Afghanistan: Tạm hoãn việc khai thác đồng tại nơi mới phát hiện di tích Phật giáo

(GNO):  Ngày 5-12, Bộ trưởng Bộ Khai thác khoáng sản - Công nghiệp Afghanistan cho hay, việc bảo vệ những di tích, di vật Phật giáo cổ tại điểm khai thác mỏ đồng khổng lồ của Afghanistan do một công ty Trung Quốc làm chủ đầu tư có thể tốn mất 3 năm và sẽ làm chậm trễ việc thực hiện dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này.

Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện những di tích, di vật Phật giáo tại mỏ đồng ở Aynak, Tây nam thủ đô Kabul, gồm: một ngôi chùa, các bảo tháp, các bích họa và một số tượng Phật cao vài mét có niên đại hơn 15 thế kỷ.

 

Mỏ đồng ở Aynak là một trong những mỏ có khối lượng đồng lớn nhất thế giới với trữ lượng được xác định khoảng 9 triệu tấn. Dự án khai thác mỏ đồng này do Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC) làm chủ đầu tư. Theo dự báo của MCC, dự án sẽ mang lại cho Chính phủ Afghanistan khoảng 400 triệu Mỹ kim hàng năm.

 

Việc phát hiện những di tích, di vật Phật giáo cổ “đã làm chậm trễ việc thực hiện dự án khai thác đồng, nhưng đó là việc mà chúng tôi có thể chấp nhận được”, ông Wahidullah Shahrani, Bộ trưởng Bộ Khai thác khoáng sản - Công nghiệp phát biểu sau cuộc họp với MCC, phái đoàn khảo cổ Pháp tại Afghanistan (DAFA), Liên Hợp Quốc và các lực lượng Hoa Kỳ.

divataynak1.jpg

Các tượng Phật được phát hiện trong một ngôi chùa ở Aynak,

 nơi một công ty của Trung Quốc đang khai thác đồng

divataynak2.jpg

 

“Một số hoạt động khai thác đồng sẽ bị tạm ngưng, tuy nhiên MCC ý thức được trách nhiệm của họ, và họ sẽ tiếp tục tiến hành khai thác ngay sau khi được sự cho phép của các nhà khảo cổ”, ông Bộ trưởng nói.

 

Afghanistan đã cam kết bảo tồn di sản kiến trúc Phật giáo vốn thường xuyên bị đe dọa bởi các thế lực Hồi giáo cực đoan. Một trong những công trình kiến trúc tiền Hồi giáo nổi tiếng nhất của Afghanistan là Đại Phật tượng Bamiyan khắc trên vách núi đá đã bị phiến quân Hồi giáo Taliban bắn phá năm 2001.

 

Ông Zou Jianhui, Chủ tịch MCC nói, việc phát hiện các di tích Phật giáo ở Aynak hẳn có ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác mỏ. “Nó có thể là một thời gian dài” trước khi việc khai thác được bắt đầu trở lại. MCC không những đã cam kết bảo tồn các di tích ở Aynak, mà còn hứa phát triển việc khai thác mỏ.

divataynak3.jpg

Một pho tượng Phật gỗ có niên đại 1.400 năm ở Aynak

divataynak4.jpg

Địa điểm phát hiện các di tích, di vật Phật giáo

 

Hôm Chủ nhật, phái đoàn khảo cổ Pháp tại Afghanistan (DAFA) đã đệ trình báo cáo đánh giá sơ bộ địa điểm phát hiện di chỉ Phật giáo ở Aynak. Theo đó, 14 vị trí đã được xác định có thể phát hiện các di tích, di vật Phật giáo, ông Shahrani nói, và thêm rằng các nhà khảo cổ phát biểu tại cuộc họp hôm đó rằng tất cả các di vật có thể bị di dời.

 

“Để bảo tồn các di vật Phật giáo cho các thế hệ kế tiếp trong giai đoạn này, theo nghị quyết của cuộc họp giữa các bên liên quan thì tất cả mọi di vật nên được di dời. Tạm thời, các di vật sẽ được chuyển vào một nhà kho gần địa điểm phát hiện. DAFA sẽ đệ trình phương án cuối cùng về cách di dời an toàn các di vật này ra khỏi Aynak, cách chúng tôi có thể bảo quản chúng, nơi chúng tọa lạc và cách chúng tôi sẽ bảo tồn chúng”, ông Shahrani cho biết.

 

Bộ Khai thác khoáng sản - Công nghiệp và Bộ Văn hóa - Thông tin Afghanistan đã ký thỏa thuận hợp tác bảo vệ cũng như bảo tồn các di vật Phật giáo phát hiện ở Aynak. Bộ trưởng Shahrani nói, trong Luật Văn hóa và Luật Khai thác khoáng sản của Afghanistan có điều khoản về bảo tồn rằng ưu tiên việc di dời an toàn và bảo tồn các di tích, di vật khảo cổ hay văn hóa hơn là việc khai thác khoáng sản.

 

“Chúng tôi đang tiếp cận phương thức bảo tồn và di dời an toàn những di vật này một cách rất thận trọng , vì chúng không chỉ là di sản vô giá của Afghanistan mà còn của toàn thể nhân loại”, ông Bộ trưởng Bộ Khai thác khoáng sản - Công nghiệp khẳng định tại Aynak.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

Truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh (Vĩnh Long) lên giáo phẩm Hòa thượng

GNO - Thông tin từ Văn phòng Đức Pháp chủ, sau khi xem xét đệ trình của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Đức Pháp chủ GHPGVN đã chuẩn y, ban hành quyết định truy phong Thượng tọa Thích Phước Hạnh, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Vĩnh Long lên giáo phẩm Hòa thượng.

Thông tin hàng ngày