Tuổi thơ trôi cùng lũ bạn trên dòng Đại Giang. Tôi lớn dần với thời gian và nổi trôi theo dòng chảy cuộc đời. Tôi đã từng luyến tiếc tuổi thơ khi không thực hiện được khát vọng xuất gia ngay từ lúc ấy. Quê tôi nghèo bởi mảnh ruộng, bởi con cá, bởi dòng nước vơi đầy theo mùa mưa nắng. Và còn nghèo hơn khi cứ bận rộn lo cho cuộc sống mà thiếu đi cái chất của tâm hồn. Lối sống và cách nghĩ của quê nghèo vẫn cứ sờ sờ cùng năm tháng.
*
Năm ấy, lúc vừa thi phổ thông xong, tôi ngỏ lời muốn xuất gia nhưng chẳng một ai đồng ý. Lần lên thành phố thi tốt nghiệp ấy, tôi đã gặp màu áo nâu với hộp cơm miễn phí. Tôi đã gặp Thầy - chẳng khác nào một mớ nhân duyên như những hạt cơm kết dính ở trong hộp. Tôi biết thế nào là cuộc sống, biết thế nào là vun bồi tâm hạnh an vui và biết thế nào là chìm đắm trong vòng đối đãi. Hình ảnh người mà tôi gọi tên Thầy thân thiết ấy theo tôi suốt chặng đường dài của cuộc sống.
*
Chùa quê tôi từ ngày có thầy về trú trì, mọi thứ thay đổi rất nhiều. Ngôi chùa đơn sơ nghèo nàn nhưng mang đầy sức sống cùng với sức sống tâm hồn của người dân. Thầy mang dáng dấp của vị thầy mà tôi không biết tên ngày ấy. Hơn 2 năm thầy về đây tôi mới có cơ hội gần gũi và nói chuyện với thầy. Có lần tôi thưa vì sao thầy không ở một nơi tốt hơn mà về mảnh quê bên sông Đại Giang với con nước vơi đầy theo năm tháng này. Bấp bênh lắm thầy ơi. Thế mà thầy cười, nói đơn giản thầy muốn cùng con nước vơi đầy, cùng bà con theo nhịp sống nổi trôi nhưng không mất đi tấm lòng lương thiện. Đúng là tấm lòng lương thiện trong ai cũng có nhưng thường bị cuốn trôi theo dòng mưu sinh, dòng sống và dòng tồn tại.
*
Đứa em tôi xuất gia được hơn nửa năm nay. Sau những đêm đi tụng kinh cùng lũ bạn, nó xin ba mẹ tôi. Ba mẹ đồng ý và nhờ thầy gửi lên thành phố tu học. Giá như ngày trước thầy về đây sớm hơn thì tôi cũng đã là người tu rồi. Giờ không còn phải im lặng mà lắng nghe biết bao nỗi buồn từ cõi lòng ba mẹ.
Những năm tháng sống ở Sài Gòn, tôi vẫn quyết định không lấy chồng, không muốn yêu ai. Cái ngày xin ba mẹ xuất gia không thành ấy, tôi vào Sài Gòn học đại học. Gần cả chục năm trời ở chốn đô hội này, tôi càng thấy rõ cuộc sống của kiếp nhân sinh.
Tôi tốt nghiệp rồi đi làm. Ba mẹ hỏi thăm, mong tôi có người yêu, sớm lập gia đình.
Ba năm. Bạn bè cùng lớp ra trường có gia đình, có những mụn con dễ ghét càng làm cho ba mẹ tôi thêm buồn và lo cho tôi. Đứa con gái như tôi, tới tuổi này mà chưa có người yêu, chưa có chồng thì biết bao cái nhìn lạ lẫm. Nhìn rồi nói, rồi chê, rồi suy xét. Mẹ nhiều lần đề cập chuyện chồng con với tôi.
- Con định khi mô cưới đây? Cái giọng đặt sệt miền Trung của mẹ mang sự thôi thúc và lo lắng rất nhiều.
Tôi nói:
- Không lấy chồng thì làm sao mà cưới!
Vừa nói tôi vừa cười, ôm mẹ. Sâu thẳm trong mắt mẹ hiện lên những vệt lo lắng không nguôi.
- Con gái lớn ở rứa không lấy chồng thì con biết người ta nói gì không?
- Mặc kệ đi mẹ à. Thời đại này vì sao vẫn phải lấy chồng mới được hả mẹ. Biết bao cảnh vợ chồng làm khổ nhau hàng ngày đó mẹ. Nếu ngày trước mẹ cho con xuất gia thì bây giờ mẹ không phải lo như vậy đâu.
Mẹ gõ đầu tôi:
- Cha mi. Ngày trước không vì lo cho mi thì cũng đã cho đi tu rồi.
- Giờ mẹ cũng lo chồng cho con vì quan niệm ấy chứ gì nữa?
Mẹ không nói. Mà đúng thế. Ngày trước, cứ nghĩ đi tu là bởi thất tình hay gì đó. Cứ nghĩ cửa chùa là để chôn vùi những mảnh đời, những tâm hồn đau khổ. Ai cũng nghĩ sinh con ra, nuôi nấng, cho học hành, lớn lên kiếm miếng ăn, rồi lấy vợ gả chồng, sinh con, báo đáp ơn cha nghĩa mẹ chứ ai lại đi tu. Con gái tuổi này chưa chồng thì người ta bàn tán này nọ đủ điều. Thế nào cũng nói: con này vô duyên, con này xấu mà kiêu, nó bị gì nên mới không ai yêu hay chưa chồng vì ba mẹ ăn ở thất đức, không để duyên cho nó. Cứ thế, người này một tiếng, người khác một tiếng nên biết bao người con gái cứ phải lớn lên liền lo chuyện chồng con.
Tiếp liền 2 năm tôi không về nhà. Ba mẹ cứ điện thoại, cứ nghĩ tôi không có tiền để về. Quê tôi nhiều người vẫn thế. Đi làm ăn xa, Tết phải về nhà. Tết không về, không chỉ ba mẹ buồn vì vắng mặt đứa con trong bữa cơm cuối năm mà còn buồn vì nhìn đời mình và đời người khác. Con người ta về quê ăn Tết tại sao con mình không về. Con nhà người ta làm tiền nhiều, con mình làm không có tiền nên không về. Ôi, ta vẫn cứ so sánh rồi thấy hơn thua, cao thấp để tự ta thấy khổ chứ ai làm cho ta khổ được.
Tết năm ấy tôi không về, chỉ gửi ít tiền về nhà. Tôi xin ba mẹ ở lại để đến chùa làm chút công quả cầu nguyện cho cả nhà sang năm được thuận duyên, vui vẻ.
Công ty tôi làm ngày càng nhiều hợp đồng. Tới đây tôi cũng được tăng lương cùng cái chức trưởng phòng tổ chức. Cuộc sống ổn định và rất tốt nhưng tôi vẫn sống thế, không muốn lấy chồng.
Giữa hè năm ấy tôi về nhà, thưa mẹ:
- Mẹ ơi? Con xin mẹ một lần này nữa thôi!
Trong bữa cơm ấy, không ai nuốt nổi. Thế là ba mẹ tôi đồng ý…
*
Mỗi tối mẹ vẫn thắp hương trước tôn tượng Bồ-tát Quán Âm. Mẹ cầu cho hai đứa con gái của mẹ an vui trong việc tu việc học. Mẹ đã khổ nhiều vì lời bàn tán, giờ bù lại mẹ thấy mẹ vui. Người ta vẫn khen cái nhà có phước, một nhà mà có tận hai sư cô.