“Ăn muối”

GN - Khi vợ tôi sửa soạn đi chợ, bà mẹ vợ tôi nói với: “Ngày nay là ngày ăn muối đấy, con ạ!”. Lần đầu tiên nghe nói thế, tôi thực sự ngạc nhiên. Gia đình tôi tuy không giàu có gì, hai vợ chồng đều là công nhân viên nhà nước cũng thuộc loại đủ ăn, không đến nỗi có ngày phải ăn muối, rồi lại ba đứa con, chúng phản ứng thế nào?

Tuong chua.JPG


Ảnh minh họa

Trưa hôm ấy mâm cơm dọn ra tôi thấy khá đầy đủ món ăn: một tô canh bí đỏ, một dĩa rau muống luộc chấm tương và một dĩa xào nhiều rau củ quả. Khi mọi người ngồi vào bàn, bà mẹ vợ tôi mới đem ra một hũ muối mè mời tất cả cùng ăn. Thì ra “ăn muối” là vậy. Ăn muối đồng nghĩa ăn chay bởi vì trong bữa ăn chay có muối mè hoặc muối đậu phụng (lạc). Ăn chay giản dị như thế cũng đủ chất, vẫn bảo đảm dinh dưỡng vừa ngon miệng. Bà thường hay nói: ăn chay sạch bụng. Đặc biệt bà không cho dùng chất tẩy rửa để rửa chén bát mà nói, ăn chay có “mỡ màng” chi đâu, chỉ dùng nước là đủ sạch!

Tôi cũng còn nhớ trong một buổi chuyện trò với một vị đại đức ở Huế, vị ấy nói, trong thập niên 80, 90 các chùa rất nghèo, các thức ăn như tương chao rất hiếm, chỉ dành cho các vị thượng tọa có tuổi trong chùa, còn ngoài ra thức ăn của Tăng chúng là muối cà đựng trong các vại đặt trong vườn chùa. Thế mà nhiều khi không đủ, các vị phải lấy nước muối hòa thêm làm thức dùng…

Đại đức cũng cho chúng tôi nếm trái bùi thu hoạch trong vườn chùa đã muối mặn. Đúng như tên gọi, nó có vị bùi nhưng chúng tôi không thấy ngon cho lắm. Ấy mà trước đây, nó là một loại đặc sản chỉ dành cho các vị cao tăng hoặc những vị khách quý đến thăm chùa. 

Thời buổi bây giờ ai cũng đồng ý ăn chay là tốt cho sức khỏe, là “sạch bụng”. Vì thế các quán chay, nhà hàng chay mọc lên như nấm. Có những nhà hàng bình dân nhưng cũng có nhà hàng cao cấp, ở đó giá cả cao ngất ngưởng dành cho các người thừa tiền lắm bạc. Hàng đêm thực khách vẫn đông vui nhưng không có ai ngại, cho rằng ăn chay thiếu dinh dưỡng. Trái lại xã hội cũng đã công nhận mặt tích cực của việc ăn chay.

Thế nhưng việc ăn nhậu cũng phát triển ở một bộ phận dân cư. Họ ăn bất cứ con vật gì trên rừng dưới biển. Như bị nhiễm bởi tâm lý bầy đàn, họ huênh hoang tuyên bố đại loại như ăn bất cứ con vật nào bốn chân trừ các chân bàn, ăn con vật nào nhúc nhích, ăn bất cứ con vật nào trừ con ốc vít, v.v…      

Vừa qua, nay tôi thực sự xúc động khi đọc bài viết của tác giả Trần Minh Hợp có tựa đề “Ăn lạt” trên tờ Tuổi Trẻ số ra hôm 3-8. Thì ra có thêm một  từ để chỉ ăn chay: ăn lạt. Tác giả là một dân ăn nhậu, thành thật nói về cảm tưởng của những lần đi nhậu về:

“Nằm trên giường nghỉ, mấy sớ thịt heo cứ kẹt trong kẽ răng nhồn nhột, thở hõm sâu của nhân trung trong những làn hơi mùi thịt bò. Cái bụng căng tròn núc ních, lắc kêu tiếng nước lẩu của xương dê… Nghĩ tới miếng thịt nào cũng dầy đục trong họng, ho lên khặc khặc và nhờn nhợt muốn ói. Tôi nhìn lên trần nhà mà ớn bản thân mình, như tên bạo chúa đang làm chuyện sát sanh tàn bạo”.

Tác giả cũng cho biết cảm tưởng lần đầu tiên ăn chay trong đời. “Ăn lạt một ngày mà thấy trong bụng, trong đầu nhẹ hẳn, bớt nghĩ đến cái chết của những con gia súc gia cầm”.

Và tác giả cũng có khám phá mới: “Nhờ ăn lạt mà thân nhau, nhờ ăn lạt quen nhau, nhờ ăn lạt mà có cớ mở đầu tin nhắn. Ăn lạt đã vượt ra khỏi ý nghĩa sự sống của sinh linh”.

Có lẽ không cần phải bàn thêm câu chuyện.

Như nhà Phật nói có tới tám vạn bốn ngàn pháp môn - bốn vạn con đường tu học.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thông tin hàng ngày