Triển lãm kinh Phật nhân kỷ niệm ngày bảng chữ cái Hàn Quốc ra đời

Triển lãm kinh Phật nhân kỷ niệm ngày bảng chữ cái Hàn Quốc ra đời
0:00 / 0:00
0:00
GN - Hôm 9-10 vừa qua, nhân kỷ niệm ngày ra đời của bảng chữ cái Hangul, Hàn Quốc đã tổ chức triển lãm các bản thảo gốc của quyển kinh Phật đầu tiên được in bằng văn tự này tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Seokbosangjeol là tên gọi của bộ kinh Phật giáo đầu tiên được viết bằng văn tự Hangul - bảng chữ cái riêng của Triều Tiên được tạo ra dưới triều đại vua Sejong và sử dụng cho đến ngày nay ở cả hai quốc gia Nam - Bắc trên bán đảo này. Bản kinh được in vào năm 1447, cuối thời vua Sejong của triều đại Joseon (triều đại cuối cùng của bán đảo Triều Tiên thống nhất), chỉ một năm sau khi quyển sách mô tả hệ thống chữ viết Hangul đầu tiên của Triều Tiên là Hunminjeongeum Haeryebon (Huấn dân chính âm giải lệ bản) được ban hành.

Lúc bấy giờ, các giáo lý đạo Phật được dịch sang ngôn ngữ Triều Tiên dưới sự hướng dẫn của hoàng tử Suyang (vua Sejo sau này) để tưởng nhớ người mẹ quá cố của ngài là Hoàng hậu Soheon. Hoàng hậu vẫn là một Phật tử thuần thành dù sống trong triều đại Joseon chủ yếu sùng bái Nho giáo. Hangul được sử dụng rộng rãi kể từ thời của hoàng hậu, vì vậy, bảng chữ cái và các tác phẩm đầu tiên sử dụng bảng chữ cái này đã trở thành báu vật của Hàn Quốc kể từ đó.

Giáo sư Jang Jin-won, giảng viên khoa Nghiên cứu Phật giáo Quốc tế tại Đại học Dongguk, nhấn mạnh rằng: “Đây là tác phẩm đầu tiên được in bằng ký tự Hangul nhằm kiểm tra sự chính xác của hệ thống chữ viết này. Điều này chứng minh rằng Phật giáo ảnh hưởng không nhỏ đến triều đình trong thời gian đó”.

Một trong số hai tập Seokbosangjeol được trưng bày cố định tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc
Một trong số hai tập Seokbosangjeol được trưng bày cố định tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc

Theo các tài liệu liên quan, có 24 tập của bộ kinh Seokbosangjeol đã được in, tuy nhiên một số tập đã bị thất lạc. Hiện nay, các tập 6, 9, 13 và 19 được lưu giữ tại Thư viện Hàn Quốc; tập 23 và 24 đang ở Thư viện Trung tâm của Đại học Dongguk; tập 20 và 21 trước đây chưa từng được công bố rộng rãi, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc.

Đặc biệt, tập 20 và 21 của bộ Seokbosangjeol được trưng bày cố định tại bảo tàng như một bảo vật quốc gia từ ngày 30-9. Đây là một phần trong những tặng phẩm mang tính nghệ thuật của ông Lee Kun-hee, cố chủ tịch Tập đoàn Samsung.

Ngoài bộ Seokbosangjeol, 152 khối kim loại khắc ký tự có niên đại vào khoảng thế kỷ XV cũng lần đầu tiên được trưng bày. Đây là bảo vật được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc từ năm 1931.

Các khối kim loại khắc ký tự có niên đại vào khoảng thế kỷ XV

Các khối kim loại khắc ký tự có niên đại vào khoảng thế kỷ XV

Kim Dong-woo, một nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, cho biết các tài liệu liên quan đến bộ kinh này đã làm hé lộ lịch sử phức tạp của Phật giáo trên bán đảo Triều Tiên. Phật giáo đã du nhập vào quốc gia này vào năm 372 và được Vương quốc Silla chính thức công nhận là quốc giáo vào năm 527. Nhưng sau đó, dưới triều đại Joseon, các tư tưởng Nho giáo đã dần lấn át khiến Phật giáo bị đàn áp ở thời kỳ này.

Hơn nữa, ông Kim còn nhấn mạnh rằng: “Ngoài giá trị nghiên cứu về bảng chữ cái Hangul, bộ kinh Seokbosangjeol còn được đánh giá cao trong việc tìm hiểu về văn hóa Phật giáo. Mặc dù Joseon được xem là một triều đại theo đạo Khổng, nhưng Phật giáo vẫn tồn tại và có sức ảnh hưởng đến một số nhân vật trong hoàng gia. Bộ kinh Seokbosangjeol đã chứng minh điều đó. Chắc chắn đã có rất nhiều người theo Phật giáo dưới triều đại Joseon”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày