng trên khuôn viên rộng 10 hecta. Sau khi hoàn thành, Thiên Ân Di Lặc Phật Viện sẽ là một trung tâm văn hóa, giáo dục lớn và còn là một điểm đến của nhiều người khi đặt chân lên đất Đài Loan. 

Lac Son Dai Phat o Trung Hoa.jpg

2. Lạc Sơn Đại Phật ở Trung Quốc

Lạc Sơn Ðại Phật còn được gọi là Lăng Vân Ðại Phật, cách thị xã Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên khoảng 3km về phía Đông. Pho tượng Lạc Sơn Đại Phật là một pho tượng Phật Di Lặc rất đặc biệt, được tạc nguyên từ vách núi đá Thê Loan của núi Lăng Vân. Chính diện của pho tượng hướng ra dòng sông, đây là nơi hợp lưu của ba con sông Mân Giang, Thanh Y và Ðại Độ.

Lạc Sơn Ðại Phật cao 71m, được tạc vào đời Đường Khai Nguyên (713), do HT.Hải Thông chỉ đạo, kéo dài đến 90 năm mới hoàn thành. Tương truyền, tại ngã ba sông ấy nước chảy cuồn cuộn, thuyền bè qua lại thường gặp nạn, bị đắm chìm, nên ngài Hải Thông phát tâm đi khắp nơi quyên góp để biến núi thành Phật hầu che chở, bảo hộ cho chúng sinh. Từ khi có tượng Phật Di Lặc ngự ở đó thì ngã ba sông trở nên yên bình, thuyền bè qua lại không còn bị nạn nữa.

Đầu của pho tượng cao ngang đỉnh núi, chân đạp trên mặt sông, mắt dài 3,3m, mặt cao 14,7m, rộng 10m, tay dài 7m, vai rộng 24m, lỗ tai đứng được 2 người, bàn chân có thể chứa hơn 100 người. Vào năm 1996, UNESCO đã công nhận Lạc Sơn Đại Phật là một trong những di sản văn hóa của thế giới. 

Di lac o nui Tuyet Dau, Trung Hoa.jpg

3. Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, Trung Quốc

Tượng Phật Di Lặc tại núi Tuyết Đậu, thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc là một pho tượng Phật bằng đồng, trong tư thế ngồi, cao 56,74m. Riêng phần thân của Phật cao 33m, Phật ngồi trên tòa sen cao 9m và phần bệ của pho tượng cao 14,74m. Bên cạnh đó còn có các công trình phụ. Tổng diện tích của khuôn viên tượng Phật là 12.000m2.

Công trình này được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2005 và hoàn thành vào tháng 11-2008, với tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu nhân dân tệ. Pho tượng được đúc từ 500 tấn đồng, cùng với 400 tấn sắt để tạo cốt sắt ở bên trong. 

Di lac tai chua Beopjusa, Han Quoc.jpg

4. Tượng Phật Di Lặc tại chùa Beopjusa, Hàn Quốc

Chùa Beopjusa là một trong những ngôi chùa cổ nhất và lớn nhất ở Hàn Quốc. Chùa nổi tiếng với pho tượng Phật Di Lặc cao 33m. Đây là pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng, được xây dựng từ năm 1986, đến năm 1990 mới hoàn thành. Sau đó pho tượng được phủ một lớp vàng lá và bột màu, cho nên hiện tại pho tượng có màu vàng óng. 

Di Lac tai chua Intharawihan, Bangkok, Thai Lan.jpg

5. Tượng Phật Di Lặc ở chùa Intharawihan, Bangkok, Thái Lan

Chùa Intharavihan tọa lạc tại quận Nakhon, thủ đô Bangkok, Thái Lan. Chùa được xây dựng từ thời vương quốc Ayutthaya (1350-1767). Chùa có nhiều công trình kiến trúc cổ rất có giá trị. Trong đó, nổi tiếng nhất là pho tượng Phật Di Lặc cao 32m tọa lạc trong khuôn viên của chùa. Phải mất hơn 60 năm mới hoàn thành được pho tượng này.

Tượng Phật được khảm bằng những thủy tinh và vàng 24 cara. Trong búi tóc của pho tượng có lưu giữ xá lợi Đức Phật Thích Ca được thỉnh về từ Sri Lanka.

Di Lac tai thung lung Nubra, Ladakh, An Do 3.JPG

6. Tượng Phật Di Lặc tại thung lũng Nubra, Ladakh, Ấn Độ

Tượng Phật Di Lặc ở thung lũng Nubra cao 32m, mặt hướng về phía dòng sông Shyok, một con sông bắt nguồn từ thượng nguồn Ladakh, Ấn Độ và chảy xuôi dòng về phía Pakistan. Pho tượng tọa lạc trên một đỉnh núi, gần tu viện Diskit. Nhìn từ xa, pho tượng hiện lên uy nghiêm và hùng vĩ giữa bầu trời trong xanh. Pho tượng được xem như là biểu tượng cho sự bình an.

Pho tượng được khởi công xây dựng vào tháng 4-2006 và khánh thành vào ngày 25-7-2010 với sự chứng minh, tham dự của Đức Dalai Lama thứ 14. Tất cả kinh phí xây dựng pho tượng là do người dân địa phương hiến cúng. 

Di Lac tai tu vien Likir Ladakh, An Do.jpg

7.  Tượng Di Lặc tại tu viện Likir, Ladakh, Ấn Độ

Tu viện Likir là nơi thường diễn ra các lễ hội truyền thống hàng năm của người Tây Tạng ở Ladakh. Tại tu viện có nhiều công trình kiến trúc, nhiều pho tượng Phật vĩ đại. Trong số đó, đáng chú ý nhất là pho tượng Phật Di Lặc lộ thiên cao 23m. Dưới bệ của pho tượng là một viện bảo tàng nhỏ, nơi lưu trữ và trưng bày những bức tranh Thangka và trang phục truyền thống của người Tạng nói chung, cùng với những pháp phục cổ truyền của Phật giáo Tây Tạng.  

Di Lac tai chua Binh Linh, Trung Hoa.jpg

8. Tượng Phật Di Lặc tại chùa Bính Linh, Trung Quốc

Trải qua thời gian, những tác động của thiên nhiên và con người, nhiều công trình, hang động chứa nhiều tác phẩm mỹ thuật Phật giáo được kiến tạo từ năm 420 ở chùa Bính Linh (Vĩnh Tĩnh, Cam Túc) đã bị hư hoại. May mắn một số công trình vẫn tồn tại để hậu thế chiêm ngưỡng. Nổi bật là pho tượng Phật Di Lặc được tạc trực tiếp vào vách núi đá theo phong cách tương tự như của những pho tượng Phật ở thung lũng Bamiyan, Afghanistan (đã bị phiến quân Taliban bắn phá vào tháng 4-2001). Pho tượng Phật Di Lặc trên vách núi ở chùa Bính Linh cao 27m. Hình dáng của pho tượng hiện còn khá nguyên vẹn. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày