GN - Theo truyền thống, mỗi năm, chư Tăng Ni trong các giáo đoàn của Hệ phái Khất sĩ lại tập trung về các tổ đình hay tịnh xá để thúc liễm thân tâm, trau dồi giới hạnh, cũng như được lắng nghe những lời chỉ dạy từ các bậc trưởng lão lãnh đạo.
Từ lâu, tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh) và tịnh xá Ngọc Phương (Q.Gò Vấp) được biết đến là hai điểm tập trung an cư lớn nhất của Phật giáo Khất sĩ trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.
Điểm an cư của chư Ni hệ phái Khất sĩ tại tịnh xá Ngọc Phương
Thúc liễm tự thân, nêu cao tinh thần lục hòa cộng trụ
An cư là dịp để mỗi cá nhân Tăng Ni thể hiện tinh thần lục hòa cộng trụ. Trao đổi với ĐĐ.Thích Giác Hoàng, Phó Quản chúng điểm an cư tập trung tại tịnh xá Trung Tâm, chúng tôi được biết: cũng như tinh thần an cư của Phật giáo Bắc tông, đây là khoảng thời gian chư Tăng Hệ phái Khất sĩ hạn chế tiếp xúc các trần duyên, chuyên tâm khép mình trong giới luật và những quy định của thiền môn, với những thời khóa tu tập được ấn định dành cho mỗi hành giả.
Hiện tại, Hệ phái Khất sĩ Tăng gồm có 6 giáo đoàn, mỗi năm các giáo đoàn đều cử chư Tăng hay các Sa-di tập sự về tịnh xá Trung Tâm để an cư. Đặc biệt, các Sa-di tập sự sắp thọ Đại giới đều phải về an cư để xét “giới hạnh”. Chư tôn đức trưởng lão lãnh đạo các giáo đoàn cũng được cung thỉnh mỗi nửa tháng đến đạo tràng an cư để giám sát cũng như khuyến tấn đại chúng tu học, thể hiện sự quan tâm của các bậc lãnh đạo đến thế hệ kế thừa, đây là một truyền thống đẹp của Hệ phái Khất sĩ.
Tại tổ đình Ngọc Phương, Ni giới hệ phái hiện an cư gồm 156 vị, chưa kể hơn 40 vị xuất gia tập sự đang chờ xét giới hạnh để thọ Sa-di. NT.Thích nữ Viên Liên, Thư ký hạ trường, chia sẻ: Khác với bên Tăng, Ni giới Hệ phái không chia giáo đoàn.
Từ khi thành lập dưới sự lãnh đạo của NT.Thích nữ Huỳnh Liên, một trong những vị Trưởng lão Ni đệ tử của Đức Tổ sư, thì hàng năm vào mùa hạ, Ni chúng ở các tịnh xá trực thuộc đều tập trung về tổ đình, để cùng ôn lại những lời dạy của Đức Tổ sư trong bộ “Chơn lý”, đồng thời sách tấn lẫn nhau trên con đường tu tập. Đặc biệt, mỗi tuần trường hạ đều cung thỉnh 3 vị lãnh đạo hay trụ trì có giới hạnh về hướng dẫn, giám sát cũng như nhắc nhở đại chúng trong việc giữ gìn các oai nghi, tế hạnh của một vị xuất gia đệ tử Phật. Mỗi nửa tháng đều có lễ sám hối đại chúng.
Chư hành giả Tăng hệ phái Khất sĩ tại tịnh xá Trung Tâm nghe pháp
Các tập sự, Sa-di và Thức-xoa-ma-na-ni được sám hối và lắng nghe những lời giáo giới. Có những trường hợp phạm tội nặng thì được cử tội riêng. Tập sự hay Thức-xoa muốn thọ Đại giới thì trong thời gian ba tháng an cư, nếu Ban chức sự xét thấy chưa đủ điều kiện, thì sẽ kiến nghị với bổn sư hoặc y chỉ sư không được cho thọ giới. Đây là truyền thống tốt đẹp mà các hệ phái Phật giáo khác chưa từng đề cập đến.
