GN - Tỳ-kheo Sanghasena, một nhà lãnh đạo Phật giáo nổi tiếng mang tinh thần nhập thế, mới đây đã được trao Giải thưởng Hòa bình Thế giới A.P.J. Abdul Kalam lần thứ 7 nhằm ghi nhận những đóng góp của thầy trong việc thúc đẩy hòa bình và các giá trị chân thật, từ bi và tinh thần trách nhiệm đối với xã hội.
Sự kiện trọng đại này đã được tiến hành vào ngày 21-9-2021 tại Hội nghị Hòa bình Quốc tế lần thứ 11 ở Ladakh nhân ngày Quốc tế Hòa bình của Liên Hiệp Quốc.
Thầy Sanghasena hiện đang là vị giám đốc của Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi (MIMC) ở Ladakh, thuộc miền Bắc Ấn Độ, đồng thời là người sáng lập quỹ MahaKaruna, tổ chức “Save the Himalayas”, và cố vấn tinh thần cho Mạng lưới liên kết Phật tử quốc tế (INEB).
Nhân dịp này, Tiến sĩ Anthony, Trưởng ban tổ chức lễ trao giải cho biết: “Sau khi xem xét tường tận và khách quan về các thông tin liên quan đến thầy, chúng tôi đã nhận thấy rằng thầy đã dành cả cuộc đời để truyền bá những lời dạy của Đức Phật và thông điệp của lòng từ bi bằng những hoạt động nhân đạo, từ thiện thiết thực và các truyền thống Phật giáo cổ xưa. Với đời sống khiêm cung, từ ái và hòa hợp, thầy xứng đáng là một tấm gương chuẩn mực cho người khác noi theo, đặc biệt là thế hệ trẻ với nhiều thành tựu đáng kể trong cuộc sống. Vì những lý do đó, Hội đồng Quản trị Quốc gia, Ban Bảo trợ & Ban Đại sứ đã quyết định vinh danh thầy với ‘Giải thưởng Hòa bình Thế giới A.P.J. Abdul Kalam lần thứ 7 năm 2021’ vì những đóng góp to lớn của thầy cho sự hòa hợp, bình an của thế giới và nỗ lực bảo vệ và phát triển nhân quyền, phúc lợi an sinh cho toàn nhân loại”.
Thầy Sanghasena với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Damodardas Modi |
Được đặt theo tên của Tiến sĩ Avul Pakir Jainulabdeen Abdul Kalam (1931–2015), một nhà khoa học về hàng không vũ trụ, đồng thời là Tổng thống thứ 11 của Ấn Độ từ năm 2002 đến năm 2007, giải thưởng này do Hội đồng Nhân quyền, Tự do và Công bằng xã hội Ấn Độ (AICHLS) trao tặng.
Hội nghị Hòa bình Quốc tế lần thứ 11 được tổ chức tại Viện Nghiên cứu Phật học Trung ương vào ngày 21-9 ở Leh, thủ đô và thành phố lớn nhất của Ladakh. AICHLS và MIMC, Hiệp hội Phật giáo Ladakh, Hiệp hội All Ladakh Gompa, Anjuman Imamia, Anjuman Moin-ul-Islam, Cộng đồng Cơ Đốc giáo, Hindu Mahasabha và Ủy ban Gurudwara Prabandhak đã phối hợp để tổ chức sự kiện trọng đại này.
Các vị chức sắc và diễn giả khách mời tham gia sự kiện cũng bày tỏ nhu cầu cấp thiết trong việc hướng tới sự đoàn kết và hòa hợp ở cấp độ toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc loại bỏ những tư tưởng hẹp hòi và cứng nhắc dẫn đến tình trạng chia rẽ, bất hòa. Đặc biệt, hội nghị còn thảo luận về xu hướng phát triển một tầm nhìn mới về đại gia đình toàn cầu, trong đó, tất cả các tôn giáo, quốc gia và cộng đồng được bình đẳng và tôn trọng như nhau.
Nằm trên cao nguyên Tây Tạng, Ladakh đã trở thành lãnh thổ liên minh lớn nhất ở Ấn Độ vào năm 2019, sau khi chính phủ tái thiết bang Jammu và Kashmir trước đây. Ladakh có diện tích khoảng 59.146km2 và phần lớn đất đai ở đây rất khô cằn và khắc nghiệt; văn hóa và lịch sử của Ladakh có liên hệ chặt chẽ với Tây Tạng, vì vậy, Ladakh đôi khi còn được gọi là “Tiểu Tây Tạng”.
Tỳ-kheo Sanghasena thành lập Trung tâm Thiền Quốc tế Mahabodhi (MIMC) ở Leh vào năm 1986. Kể từ đó, thầy đã trở thành một tấm gương mẫu mực của cộng đồng Phật giáo mang tinh thần nhập thế. Thầy khởi xướng nhiều chương trình, dự án và hoạt động cộng đồng, chẳng hạn như giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em cơ nhỡ, chăm sóc sức khỏe cho các cụ già neo đơn, ủy lạo những người nghèo, kém may mắn. MIMC đã phát triển thành một trung tâm tổ chức nhiều chương trình văn hóa xã hội và phục vụ cộng đồng.