Ám ảnh vì làm ngành thủy sản, phải làm sao để lòng thanh thản?

Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa
0:00 / 0:00
0:00

GN - Hỏi: Tôi là Phật tử, trước đây vì chưa hiểu Phật pháp nên đã chọn ngành học chuyên về thủy hải sản. Nay được làm việc đúng chuyên ngành quản lý, thu nhập ổn định, dù không trực tiếp giết hại nhưng tôi rất xót xa vì hàng ngày phải chứng kiến cái chết của hàng vạn chúng sinh. Tôi muốn nghỉ việc và đi tìm một công việc khác bớt tạo nghiệp hơn cho lòng thanh thản. Tuy vậy, để tìm một công việc khác với chuyên ngành là điều rất khó khăn đối với hoàn cảnh bản thân cũng như tình hình kinh tế xã hội đang trong đại dịch hiện nay. Vậy tôi phải làm sao? Mong quý Báo cho tôi một lời khuyên.

(DUNG THU, thudung97...@gmail.com)

Bạn Dung Thu thân mến!

Dân gian từ xa xưa đã biết rõ vấn đề nghề nào nghiệp đó. Dù cho là nghề cao quý hay tầm thường cũng đều có nghiệp. Ngay cả những nghề được xã hội tôn vinh là thầy như thầy thuốc, thầy giáo nếu sơ suất hay dụng tâm tà vạy cũng vẫn có thể tạo ác nghiệp như thường. Người Phật tử làm việc để mưu sinh cần tránh những nghề thuộc về tà mạng như buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán thịt (đồ tể), buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc, còn lại các việc đều có thể làm. Bạn làm quản lý cho công ty thủy sản, vì mưu sinh nên có cộng nghiệp giết hại là công việc có thể chấp nhận được.

Vì thế, khi chưa tìm được việc khác phù hợp thì bạn cứ làm việc cũ bình thường. Bởi lẽ, căn cứ theo luật định thì bạn không tạo nghiệp sát sinh, chỉ liên quan đến cộng nghiệp sát hại mà thôi. Mặt khác, nhờ hiểu rõ nghề nào cũng có nghiệp nên bạn hãy chấp nhận phần cộng nghiệp sát hại của mình. Song hành với đặc điểm của công việc mang cộng nghiệp sát hại, bạn hãy phấn đấu để chuyển những nghiệp xấu khác trước như không trộm cướp, không tà hạnh, không nói dối, không say nghiện đồng thời tăng cường làm việc thiện như tu học, bố thí, phóng sinh… để vun bồi thêm phước đức.

Bạn cũng cần tư duy sâu hơn, nếu nghỉ việc hiện tại mà không tìm được việc mới phù hợp về chuyên môn cũng như thu nhập thì các hệ lụy khác lại theo đó mà phát sinh. Bạn có thể tránh được cộng nghiệp giết hại (thực tế thì không ai có thể tránh được cộng nghiệp này, kể cả những người ăn chay trường) nhưng có khả năng cao bị chi phối bởi các nghiệp ác khác. Và “cái khó bó cái khôn”, tạo thêm ác nghiệp lại là vòng lẩn quẩn. Nên bạn cần bình tĩnh, quán xét và cân nhắc nhiều chiều, trước mắt cần cố gắng chuyển các nghiệp xấu khác, tích cực làm thiện để cân bằng phước nghiệp của mình, chỉ thay đổi chỗ làm khi tìm được việc mới phù hợp.

Chúc bạn tinh tấn!

Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Họa sĩ Kim Đức

Quy y

GNO - Cái tin chị đi tu làm ai cũng ngỡ ngàng. Bọn thanh niên trong khu phố tiếc hùi hụi vì từ nay không còn ai để theo đuổi, trêu ghẹo. Người già, nhất là những người chuộng trang phục áo dài, áo bà ba lấy làm buồn lắm, bởi chị là một cô thợ may may đồ kiểu xưa rất đẹp.
Chuông chùa Nhật Bản, giống như chuông chùa của các nước khác, được đánh từ bên ngoài bằng chày hoặc thanh xà treo chứ không phải bằng một quả lắc bên trong.

Phạm chung trong đời sống văn hóa, tôn giáo của người Nhật

NSGN - Phạm chung ( bonshō, 梵鐘), cũng được gọi là điếu chung ( tsurigane, 釣鐘) hay đại chung ( ōgane, 大鐘), là những chiếc chuông lớn được nhìn thấy trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản, dùng để thỉnh mời các Tăng sĩ tập họp hành lễ và để phân định các mốc thời gian trong ngày.

Thông tin hàng ngày