Nuôi dưỡng tâm linh làm sáng tỏ “Chơn lý”
Với hơn 500 ngôi tịnh xá và 3.200 Tăng, Ni (Tăng: 1.400; Ni: 1.800), năm nay hệ phái có những điểm an cư tập trung lớn dành cho chư Tăng như: tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh); tổ đình Ngọc Viên (T.Vĩnh Long); tịnh xá Ngọc Phúc (T.Gia Lai); tịnh xá Ngọc Quang (T.Dak Lak); tịnh xá Ngọc Minh (TP.Phan Thiết, T.Bình Thuận); tịnh xá Ngọc Thiền (TP.Đà Lạt, T.Lâm Đồng). Ni giới hệ phái tập trung an cư tại 2 đạo tràng: tổ đình Ngọc Phương (Q.Gò Vấp); tịnh xá Ngọc Tâm (TP.Tân An, T.Long An). Hiện có khoảng 150 ngôi tịnh xá, 50 ngôi tịnh thất trực thuộc giáo đoàn Ni. Ngoài ra còn có một bộ phận chư Ni thuộc các giáo đoàn của Tăng, sinh hoạt độc lập. |
Do kế thừa cả hai truyền thống Nam truyền và Bắc truyền nên việc an cư của Hệ phái Khất sĩ cũng có sự dung hợp giữa hai truyền thống đó, như: khuyến khích không dùng tiểu thực buổi chiều, trừ các trường hợp bệnh tật; trong thời gian nhập hạ, hành giả không được có tài sản riêng, mọi phương tiện liên lạc và truyền thông (điện thoại di động, vi tính, Ipad v.v...) phải hạn chế, trừ một số vị có nhiệm vụ phải dùng, còn lại không được sử dụng. Những nhu cầu hàng ngày đều có sự quan tâm, đáp ứng và giám sát chặt chẽ của Ban chức sự.
Vấn đề ẩm thực và sức khỏe luôn được quan tâm đảm bảo để chư Tăng Ni có thể tu học tốt. Món ăn luôn luôn được thay đổi, bộ phận nhà trù cũng tận tâm trong việc đảm bảo bữa ăn ngon và an toàn thực phẩm cho quý sư. Mỗi mùa hạ, chư Tăng Ni đều được các y, bác sĩ kiểm tra sức khỏe và khám tổng quát, và trong đạo tràng cũng luôn có Ban y tế túc trực chăm sóc sức khỏe; mỗi tuần các vị lớn tuổi đều được chăm sóc như truyền nước biển và khám chữa bệnh.
Ngoài việc được triển khai và chia sẻ những lời dạy của Đức Tổ sư, thì trong khoảng thời gian ở tại hạ trường, Tăng Ni cũng được học các kinh điển của nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau như Nikaya và các bộ kinh lớn của Đại thừa, do chư tôn đức có thâm niên nghiên cứu đảm trách giảng dạy, nhằm trang bị kiến thức về nội minh cho chư Tăng Ni. Thể hiện tính nghiêm minh, cũng như nêu cao tinh thần tự giác của mỗi Tăng Ni hành giả, trong mùa an cư kiết hạ, mọi sinh hoạt trong đại chúng đều được những vị có nhiệm vụ giám sát như: việc đi ra ngoài, tọa thiền, tụng kinh, thọ trai, chấp tác v.v...
Chư Tăng tại tịnh xá Trung Tâm trong giờ thực hành thiền định
An cư là khoảng thời gian để mỗi cá nhân Tăng Ni hoàn thiện bản thân, sau những tháng ngày dài học tập cũng như hành đạo. Ở đây, mỗi hành giả được trang bị những kỹ năng hoằng pháp, cũng như được hướng dẫn để tránh và có thể xử lý những tình huống khó khăn từ chính kinh nghiệm của những người đi trước, củng cố lòng kiên định và tính chất hòa hợp như nước với sữa theo đúng nghĩa của đoàn thể Tăng-già.
Hệ phái Khất sĩ không tổ chức những buổi khai hạ hay mãn hạ, mà chỉ đặc thù là các lễ nghi truyền thống và sinh hoạt của Tăng được lưu truyền từ hàng ngàn thế kỷ. Đây là nét đẹp, điều cần áp dụng trong các hoạt động thuần túy là sinh hoạt của Tăng mà an cư là một điển hình.
Bài: Quảng Hậu - Ảnh: Bảo Toàn