GN - Có sanh ra ắt sẽ có già suy và bệnh chết. Ai rồi cũng đến lúc về già, sức vóc không còn tươi đẹp và khỏe mạnh như xưa. Âu đó cũng là quy luật thường nhiên sanh già bệnh chết.
Già bệnh không chừa một ai, kể cả Thế Tôn cũng không ngoại lệ. Điều quan trọng là thấy rõ cái sự già, biết chấp nhận thực trạng già yếu mà an nhiên với tuổi già.
Hình ảnh “Tôn giả A-nan hai tay sờ chân của Thế Tôn, thấy làn da nhăn nheo, buồn khóc nghẹn ngào không nén được” thật là cảm động. Tình thầy trò mà thiết thân gần gũi như cha con ruột thịt. Ai mà không thương cảm khi thời gian hằn ghi dấu lên tuổi tác của mẹ cha, thầy tổ của mình. Trong khi ấy Thế Tôn vẫn tự tại, Ngài biết rõ rằng “Hễ có thân thể thì sẽ có bị bệnh ép ngặt. Nếu đáng bệnh, chúng sanh sẽ bị bệnh làm khốn; đáng chết, chúng sanh sẽ bị chết bức bách”. Thân này cũng giống như cỗ xe, dùng lâu ngày sẽ hư cũ và đến lúc phải vất bỏ.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ Tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên, chốc lát lấy hai tay sờ chân Như Lai, rồi hôn lên chân Như Lai mà nói:
- Thân Thế Tôn vì sao thế này? Thân nhăn nheo quá, nay thân Như Lai chẳng bằng lúc xưa.
Thế Tôn bảo:
- Đúng vậy A-nan, như lời Thầy nói. Nay thân Như Lai da thịt đã nhăn, thân chẳng như khi xưa. Sở dĩ như thế vì hễ có thân thể thì sẽ có bị bệnh ép ngặt. Nếu đáng bệnh, chúng sanh sẽ bị bệnh làm khốn; đáng chết, chúng sanh sẽ bị chết bức bách. Hôm nay thân Như Lai đã suy vi, đã tám mươi tuổi rồi.
Tôn giả A-nan nghe xong, buồn khóc nghẹn ngào không nén được, bèn nói:
- Than ôi! Sự già đã đến đây rồi!
Bấy giờ, Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thế Tôn đi khất thực dần dần đến cung vua Ba-tư-nặc. Lúc ấy, trước cửa cung vua Ba-tư-nặc có mấy mươi chiếc xe hư cũ, bỏ ở một bên. Tôn giả A-nan thấy xe bị vất bỏ một bên, liền bạch Thế Tôn:
- Xe này là xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm nó, trông hết sức đẹp đẽ tinh vi, nhưng ngày nay thì cùng màu với gạch đá.
Thế Tôn bảo:
- Đúng vậy, A-nan, như lời Thầy nói. Như nay xem các xe hiện có, ngày xưa cực kỳ đẹp đẽ tinh xảo, làm bằng vàng bạc, nhưng ngày nay hư hỏng, chẳng dùng được nữa, vật bên ngoài còn bại hoại như thế, huống là bên trong.
Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ:
Ôi! Già, bệnh, chết này/ Hoại người sắc cực thịnh/ Lúc đầu rất thích ý/ Nay bị chết bức bách/ Tuy sẽ thọ trăm tuổi/ Rồi sẽ về với chết/ Chẳng khỏi hoạn khổ này/ Đều sẽ về đường này/ Như trong thân hiện có/ Bị bức bách của chết/ Các tứ đại bên ngoài/ Ắt hướng đến gốc không/ Thế nên cầu chẳng chết/ Chỉ có cõi Niết-bàn/ Cõi không chết, không sanh/ Đều không các hành này”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tứ ý đoạn 1 [lược],
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.579)
Rõ ràng, già bệnh chết là thuộc tính của thân này, không ai tránh khỏi. Khi trẻ, ta có thú vui của tuổi trẻ. Về già, ta có niềm vui của già. Thấy rõ sự thật già bệnh chết nơi thân này để đón nhận nó, dù có khổ đau bức bách. Già chết sẽ khép lại một chu trình sống để mở ra chu trình mới tốt đẹp hơn. Như chiếc áo đã cũ thì cần thay mới, như chiếc xe đã mục nát thì vất bỏ, như cây rụng lá mùa đông để đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân.
Các bậc Thánh hết sạch não phiền thể nhập vào cõi bất sanh bất diệt mà thân tứ đại vẫn thuận thế vô thường. Người con Phật thường quán niệm như vậy để an nhiên với tuổi già, không quá lo sợ về bệnh chết. Vui với những gì đã làm được cho con cháu và cho cuộc đời, nguyện làm tiếp những gì chưa làm được ở đời sau. Nếu tự thân mình tích lũy được nhiều phước đức, nghiệp lành trong hiện đời thì khi mãn phần, dòng sống vẫn được tiếp nối, thăng hoa và tốt đẹp hơn.