Ăn chay, nói chuyện...bao đồng

Thuở nhỏ, dù không hiểu gì về Phật giáo, nhưng những dịp được đi qua những ngôi chùa làng rêu phong thời gian, lặng lẽ nếp dưới những rặng tre già trầm mặc, trước sân chùa cây bồ đề cổ thụ rắc đầy lá như một lão nhân vô nhiễm trước bão táp trần gian… tôi lại có cảm giác an nhiên. Sau này, đi học ở Huế, lũ sinh viên chúng tôi thường chọn chùa chiền làm nơi ôn bài, ngoài thời gian ngồi triền miên trong các quán cà phê ngắm mưa xứ Huế. Chùa ở Huế rất nhiều, phật tử Huế rất đông; các thầy, các sư, các tăng ni, phật tử Huế lại rất trọng sự học. Vì thế mà chùa chiền ngoài là nơi yên tịnh để chúng tôi học bài còn là nơi cưu mang không ít lần “đứt bữa” vì tiền nhà chưa gửi kịp. Đói ăn cái gì cũng ngon hay món chay Huế quá ngon không biết, nhưng quả thực đối với chúng tôi những bữa ăn như thế đáng để nhớ suốt đời.

alt

Món chay

Sau này, thỉnh thoảng ghé quán ăn chay nhưng không ít lần ngần ngại vì những ánh mắt thiếu thiện cảm của những người cứ nhìn mình như là kẻ trốn đời hoặc cố làm ra vẻ thánh thiện(!). Cho đến một ngày, vợ tuyên bố ăn chay hai lần trong một tháng với lý do cho đỡ ngán, để phòng bệnh và gì gì đó nữa. Đứa con cũng theo mẹ đòi ăn chay vào ngày rằm và mồng một (thì ra nó đã từng theo mẹ phụ giúp làm các cỗ chay dịp lễ ở các chùa). Thấy cũng hay hay, vậy là hùa theo và có dịp ăn ké đổi món, kể cũng hay, dù có khi sáng chay chiều… mặn.

Đời sống bây giờ đã khấm khá lên nhiều. Bữa ăn thừa mứa cá thịt, món ăn phong phú đa dạng, chế biến cầu kỳ; rau củ quả cũng được xào, nấu, trộn, ủ theo kiểu Tàu, kiểu Tây lạ hoắc. Không ít gia đình đã quen dần với các món ăn xứ người. Nhịp sống nhanh, mọi thứ cần phải nhanh và tương lai đồ ăn nhanh lên ngôi là điều hợp xu thế. Thế nhưng cũng thật lạ, không thiếu những người “muôn năm cũ” cứ đi tìm nhúm lá nghệ, lá gừng về kho rim con cá dụn, con tép đồng hoặc lẩn thẩn tìm hái đủ loại rau lá mọc hoang nấu nồi canh rau tập tàng gọi là để giải nhiệt. Cuộc sống tốt hơn nhưng dường như cảm giác bất an cũng hiện hữu gần hơn đối với không ít người. 

Tôi rảo quanh một vòng chùa quê vào những buổi tối và dễ dàng nhận thấy hình như người ta đến chùa nhiều hơn và cũng khá nhiều người thích ăn chay như là một liệu pháp để thanh lọc cơ thể, thanh tịnh tâm hồn. Với tôi điều đó cũng bình thường, thậm chí là rất đáng quý!

Một bữa ghé thăm chùa Long Hoa (Trường Xuân, Tam Kỳ). Bữa chay hôm đó, ngoài việc nghe những câu chuyện Phật đà và sự thế thăng trầm của sư thầy Phước Minh, quả thực những món chay hôm ấy đúng là “cỗ”. Ngoài đĩa chả, nem rán giống như chả bò, nem heo và món bánh tét chay, tôi đặc biệt chú ý món nấm mối xào rau cần. Vị béo, ngọt bùi của nấm mối tự nhiên quyện chặt với vị thơm đậm của rau cần khiến người ta quên đi những món thịt cá ngậy mùi dầu mỡ. Cuối bữa lại còn được thưởng thức món cải tần ô nấu canh với những loại rau gì đó mà tôi chưa biết tên rất mát ruột mát lòng… 

Ghé quán chay 320 Phan Châu Trinh - Tam Kỳ gặp thầy Nguyên Đường (chùa Hòa An) tôi lại có dịp biết thêm về văn hóa ăn chay với những luận giải khá thú vị. Ông bảo rằng ăn chay là để tránh “nợ nhân quả máu xương” và nói một cách nôm na thế này: “Cây cỏ cũng có sinh mệnh, nhưng nếu cắt ngọn này nó sẽ mọc ngọn khác, chứ như động vật cứ cắt đầu là sẽ chết”. Rồi ông chuyển sang nói về tác dụng của món chay đối với sức khỏe con người ấy là ăn chay có thể phòng tránh được các bệnh như thừa đạm, béo phì… Thầy khuyên những người ăn chay nên chọn các loại rau từ tự nhiên như nấm mối, rau dớn, mít, chuối…, không lạm dụng nước tương (xì dâu) và mì chính. 

Thôi thì cứ nghĩ “Phật tại tâm” mà cố gắng hướng thiện, chứ dứt bỏ sân si quả thực là khó. Chay mặn tùy tâm, có khi là cách thức buông bỏ những ám ảnh về sự thể hiện lòng từ bi của những kẻ phàm trần!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Ảnh: Phùng Anh Quốc

Đức Phật dạy lìa xan tham

NSGN - Chữ “xan tham” là cách dịch của Thầy Minh Châu, với chữ xan là keo kiệt, và tham là tham muốn. Cả hai chữ xan và tham đều có nghĩa gần nhau, đều là chấp có cái gì là “ta” và “của ta” và “muốn gì cho ta”.

Thông tin hàng ngày