Ấn Độ: Hội thảo quốc tế “Sự truyền bá của tư tưởng Phật giáo”

Ấn Độ: Hội thảo quốc tế “Sự truyền bá của tư tưởng Phật giáo”
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hội thảo quốc tế với chủ đề “Sự truyền bá của tư tưởng Phật giáo” vừa được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 27 và 28-10, với những nội dung xoay quanh vấn đề về tư tưởng Phật giáo Ấn Độ trên toàn thế giới.

Diễn đàn diễn ra với sự hợp tác của Đại học Jawaharlal Nehru (JNU), New Delhi; Hội đồng Quan hệ Văn hóa Ấn Độ (ICCR); Chính phủ Ấn Độ và Liên đoàn Phật giáo Quốc tế (IBC). Hội nghị khu vực này là một phần của sự kiện Hội nghị Phật giáo toàn cầu lần thứ nhất, dự kiến sẽ được ICCR phối hợp với IBC và Nava Nalanda Mahavihara tổ chức vào ngày 19 - 20-11 sắp tới với chủ đề “Phật giáo trong văn học”.

Giáo sư Chowduri Upender Rao, Giám đốc hội nghị, giáo sư tiếng Phạn và Pàli tại khoa Nghiên cứu tiếng Phạn và Ấn Độ học tại JNU, đã phát biểu chào mừng trong sự kiện trọng đại này. Mở đầu là các bài phát biểu của bà Meenakshi Lekhi, vị khách mời chính của sự kiện và hai vị khách mời danh dự là Tiến sĩ Dhammapiya - Tổng Thư ký của IBC và Chinmoy - Phó Tổng Giám đốc của ICCR.

Trong buổi lễ khai mạc, bà Lekhi đã gửi lời chúc mừng Ban Tổ chức và những người tham gia hội nghị: “Tôi rất vui khi biết hội nghị này được tổ chức với chủ đề truyền bá tư tưởng Phật giáo. Tất cả chúng ta đều biết rằng thời kỳ đầu, Đức Thế Tôn sống ở Ca-tỳ-la-vệ. Sau đó, Ngài đã chứng ngộ chân lý Tứ diệu đế, hoằng truyền tư tưởng Trung đạo và nhiều giáo lý khác.

Theo những gì được ghi lại trong Kinh tạng Pàli và A-hàm, Đức Phật Cồ-đàm đã thành đạo dưới cội bồ-đề thuộc Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay. Sau đó Ngài đã du hành đến một số vùng ở miền Bắc Ấn Độ để thuyết giảng những gì mà Ngài đã chứng ngộ trong suốt 45 năm. Từ đó, tư tưởng Phật giáo đã được truyền bá ra khắp thế giới và phân chia thành nhiều truyền thống và phương pháp tu tập khác nhau. Tôi xin chúc mừng Giáo sư Upender Rao và nhóm làm việc cùng ông về những nỗ lực cao cả này. Tôi cũng xin chúc mừng tất cả những người thành viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong hội nghị này”.

Trong suốt quá trình diễn ra hội nghị, các diễn giả đã trình bày các bài nghiên cứu về những chủ đề khác nhau, xoay quanh vấn đề đạo đức và các truyền thống triết học Phật giáo đã được truyền bá và tiếp biến như thế nào trên thế giới. Ngoài ra, phương pháp thực hành Phật giáo, nghệ thuật, trường phái triết học, văn học và các khía cạnh khác của di sản Phật giáo cũng được quan tâm và đưa ra thảo luận tại đây.

Hội nghị được chia thành 6 phiên, với 24 bài trình bày của các diễn giả đến từ Ấn Độ, Bulgaria, Indonesia, Ý, Latvia, Lithuania, Thái Lan, Ukraine và Việt Nam. Sau mỗi bài thuyết trình là phần thảo luận phân tích chuyên sâu.

Cuối cùng, hội nghị đã kết thúc với bài phát biểu của Giáo sư Upendra Rao và các bài kết luận của Giáo sư Battu Satyanarayana - Phó Hiệu trưởng Đại học Trung tâm Karnataka, Kadaganchi; Giáo sư Santosh Kumar Shukla - Trưởng khoa Nghiên cứu tiếng Phạn và Ấn Độ học tại JNU; và các vị khách danh dự như Giáo sư Amarjiva Lochan - Trưởng khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Delhi, và Hòa thượng Tiến sĩ Tejawaro Thero, phó trụ trì tu viện Kim Sơn, Cao Hùng, Đài Loan.

Các nhà tổ chức của hội nghị sẽ đăng tải một Ebook tóm tắt nội dung đã được trình bày và kỷ yếu hội nghị lên trang web của ICCR.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Hòa thượng Thích Lệ Trang chủ trì, phát biểu tại buổi họp mở rộng - Ảnh: Bảo Toàn/BGN

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sẽ không nhận hoa, phẩm vật chúc mừng tại các hội nghị sắp tới

GNO - Đó là thông báo của Hòa thượng Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM trong buổi họp mở rộng của Ban Thường trực Ban Trị sự TP với các ban chuyên môn trực thuộc, Ban Trị sự TP.Thủ Đức, 21 quận huyện nhằm triển khai các hoạt động Phật sự cuối năm Giáp Thìn, vào sáng nay, 14-12, tại Việt Nam Quốc Tự.

Thông tin hàng ngày